Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Park Mun-su, truyền thuyết về một vị quan ngự sử

2011-09-08

<b>Park Mun-su</b>, truyền thuyết về một vị quan ngự sử
Quan ngự sử xuất đầu lộ diện

Cuối thời Joseon, quan lại chức Sato, chức quan tương đương với quận trưởng hiện nay, khắp nơi trong nước, chỗ nào cũng lộng hành, bạo ngược, ra sức vơ vét bóc lột. Người dân bị cướp đoạt tài sản, bị đòn roi mà chẳng biết kêu oan cùng ai. Lúc này, bỗng xuất hiện một thanh niên ăn mặc giản dị hô vang "Ám hành ngự sử ở đây!" để rồi tiếp đó, hàng chục bộ tốt khua côn múa gậy xông ra, trói bắt lấy những tay tham quan ô lại. Trong vẻ oai phong lẫm liệt, người thanh niên trẻ tỏ ra nghiêm khắc, quát mắng lũ quan lại Sato và thường mở kho cứu đói cho dân. Vì thế, dân tình gặp chuyện oan khuất, ai nấy đều mong chờ vào sự xuất hiện của chàng. Đó chính là quan ngự sử Park Mun-su.

Người trừng trị tham quan ô lại, giải tỏa oán hận cho dân

"Ám hành ngự sử" là chức quan do vua cử ra, bí mật vi hành để thăm dò cuộc sống của dân và hoạt động của quan lại địa phương, là chức quan đặc biệt chỉ có ở thời kì Joseon. Tuy nhiên, để ngăn không cho mật lệnh của vua bị rò rỉ ra ngoài, ngay khi được bổ nhiệm, quan ngự sử phải rời khỏi kinh thành Hanyang (nay là Seoul) và chỉ khi ra khỏi thành mới được biết các thông tin về nơi đến cũng như nhiệm vụ ở đó. Công việc không dễ chút nào, bởi Ám hành ngự sử 1 ngày thường phải đi tới hơn 30 cây số và chỉ được ăn mặc xoàng xĩnh, để không lộ thân phận. Hơn nữa, trong quá trình điều tra sai phạm của quan lại địa phương, cũng có trường hợp quan ngự sử bị đầu độc, bị ngăn cản không cho hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, vua phải chọn ra trong đám học giả những người khẳng khái, chính trực mà giao phó công việc này. Trong số rất nhiều quan Ám hành ngự sử của gần 400 năm, kể từ khi vị quan đầu tiên được vua Jungjong (Trung Tông) cử đi vi hành vào năm 1509, thì Park Mun-su vẫn được xem là 1 nhân vật hàng đầu.

Tôn vinh tên gọi Ám hành ngự sử

Park Mun-su sinh năm 1691, năm thứ 17 triều vua Sukjong (Túc Tông). Năm 32 tuổi đỗ Văn khoa, kì thi tuyển quan văn của triều đình, giữ chức Sử quan, đảm nhận việc ghi chép về lịch sử. Sau 1 năm lên chức quan ngũ phẩm là Binh tào chính lang, tuy nhiên, trong dòng xoáy của sự tranh giành đảng phái, ông đã bị cách chức.
Năm 1727, với quyết định cải cách nhân sự nhằm giải tỏa việc cạnh tranh bè phái đang lên tới đỉnh điểm, vua Yeongjo (Anh Tổ), đã tiếp tục trọng dụng Park Mun-su vào chức Ti thư, một chức quan lục phẩm. Vua Yeongjo để ý thấy Park Mun-su là người không ngần ngại, dám trách mắng cả vua để đất nước có được một nền chính trị tốt đẹp, vì thế đã cử ông làm Ám hành ngự sử tại vùng Yeongnam.
Một năm sau đó, đến tháng 3 năm 1728, Park Mun-su đã vi hành qua tất cả các vùng Andong, Yecheon, Sangju, tố cáo hành vi sai trái của quan lại địa phương, cách chức nhiều tham quan ô lại. Hơn nữa, lương thực ngũ cốc dân vay, khi thu hồi về ông lại cho chuyển thành nguồn vốn để đảm bảo cuộc sống cho dân. Đồng thời, ông cũng trọng dụng nhân tài, đưa họ lên làm các chức quan ở địa phương. Ông làm được nhiều việc chính nghĩa, khiến cho cái tên "Park Mun-su" đã được nhiều người biết đến.
Năm thứ 7 triều vua Yeongjo, Park Mun-su một lần nữa được cử làm Ám hành ngự sử. Vừa lúc dân các vùng Yeongnam, Honam, Hoseo đói kém do gặp thiên tai liên tục, lại xảy ra thảm kịch dân nhảy vào lửa, tự thiêu để tránh đi quân dịch, Park Mun-su một mặt chia tài sản của mình cho dân, mặt khác tâu lên vua Yeongjo mọi chi tiết về cuộc sống khổ cực của dân để vua có biện pháp khắc phục.
Đặc biệt, khi qua tỉnh Gyeongsanag, thấy trên biển có nhà cửa trôi nổi, những thanh gỗ trôi dạt vào bờ, dồn thành đống, Park Mun-su đã sớm đoán được vùng phía Bắc đang gặp lũ lớn. Ông cho chuyển ngay về phương Bắc 3 nghìn thạch lương thực ngũ cốc lấy từ "Tế dân thương", một kho lương thực được xây dựng để cứu tế cho dân gặp thiên tai. Nhờ đó mà dân vùng Hamgyeong mới thoát khỏi nạn đói.

Park Mun-su trở thành truyền thuyết

Trên thực tế, ngoài đảm nhiệm công việc Ám hành ngự sử, Park Mun-su còn từng làm nhiều chức vụ khác như Quan sát sứ của tỉnh Gyeongsang, Binh tào phán thư, Hộ tào phán thư, Hữu tham tán... Đối với chức ngự sử, ông cũng chỉ làm có 4 lần, đó là An tập ngự sử vùng Yeongnam vào năm 1727, Giám chẩn ngự sử vùng Yeongnam vào năm 1731, Chẩn tuất sứ vùng Bukdo (Tức tỉnh Hamgyeong) vào năm 1741 và Quân thuế sứ các vùng Gwandong, Yeongnam vào năm 1750.
Tuy nhiên, với dân chúng, Park Mun-su thường được biết đến là con người luôn lắng nghe nỗi thống khổ của dân, luôn đứng ra đối đầu với các đại thần trong triều để giải quyết những vấn đề trái với đạo lí. Họ xưng tụng ông như một vị quan ngự sử tối cao, đầy quyền lực và tạo nên nhiều giai thoại về ông, bắt đầu từ bộ truyện cổ "Ngự sử Park Mun-su truyện", kể về nhiều hoạt động lúc làm quan của ông.
Cũng vì thế, giữa các hoạt động trong vai trò là Ám hành ngự sử của Park Mun-su và những truyền thuyết miêu tả về ông, ít nhiều đều còn có khoảng cách. Thậm chí, trong tuyển tập truyện kể truyền miệng "Khẩu bi văn học đại hệ", chỉ riêng truyện về Park Mun-su đã có tới hơn 210 truyện, miêu tả ông trở thành một vị quan Ngự sử của 8 tỉnh, khắp cả nước không đâu là không đặt chân tới. Park Mun-su qua đời vào ngày 24 tháng 4 năm 1756 nhưng những câu chuyện xoay quanh ông thì đến nay vẫn còn được nhắc đến. Sở dĩ, như vậy là vì ông là hiện thân của một vị quan luôn cứng rắn, mạnh mẽ trước kẻ mạnh và luôn ấm áp, yêu thương với kẻ yếu.

Lựa chọn của ban biên tập