Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

An Chang-ho, ánh sáng của phong trào kháng Nhật cứu nước

2011-08-18

<b>An Chang-ho</b>, ánh sáng của phong trào kháng Nhật cứu nước
Tất cả vì độc lập

Tháng 8 Hàn Quốc sôi động cháy bỏng với ngày giải phóng 15/8, ngày kỉ niệm bán đảo Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Nhật, giành được độc lập. Thời điểm này, có một nhân vật luôn được nghĩ tới trong lòng người dân Hàn.
“Khi ăn, lúc ngủ tôi đều vì độc lập của Đại Hàn. Điều đó sẽ mãi không đổi thay cho đến khi tôi trút hơi thở cuối cùng”, “Vậy, Joseon có thể giành độc lập không? - Rất đúng, chắc chắn sẽ độc lập vì cả dân tộc đều tin tưởng vào điều này.” Quả như vậy, đây là lời nói của một nhân vật có lòng yêu dân tộc thiết tha, có ý chí sắt đá và lòng tin tựa Thái Sơn không gì lay chuyển. Anh đã khiến quan viên điều tra người Nhật phải cứng miệng, không nói nên lời. Đó chính là An Chang-ho, người đã đi đầu trong đấu tranh giành độc lập của Hàn Quốc với tư tưởng và tinh thần ngay thẳng, đúng đắn.

Nhà hùng biện trẻ tuổi thu phục lòng dân.

Sinh ngày 9/11/1878 tại Gangseo tỉnh Nam Pyeongan, An Chang-ho có tên hiệu là Đảo Sơn. Năm 1894 chứng kiến cuộc chiến Thanh-Nhật tại Bình Nhưỡng, ông đã rất bức xúc và nhận thức được sự suy yếu của đất nước, khiến người dân phải ngồi nhìn Trung-Nhật giao chiến ngay trên lãnh thổ của mình. An Chang-ho cho rằng, "Điều có thể hy vọng và trông chờ không gì khác ngoài sức mạnh của chính mình". Năm 1895 ông lên Seoul, tiếp cận và học tập kiến thức của dòng văn học mới để mở mang cho thế giới quan của mình. Sau khi học xong, ông đã gia nhập Hội Độc lập, đi đầu trong việc vận động thành lập các cơ quan phân nhánh của Hội.
Đặc biệt, trong cuộc họp mặt nhân dân do Hội Độc lập tổ chức có tên gọi "Vạn dân cộng đồng hội" tại đình Kwoejae (Khoái Tai Đình), Bình Nhưỡng năm 1898, dù mới 20 tuổi nhưng An Chang-ho đã đứng trước toàn thể dân chúng diễn thuyết, phê phán bè lũ quan lại bất lực, khiến cho rất nhiều người cảm động. Thực tế, cũng nhờ nghe diễn thuyết của ông mà nhà hoạt động phong trào độc lập Lee Seung-hun mới tham gia vào phong trào, về sau trở thành một lãnh đạo tôn giáo (Cơ Đốc giáo), một nhà giáo dục của đất nước. An Chang-ho đã nói ra được thành lời tất cả những vấn đề thực tế trong lòng người dân lúc đó và trong suốt 3 năm tiếp theo, ông đã đi vòng quanh các vùng Gyeonggi, Hwanghae, Pyeongan, dành nhiều công sức cho việc diễn thuyết, thức tỉnh lòng dân.

Trở thành hòn đảo hiên ngang giữa biển khơi

An Chang-ho đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục. Năm 1899, tại xã Dongjin, huyện Gangseo, tỉnh Nam Pyeongan ông đã xây dựng nên trường Jeomjin, trường học đầu tiên có nam nữ học chung tại Hàn Quốc, bắt đầu bước vào sự nghiệp đào tạo nhân tài. Ông cảm nhận sâu sắc được tính cần thiết của nguồn tri thức mới để gây dựng nên những sự nghiệp trọng đại và năm 1902 ông đã đi Mỹ.
Trên đường tàu biển đi Mỹ, được chiêm ngưỡng vẻ hùng tráng của đảo Hawaii, An Chang-ho đã quyết định sẽ trở thành một nhân vật giống như hình ảnh của hòn đảo và tự đặt cho mình tên hiệu là "Đảo Sơn", lúc bấy giờ là tên gọi Hawaii theo tiếng Hàn. Thời gian sau đó, ông đã lao động kiếm tiền để đi học tại San Francisco, đồng thời lập nên Hội thân hữu người Hàn đầu tiên tại San Francisco, giới thiệu việc làm cho người Hàn, giúp đỡ cho họ có được những đồng lương chính đáng. Năm 1905, với việc kí kết điều ước Ất Tị, nhà nước Đại Hàn Đế quốc đã mất hết quyền lực nên 1 năm sau đó An Chang-ho đã trở về nước sáng lập ra "Tân dân hội", một tổ chức bí mật kháng Nhật.

Con đường độc lập soi sáng tư tưởng "Vụ thực lực hành"

Sau khi trở về nước, An Chang-ho tham gia triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển giáo dục và sản xuất kinh doanh như mở trường Daeseong (Đại Thành), hiệu sách Taegeuk (Thái Cực thư quán), công ty gốm sứ phường Masan... Đồng thời ông cũng đã cố gắng khôi phục chủ quyền đất nước thông qua nhiều hoạt động phong trào như cải tiến nhà cửa, xây dựng nông trang kiểu mẫu, đề xướng tính thiết yếu của việc giáo dục phụ nữ, kêu gọi phổ biến quốc ca... Tuy nhiên, tình hình Hàn Quốc lúc bấy giờ không mấy tốt đẹp và ngày càng trở nên bất lợi cho các hoạt động này.
Trong cảnh rối ren đó, năm 1909, sau sự kiện ám sát Ito Hirobumi của nghĩa sĩ An Jung-geun tại Cáp Nhĩ Tân, đế quốc Nhật thăm dò hành tung của nghĩa sĩ và đã bắt An Chang-ho do nghi ngờ ông đứng sau vụ việc này. An Chang-ho đã phải chịu cảnh khổ sở khốn cùng trong suốt 3 tháng tù đày.
Nhận thức được tình hình phong trào vận động khôi phục chủ quyền quốc gia khó tiếp tục hoạt động được ở trong nước, Tân dân hội đã xây dựng chiến lược phát triển căn cứ của quân độc lập tại nước ngoài để tiến hành kháng chiến chống Nhật. Do đó, sau khi tị nạn sang Mỹ, năm 1913, An Chang-ho đã xây dựng nên "Hưng sĩ đoàn", một tổ chức đoàn thể nuôi dưỡng nguồn nhân lực để đấu tranh giành độc lập tự chủ dân tộc. Ngoài ra, năm 1919, ông cũng đã triển khai các hoạt động ngoại giao với mục đích cho toàn thế giới biết tin về phong trào Độc lập 1/3 của Hàn Quốc. Tiếp theo, An Chang-ho đã đến Thượng Hải, Trung Quốc tham gia xây dựng tổ chức chính phủ lâm thời, đảm nhận một loạt các chức danh Trưởng ban Nội vụ, quyền thủ tướng, Trưởng ban Lao động... và đã phát hành tờ "Độc lập tân văn".
Đặc biệt, An Chang-ho đã lấy tư tưởng "Vụ thực lực hành" làm tinh thần tạo nên sức mạnh cho các hoạt động của mình. Ông cho rằng, "Chân lý nhất định có người theo, chính nghĩa nhất định sẽ có ngày đạt được. Dù có chết cũng đừng nên dối lừa". Điều đó có nghĩa là, dù lâm vào tình cảnh khó khăn, nhưng kết quả chỉ có thể đạt được nếu thực hiện công việc một cách chân thực, thành thực. An Chang-ho đã triển khai phong trào vận động dân chúng, lấy "Dân tộc cải tạo luận" làm lý luận căn bản. Năm 1931, ngay khi đế quốc Nhật đánh vào Mãn Châu, ông đã thành lập tổ chức "Hàn Quốc đối Nhật Chiến tuyến Thống nhất Đồng minh" để đấu tranh chống Nhật và một năm sau sự kiện này ông đã bị bắt.
An Chang-ho đã 2 lần phải chịu cuộc sống tù đày khổ sở và ông đã qua đời ngày 10/3/1938 khi vẫn chưa thấy được tổ quốc ngày giải phóng. Tuy nhiên, tinh thần lấy "Vụ thực lực hành" làm gốc của ông vẫn còn ảnh hưởng tới Hàn Quốc cho đến ngày nay. Với con đường đề ra cho dân tộc là phải sống ngay thẳng, chân thực, An Chang-ho sẽ vẫn mãi là ánh sáng không bao giờ tắt của tinh thần độc lập tại Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập