Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Ahn Gyeon, danh họa thời Joseon và bức họa tiên cảnh

2011-09-15

<b>Ahn Gyeon</b>, danh họa thời Joseon và bức họa tiên cảnh
“Mộng Du Đào Nguyên Đồ”

Thời điểm tháng 9 năm 2009 có rất đông người tập trung trước Bảo tàng Trung ương Quốc gia, nơi tổ chức Triển lãm kỉ niệm 100 năm ngày mở cửa Bảo tàng Hàn Quốc. Mọi người kiên nhẫn chờ đợi suốt gần 4 tiếng đồng hồ để có thể xem một bức tranh. Được biết, từ sau "Triển lãm bảo vật quốc gia giai đoạn đầu thời Joseon" năm 1996, 13 năm sau báu vật này mới quay về quê hương, song thời gian lưu lại ở Hàn Quốc cũng vẻn vẹn chỉ có 9 ngày. Sau cuộc hội ngộ ngắn ngủi, bức tranh sẽ tiếp tục quay về Nhật Bản mà không hẹn ngày trở lại. Chẳng biết khi nào mới có cơ hội lại được chiêm ngưỡng kiệt tác này, người dân Hàn Quốc, tất cả đều rủ nhau tìm đến với tài sản văn hóa quan trọng này. Đó chính là một kiệt tác thời Joseon do họa sĩ Ahn Gyeon vẽ có tên là "Mộng Du Đào Nguyên Đồ" (Mongyu Dowondo).

Cuộc đời của họa sĩ Ahn Gyeon

Ahn Gyeon là một trong ba họa sĩ lớn tiêu biểu của thời Joseon. Là một họa sĩ hoạt động từ thời vua Sejong (Thế Tông) cho tới thời vua Sejo (Thế Tổ), Ahn Gyeon có lẽ là cái tên đầu tiên sẽ được đề cập đến khi nhắc về tranh thời Joseon. Ông có tài vượt bậc ở tranh sơn thủy, giỏi về tranh chân dung và tứ quân tử (cúc, trúc, mai, lan), phong cách vẽ của ông đã có ảnh hưởng tới nhiều người và được tiếp nối đến tận giai đoạn trung kì thời Joseon.
Tuy nhiên, các bức họa được xác định là của Ahn Gyeon đều không còn, duy nhất chỉ có bức "Mộng Du Đào Nguyên Đồ". Tư liệu về cuộc đời ông cũng vậy, hầu như không có nhiều, không còn ghi chép nào, thậm chí cho biết cả về ngày sinh và ngày mất của ông. Người ta chỉ biết rằng, Ahn Gyeon quê ở thị trấn Jigok, tên hiệu là Hyeon Dong-ja (Huyền Động Tử), làm quan trong "Đồ Họa viện", cơ quan đảm nhận việc vẽ tranh của triều đình. Tài năng của ông thể hiện qua việc ông được vua Sejong thăng chức, cho làm tới "hộ quân" là một chức quan tứ phẩm dù thực tế ông bị giới hạn, chỉ có thể lên tới lục phẩm. Và hơn cả, phải kể đến công của một người đã đánh giá cao nhất tài năng của Ahn Gyeon, đó chính là Anpyeong Daegun (An Bình Đại Quân), con trai thứ 3 của vua Sejong.

Gặp Anpyeong Daegun (An Bình Đại Quân)

Thời Joseon, quan coi việc vẽ tranh vốn thuộc vào lớp người "Trung nhân", thân phận giống như tầng lớp trung lưu vậy. Tuy không bằng các "Lưỡng ban" tức là quý tộc, nhưng thươ ấy lại có nhiều sĩ đại phu quyền quý lấy việc vẽ tranh làm thú vui, thường xuyên giao lưu kết bạn với các họa sĩ.
Đặc biệt trong số quý tộc có Anpyeong Daegun là con vua, đồng thời là nghệ sĩ giỏi về thư pháp, nổi danh sang tới tận nhà Minh, Trung Quốc. Tiêu biểu cho một người yêu nghệ thuật thời Joseon, từ khi còn 10 tuổi, Anpyeong Daegun đã thích sưu tầm thư họa. Với con mắt tinh tường, ông đã dày công thu thập được nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả hàng đầu của Trung Quốc như Cố Khải Chi, Tô Đông Pha, Triệu Mạnh Phủ... Đối với các họa sĩ thời Joseon, duy nhất ông chỉ thân với Ahn Gyeon và rất mực quý trọng tranh của Ahn Gyeon.
Nhờ sự hỗ trợ của Anpyeong Daegun, họa sĩ Ahn Gyeon đã có cơ hội được học hỏi, chiêm ngưỡng tác phẩm của nhiều danh họa, tiếp cận một cách sáng tạo và năng động với nhiều phong cách vẽ của Trung Hoa, xây dựng cho riêng mình một lối vẽ độc đáo.
Tác phẩm tiêu biểu, làm toát được phong cách vẽ độc đáo của Ahn Gyeon chính là bức "Mộng Du Đào Nguyên Đồ", có nghĩa là “dạo trong mơ gặp cảnh tiên”, một tác phẩm sáng tác phỏng theo giấc mơ kể lại của Anpyeong Daegun.

Cảnh tiên và những ánh hoa đào đỏ trong mơ

Đêm ngày 20/4/1447, Anpyeong Daegun nằm mơ thấy mình và Park Paeng-nyeon, một văn thần thời Joseon cùng đi dạo tới một vườn đào đầy hoa nở rộ. Hôm sau ông cho gọi Ahn Gyeon tới, thuật lại giấc mơ của mình và nhờ vẽ ra một bức tranh. Đây chính là thế giới huyền ảo người ta vẫn gặp trong câu chuyện thấy những cánh hoa đào trôi trên sông mà lội ngược dòng tìm ra cảnh đẹp của một ngư phủ ở Vũ Lăng, Trung Quốc. Vườn đào với hoa đào khoe sắc khắp nơi này, lần đầu tiên xuất hiện, trở thành một vùng đất thanh bình, yên ả chính là nhờ vào ngòi bút thể hiện của thi nhân Đào Tiềm, tự là Uyên Minh ở Trung Quốc. Kể từ sau đó, hình ảnh đó của vườn đào đã giữ vị trí như một hình mẫu thế giới lí tưởng trong nghệ thuật của phương Đông.
Nhận lời đề nghị vẽ cảnh tiên như vậy cho Anpyeong Daegun, chỉ sau 3 ngày, Ahn Gyeon đã hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật lớn với bức tranh kích cỡ dài 106,5 cm, rộng 38,7 cm. Bức "Mộng Du Đào Nguyên Đồ" được vẽ bằng mực và màu trên vải lụa. Cảnh trong tranh đưa người xem đi qua một cánh đồng có hàng chục gốc đào để rồi đến với những vách núi đá có hình thù kì dị, thần bí, và sau đó sẽ thấy một con suối với thác nước nhỏ... Tất cả đều tạo nên một cảnh đẹp trông rất bình yên.
Hơn nữa, khác với các bức tranh loại cuốn ngang giấy vốn có xưa nay, phần nội dung chính của bức tranh này được triển khai từ phía dưới bên trái lên phía trên bên phải. Thế giới hiện thực ở bên trái còn thế giới tiên cảnh ở bên phải, tạo nên một sự đối chiếu, làm tăng mức cảm nhận sâu hơn và rộng hơn trong lòng người xem. Vì những lẽ đó, Seong Hyeon, một học giả giai đoạn đầu thời Joseon đã đánh giá tác phẩm này là "Tranh đã đạt tới cảnh giới thần diệu" và "Mộng Du Đào Nguyên Đồ" trở thành tác phẩm bậc nhất trong hội họa thời Joseon. Tuy nhiên, bức tranh này đã mất tích sau vụ nổi loạn năm Quý Dậu (1453) do con trai thứ của vua Sejong là Suyang Daegun (Thủ Dương Đại Quân) gây ra để giành ngôi báu.
Ahn Gyeon, tác giả của bức tranh, bấy giờ tuy giữ được mạng sống nhưng từ sau vụ chính biến thì không ai biết về tung tích của ông cả. Còn "Mộng Du Đào Nguyên Đồ" đã được phát hiện tại Kagoshima, Nhật Bản, sau đó bức tranh được chỉ định là bảo vật quốc gia của Nhật. Trong tương lai, khi di sản văn hóa quý báu này, nếu có ngày trở về với quê hương, đó cũng là thời điểm những hình ảnh về cuộc sống như mơ của tác giả Ahn Gyeon sẽ được hiện hữu.

Lựa chọn của ban biên tập