Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Moon Ik-jeom, người gieo hạt bông để trồng niềm hi vọng

2011-09-22

<b>Moon Ik-jeom</b>, người gieo hạt bông để trồng niềm hi vọng
Moon Ik-jeom, nhân vật Hàn Quốc luôn nhớ tới mỗi khi gió se lạnh về

Đã qua trung tuần tháng 9 với Tết Trung Thu, lễ tết truyền thống lớn của Hàn Quốc mà cái nóng vẫn không hề giảm. Rồi thời tiết đột nhiên thay đổi, luồng không khí lạnh tràn về khiến cho nhiệt độ từ trên dưới 30 độ C hạ xuống còn 18 độ chỉ trong 1 ngày. Mùa thu như đang vội vã qua mau để nhường chỗ cho những ngày lạnh giá và khi đó, ở Hàn Quốc có một nhân vật thường được mọi người ta nhớ đến. Đó chính là Moon Ik-jeom, người đem lại cho mảnh đất nơi đậy sự ấm áp bằng một hạt bông. Ông là người đã dày công thực hiện đổi mới để có được chiếc áo bông ấm áp cho người dân Goryeo xưa kia, những người vốn phải chịu mùa đông lạnh giá với làn vải gai mỏng manh.

Moon Ik-jeom, vị học giả đức cao vọng trọng

Moon Ik-jeom sinh năm 1329 tại Gangseong (nay là huyện Sancheong, tỉnh Nam Gyeongsang), là con thứ hai trong một gia đình học giả rời bỏ kinh thành về quê sinh sống. Năm lên 10 tuổi, ông đã làm môn sinh của nhà Nho nổi tiếng Yigok. Thầy Yigok là người học rộng tài cao, từng thi đỗ khoa cử của nhà Nguyên, Trung Quốc và cũng là học giả có nghĩa cử, từng kiến nghị lên hoàng đế nhà Nguyên, yêu cầu bỏ chế độ cống nạp phụ nữ Goryeo kéo dài từ suốt 80 năm trước đó. Được học với người thầy như vậy, Moon Ik-jeom đã thấm nhuần được con đường trở thành một học giả chân chính, đó chính là làm cho con người được sống thành người. 10 năm dùi mài kiến thức và rèn giũa tâm hồn đã giúp cho Moon Ik-jeom năm 20 tuổi vào được Gyeongdeokjae (Kinh Đức Trai), một trường học quốc gia, chuyên dạy về kinh thi và năm 23 tuổi đã đỗ kì thi hương tổ chức bởi Chinh Đông hành Trung thư tỉnh, một cơ quan quản lí của nhà Nguyên lập ra ở Goryeo lúc bấy giờ.
Năm 1360 đỗ kì thi Văn khoa, kì thi tuyển quan văn của triều đình, ông bắt đầu ra làm quan với chức Ti lục của vùng Kimhae, một chức quan bát phẩm, tương đương với chức phó chủ tịch huyện hiện nay. Sau đó, Moon Ik-jeom cũng đã trải qua nhiều cương vị như làm chức Truân dụ bác sĩ, chức quan trông coi việc đào tạo Nho giáo tại Seonggyungwan, cơ quan giáo dục lớn nhất thời Goryeo, rồi tới chức Tả Chính ngôn của Ti gián viện, cơ quan trọng yếu được đặt ra để can gián vua. Năm 1363, ông được cử sang nhà Nguyên, Trung Quốc với chức Thư trạng quan, quan theo sứ thần đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, giai đoạn này Gongminwang (Cung Mẫn Vương) đang thực hiện chính sách khôi phục chủ quyền đất nước, thanh trừng bè đảng thân với nhà Nguyên, do đó quan hệ giữa Goryeo và nhà Nguyên trở nên vô cùng tồi tệ. Gongminwang đã nhiều lần cử các đoàn sứ thần tới nhà Nguyên để giải quyết tình trạng này, nhưng lần nào cũng đều bị triều đình nhà Nguyên giam giữ lại. Vì thế, đi sứ được xem là nhiệm vụ nguy hiểm, không được đảm bảo được an toàn tính mạng. Song, vì tương lai của Goryeo, Moon Ik-jeom vẫn vui vẻ nhận lệnh lên đường. Sau 42 ngày bị câu lưu ở Trung Quốc, ông lại bị đi đày tại xứ Giao Chỉ, vùng phương Nam của nhà Nguyên và sống cuộc sống lưu đày suốt trong 3 năm liền. Năm 1363, Moon Ik-jeom mới được trả tự do, lên đường trở về nước và trong hành lí của ông có 1 món quà đặc biệt rất có ý nghĩa.

Gieo hạt giống của sự ấm áp lên mảnh đất quê hương

Chịu ảnh hưởng của thầy Yigok, từ sớm Moon Ik-jeom đã học "Nông tang tập yếu", một cuốn sách về nông nghiệp của nhà Nguyên. Ông đã để ý, quan tâm tới các công việc nhà nông và dệt vải ở đó, biết đến sự tồn tại của cây bông, loại cây rất quan trọng lúc bấy giờ. Trong quá trình bị lưu đày, ông trực tiếp được thấy cây bông trên đất nhà Nguyên và đã nhận ra được công việc của mình là phải đem những lớp vải bông ấm áp này về cho người dân Goryeo.
Vượt qua vòng phong tỏa, ngăn chặn không cho giống cây bông thoát ra ngoài của nhà Nguyên, Moon Ik-jeom đã giấu được 10 hạt bông vào ruột bút để đem về. Sau 3 năm dày công cố gắng cùng với cha vợ là Jeong Cheon-ik, một người rất quan tâm, yêu thích việc nhà nông, cuối cùng gốc cây bông do ông trồng nên cũng đã đơm hoa... Hạt bông được gây trồng thành công và hạt giống đó cứ tiếp tục tăng lên hàng năm, để rồi sau 4 năm đã có thể đủ để chia hạt giống cho tất cả bà con trong vùng.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước mắt. Đó là cần có máy để kéo sợi từ bông, đan dệt nên những tấm vải. Cũng may, có nhà sư người Trung Quốc tên là Hoằng Nguyện đến chơi nhà Jeong Cheon-ik và nhờ sự giúp đỡ, truyền thụ của nhà sư này mà Moon Ik-jeom đã tạo ra được chiếc guồng se sợi. Cuối cùng, dưới bàn tay khéo léo của những người hầu gái, bông được dệt thành sợi, may thành áo và nghề dệt bông đã lan rộng ra trên khắp đất nước Goryeo.

Hạt bông của Moon Ik-jeom làm thay đổi cả đất nước

Việc trồng bông và sản xuất vải bông do Moon Ik-jeom đem lại có thể coi là một cuộc cải cách trong lĩnh vực sản xuất của giai đoạn cuối thời Goryeo, đầu thời Joseon. Nó đã có ảnh hưởng lớn một cách tích cực tới sự phát triển kinh tế của đất nước và đời sống của nhân dân. Bông vải sợi đã tạo ra một giai đoạn đổi mới mang tính bước ngoặt trong việc phát triển và cải tạo vải dệt may mặc. Đồng thời, việc tạo ra các công cụ dệt sợi bông như máy tỉa hạt bông, guồng xe sợi, con suốt se chỉ, các bộ phận của khung cửi... cũng đã mở ra lĩnh vực mới cho các ngành chế tạo công cụ sản xuất khác. Bông còn được dùng làm bấc đèn, ngòi thuốc nổ, vải bông cũng được sử dụng làm hàng hóa để buôn bán hay trao đổi. Theo đó, ở bán đảo Triều Tiên, vải bông đã nổi lên, trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ đạo tới các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc...
Nhờ công lao này, dù đã qua đời vào năm 1398 nhưng đến năm 1440, Moon Ik-jeom vẫn được vua Sejong (Thế Tông) truy tặng tước vị "Lĩnh Nghị Chính", và được ban danh hiệu "Phú dân hầu" để tưởng nhớ việc đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân của ông. Moon Ik-jeom trở thành nhân vật lịch sử chỉ với một hạt bông đã có thể cải cách, đổi mới toàn bộ cuộc sống của người dân, ông chính là nhà cách mạng đã thay đổi toàn bộ cái khung chuẩn mực về sản xuất trong lịch sử của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập