Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kim Bu-sik, tác giả của "Tam Quốc sử ký"

2011-08-04

<b>Kim Bu-sik</b>, tác giả của "Tam Quốc sử ký"
Hãy ghi chép lại lịch sử thời Tam quốc

Giai đoạn giữa thời Goryeo, một nhà sư tên là Myocheong (Diệu Thanh) xuất hiện, đề ra chủ trương "Tây Kinh Thiên đô", dời kinh đô từ Gaeseong (Khai Thành) về Seogyeong (Tây Kinh, tên gọi của Pyeongyang hiện nay) và gây ra loạn Myocheong nhưng đã bị dập tắt. Sau khi dẹp loạn, Kim Bu-sik (Kim Phú Thức), vị quan văn triều Goryeo đã từ quan và dâng tấu lên vua Injong (Nhân Tông) những lời như sau:
"Các vị học sĩ đại phu ngày nay thông hiểu về lịch sử các đời của Tần Hán nhưng lại không biết tới đầu đuôi sự kiện của đất nước chúng ta nên thật đáng tiếc. Nói đến những ghi chép xưa về Tam Quốc thì nhiều thứ còn sót, không lấy mà dạy bảo cho con cháu đời sau được, xin vua hãy cho hoàn thiện bộ sách sử để có thể tỏa sáng cùng thái dương, tinh tú."

Kim Bu-sik đã kiến nghị, để xây dựng được lịch sử của đất nước thì phải ghi chép lại được lịch sử của Tam quốc và ông đã được vua Injong chấp thuận, ban lệnh cho biên soạn bộ sách sử này. Và nhờ đó, năm 1145, "Tam Quốc sử ký", bộ sách lịch sử đầu tiên được xây dựng một cách có hệ thống về lịch sử cổ đại của Hàn Quốc đã ra đời.

Vị học giả uyên bác tiêu biểu của thời Goryeo

Kim Bu-sik (Kim Phú Thức) là con cháu của Vũ Liệt Vương, vua Silla đời thứ 29, ông sinh ra tại Gyeongju vào năm 1075, năm thứ 29 triều vua Văn Tông, vua đời thứ 11 của Goryeo. Năm 1096, khi 22 tuổi, ông thi đỗ khoa cử, từng làm nhiều chức quan dưới các thời vua Yejong (Duệ Tông), Injong (Nhân Tông) và đã lên tới cương vị tể tướng.
Năm 1116 (Năm thứ 11 triều vua Duệ Tông), Kim Bu-sik được cử đi sứ, sang nhà Tống, Trung Quốc. Ông được vua Huy Tông nhà Tống tặng 3 bộ sử lớn của Trung Quốc như bộ “Tư Trì Thông Giám” của Tư Mã Quang, ghi chép tất cả các sự kiện trong suốt 1362 năm, từ triều nhà Chu thời Chiến Quốc, qua các triều Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều và cho đến tận thời Hậu Chu.
Nhờ đó, Kim Bu-sik đã xác định nên được quyết tâm biên soạn một bộ sách sử giống như vậy cho đất nước và ông đã chuyên tâm vào việc dùng thể cổ văn để viết lách, trở thành học giả tiêu biểu, có tài cao học rộng, kiến thức uyên thâm của Goryeo. Tuy nhiên, việc ghi chép lịch sử của ông, mãi về sau, phải qua một thời gian nữa mới được thực hiện.

Dẹp loạn Myocheong

Bước ngoặt chính trị khó khăn nhất trong cuộc đời của Kim Bu-sik chính là giải quyết loạn Myocheong (Loạn Diệu Thanh). Năm 1126, (Năm thứ 4 triều vua Nhân Tông), cung điện ở Gaegyeong (Khai Kinh, tên gọi khác của Gaeseong) đã bị cháy do loạn gian thần Yi Ja-gyeom. Nhân đó, vị sư Myocheong (Diệu Thanh) mới đề ra chủ trương "Tây Kinh Thiên Đô", muốn xây cung điện mới ở Seogyeong (Tây Kinh) và liên tục khuyên vua rời đô về đó. Song, gặp sự phản đối của thế lực quan lại ở Gaegyeong, năm 1135 Myocheong đã nổi loạn. Lúc này, Kim Bu-sik đã đứng ra, thay mặt cho quan lại ở Gaegyeong, đem quân đi đánh và sau 14 tháng đã dẹp được quân phản loạn. Nhờ công lao đó mà vị thế chính trị của Kim Bu-sik đã lên tới đỉnh cao, nhưng vì trong triều xuất hiện nhiều mâu thuẫn nên năm 1142 ông đã từ chức và chuyển sang việc biên soạn lịch sử, công việc mà ông từng ấp ủ bấy lâu.

Biên soạn bộ sách lịch sử tiêu biểu của Hàn Quốc

Thực tế, "Tam quốc sử ký" được biên soạn, ghi chép lại sử của Goguryeo, Baekje, Silla bởi 11 quan viên do vua đặc biệt cử ra. Trong đó có 8 người ở chức “Tham khảo”, chuyên về việc viết sách cùng với Kim Chung-hyo (Kim Trung Hiếu) và Jeong Seup-myeong (Trịnh Tập Minh) là 2 người ở chức “Quản cú”, chuyên về việc hành chính, chỉnh sửa còn Kim Bu-sik chỉ là người đứng tên, chịu trách nhiệm chung. Tuy nhiên, Kim Bu-sik được biết đến là một văn nhân nổi tiếng hàng đầu của thời Goryeo. Việc ông đích thân viết lời mở đầu, lời bình cho các phần và đánh giá về các nhân vật lịch sử trong tác phẩm đã góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng của "Tam Quốc sử ký".
"Tam Quốc sử ký" được soạn làm 50 quyển, ghi các sự kiện lịch sử của ba nước Silla, Goguryeo, Baekje. Trong số đó, 10 quyển cuối là phần “liệt truyện”, ghi chép các câu chuyện của hơn 80 nhân vật lịch sử, thể hiện cho thấy tài năng của một văn nhân lớn ở Kim Bu-sik. Đặc biệt, trong đó có tác phẩm "Ondaljeon" (Ôn Đạt truyện) được xem là phần văn chương hay nhất của Kim Bu-sik. Cùng với "Dạ xuất cổ bắc khẩu kí" của nhà văn Park Ji-won, nó đã được Kim Taek-yeong (Kim Trạch Vinh), văn nhân giai đoạn cuối thời Joseon ca tụng là những áng văn nổi tiếng nhất trong lịch sử của đất nước, tính đến thời điểm bấy giờ.
Không chỉ có những áng văn hay, "Tam Quốc sử ký" còn sử dụng, đưa vào nhiều loại tài liệu lịch sử của trong và ngoài nước có được lúc đó, phản ánh lịch sử tồn vong, thịnh suy của 3 quốc gia Silla, Goguryeo, Baekje trong khoảng 1000 năm, từ thời điểm kiến quốc cho đến hết giai đoạn quốc gia Silla thống nhất. Đây được xem là bộ sách lịch sử hàng đầu của Hàn Quốc, bộ sách duy nhất khi đó cho biết đầy đủ thông tin về chính trị, xã hội, văn hóa, thậm chí cả về quan hệ đối ngoại với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản v.v...
Đương nhiên, do miêu tả sự kiện dưới con mắt của quan lại phong kiến, nên nó cũng bị coi là bộ sách sử của giai tầng thống trị. Song, bộ sách sử này lại có những điểm có thể so sánh với "Tam Quốc di sự", tác phẩm hướng tầm nhìn tới cuộc sống của con người đời thường qua những truyền thuyết hay dã sử... Dù sao, vào thế kỷ thứ 12, nếu "Tam Quốc sử ký" không được biên soạn thì có lẽ nhiều sự kiện lịch sử của 3 quốc gia ở giai đoạn trước đó có thể đã bị thất lạc, không được biết tới. Chỉ với chừng đó giá trị, bộ sách này đã có thể xem là một kim chỉ nam quan trọng, khơi dậy cho sự phát triển của lịch sử Hàn Quốc và giúp cho người ta luôn nhớ tới tên tuổi của Kim Bu-sik sau khi ông qua đời vào năm 1151.

Lựa chọn của ban biên tập