Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Wonhyo, vị cao tăng truyền bá đạo Phật thời Silla

2011-09-29

<b>Wonhyo</b>, vị cao tăng truyền bá đạo Phật thời Silla
Hết mình cho việc truyền đạo Phật tới công chúng

Dù thân một nhà là sư nhưng cuộc đời Wonhyo khá phức tạp, ông từng kết duyên với công chúa Yoseok, con gái Thái Tông Vũ Liệt Vương, vua đời thứ 29 của Silla và có một người con trai tên là Seolchong. Thành một nhà sư phá giới, Wonhyo đã cởi bỏ tăng phục để về với cuộc sống trần tục. Mang bên mình một chiếc gáo bầu mà giới nghệ sĩ dân gian thường hay dùng để đùa nghịch, ông dạo quanh khắp các làng quê, vừa nhảy múa vừa ca hát. Dáng vẻ ông trông rất kì quái, khiến mọi người gọi ông bằng những cái tên như "Tiểu Tính cư sĩ" hay "Bốc Tính cư sĩ". Tuy nhiên, "Vô ngại ca", giáo lí Phật giáo được ông sáng tác thành bài hát đơn giản đã trở thành tác phẩm được ca hát trên khắp mọi miền đất nước và những lời ông dạy như "Nếu miệng niệm kinh Phật, tai nghe lời Phật dạy thì ai cũng có thể thành Phật" cũng đã đi vào lòng người dân Silla. Từ nông phu cho tới thợ gốm, ai ai cũng biết đến Phật và thuộc lòng câu niệm "Nam Mô A Di Đà Phật", tất cả đều là nhờ vào công của Wonhyo, vị cao tăng Silla mở đầu quá trình đại chúng hóa Phật giáo.

Uống nước đọng trên hài cốt và sự giác ngộ

Wonhyo tên lúc còn nhỏ là Seol Seo-dang, sinh tại thị trấn Amnyang, huyện Gyeongsan tỉnh Bắc Gyeongsang vào năm 617, dưới triều vua Jinpyeong (Chân Bình vương), vua đời thứ 26 của Silla. Khác với cha mình là Seol Dam-nal, chỉ làm quan tới bậc thứ 11 trong 17 bậc quan thời Silla, từ nhỏ Wonhyo đã tinh thông võ nghệ, có học vấn hơn người và luôn mơ ước trở thành một hiệp sĩ Hwarang (Nhóm thanh niên nghĩa hiệp thời Silla).
Tuy nhiên, trước cảnh nhiều người chết trong chiến tranh, Wonhyo đã cảm thấy hoài nghi về cuộc sống. Năm 31 tuổi ông đã xuất gia, về làm sư ở chùa Hwangnyong (Hoàng Long Tự), thành phố Gyeongju, lấy pháp danh là Wonhyo (Nguyên Hiểu) có nghĩa là "buổi sáng sớm đầu tiên", quyết tâm làm rạng danh Phật giáo. Ông đã đi khắp các ngôi chùa có tiếng tăm trên cả nước và nổi tiếng là một người tu hành thông minh, có tâm Phật trong sáng khác thường.
Để được giác ngộ hơn nữa, Wonhyo đã quyết định đi du học tới nhà Đường, Trung Quốc. Năm 650, khi 34 tuổi, ông đã cùng một nhà sư pháp danh là Euisang (Nghĩa Sương) lên đường học đạo nhưng không thành do bị hiểu nhầm là gián điệp tại Goguryeo và bị tù giam ở đây mất 1 tháng. Sau đó 10 năm, năm 660, dù đã ở tuổi 45 nhưng một lần nữa Wonhyo lại thử thách, dấn thân vào con đường du học.
Vẫn cùng nhà sư Euisang rời Gyeongju ra đi, lần này trên suốt các nẻo đường Daegu, Chungju, Yeoju, Pyeongtaek, Hwaseong... ông được trải nghiệm sự biến đổi của vạn vật khắp nơi, tiếp xúc với nhiều nỗi buồn vui sướng khổ của dân nghèo, những người đang chịu cảnh chiến tranh tang tóc. Khi đến vùng phụ cận của Hwaseong thuộc tỉnh Gyeonggi ngày nay, ông đã nghỉ đêm ở một hang động và công cuộc du học của ông cũng đã dừng lại tại đây. Đó là do lúc tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau, ông phát hiện ra nước mình uống hôm qua trong cơn khát chính là nước đọng trên những bộ xương. Wonhyo vỡ lẽ ra một thực tế là người ta không thể nhịn được ói mửa sau khi biết những ngụm nước ngọt và ngon miệng đến vậy trong cơn khát canh khuya kia là nước đọng trên hài cốt. Từ đó, Wonhyo hiểu ra được chân lí "Nhất thế duy tâm tạo", mọi thứ trên thế gian đều tùy thuộc ở lòng người, bản thân sự vật không có gì là sạch sẽ hay bẩn thỉu cả.

Theo đuổi con đường giải phóng đúng đắn về tinh thần

Wonhyo thay đổi con đường, ông đi vào trong dân, dồn tâm huyết cho việc đại chúng hóa Phật giáo. Bấy giờ, nội dung thuyết giáo của nhà Phật thường được viết bằng chữ Hán rồi được các vị tăng sư cắt nghĩa, giảng giải, dân thường khó mà hiểu được, cho nên Phật giáo cũng chỉ dừng ở mức độ là tôn giáo dành cho quý tộc. Song, với Wonhyo Phật giáo đã khác. Ông đã đi khắp các khu phố đông người, nhảy múa và ca hát, truyền giáo theo phương thức bình dân, gần gũi với công chúng.
Tuy vậy, Wonhyo theo tư tưởng "Hòa tranh" (hòa hợp đồng thời với tranh luận), một nguyên lí hợp nhất đúng đắn, vừa chấp nhận tính đồng nhất, chấp nhận cái "một lòng", không thiên về bên nào cả, nhưng cũng vừa thừa nhận sự khác biệt của các bên. Theo đuổi mục đích đưa Phật giáo quy về một mối đối với cả tầng lớp quý tộc, Wonhyo đã tiến hành thuyết giảng trước vua Silla và các vị cao tăng khác về Kim Cương Tam Muội Kinh, bộ kinh Phật được truyền vào từ nhà Đường, Trung Quốc.
Wonhyo cũng đã có nhiều cố gắng trong việc sắp xếp, chỉnh lí lại các nội dung quan trọng của Phật pháp để viết nên thành sách. Các tác phẩm của ông như "Kim Cương Tam Muội Kinh Luận" hay "Đại Thừa Khởi Tín Luận Sơ" đều xuyên suốt tâm điểm của tư tưởng Phật giáo, không nghiêng về một phía nào cả, trở thành nguồn động lực đem lại sự thống nhất cho Phật giáo bấy giờ đang chia tách ra thành nhiều tông phái. Càng về cuối đời, Wonhyo càng dồn tâm huyết cho việc viết lách. Đến năm 686, ông đã viên tịch tại chùa Hyeolsa (Huyệt Tự) ở tuổi 70. Tuy ông đã qua đời, nhưng các tác phẩm như "Vô ngại ca" hay tư tưởng "Hòa tranh" của ông đã trở thành công cụ để vỗ về, an ủi cho nỗi lòng dân chúng, những người đang chịu khổ bởi chiến tranh triền miên và đó cũng chính là nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo đại thừa thời Silla. Wonhyo là người quy tụ về được một mối những tấm lòng bị chia tách, hòa hợp được nhiều chủ trương, quan điểm, điều hòa chúng lại với nhau. Có lẽ vì thế mà tới nay, ông vẫn được người dân Hàn tôn kính, coi ông là một nhà sư lớn, một vị cao tăng của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập