Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Thi sĩ Yun Dong-ju, ngôi sao trong lòng dân tộc Hàn

2011-10-07

Thi sĩ <b>Yun Dong-ju</b>, ngôi sao trong lòng dân tộc Hàn
Mùa thu nhớ tới thi sĩ Yun Dong-ju

Mùa thu, tiết trời càng mát mẻ bao nhiêu, hơi ấm lòng người càng được quý trọng bấy nhiêu và khi đó, có những vần thơ thường được ngâm nga ở Hàn Quốc.

“Mùa hạ qua đi, cho đất trời tràn ngập sắc thu.
Lòng ta thư thả, như đếm hết được các vì sao
Một vì sao là kỉ niệm, là tình yêu, nỗi trống vắng, là sự sùng bái
Một vì sao là bài thơ và một vì sao là mẹ,
Ở mỗi vì sao ta lại gắn với một lời nói đẹp.”

Vào độ thu về, ngắm những vì sao trên bầu trời đêm, chạnh lòng nhớ lại kỉ niệm xưa... Yun Dong-ju đã sáng tác ra bài "Đêm đếm sao", một bài thơ gọi lên tên của những người mà tác giả hằng mong nhớ. Đọc những vần thơ chứa đựng nỗi buồn da diết của Yun Dong-ju, một nhà thơ qua đời khi mới 29 tuổi, ta sẽ như thấy có tiếng kêu của một linh hồn đang còn đọng lại trên từng câu, từng đoạn thơ và cứ thế, cứ thế... chúng đi vào lòng người, để rồi đột nhiên khiến tất cả nhớ tới thi nhân.

Thi sĩ Yun Dong-ju

Yun Dong-ju là một thi sĩ thiên tài sinh ngày 30/12/1917 trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc tại làng Myeongdong (Minh Đông), Bukgando (Bắc Gian Đảo), Mãn Châu, Đông Bắc Trung Quốc. Năm 1925, ông vào học trường tiểu học Myeongdong, 13 tuổi đã xuất bản tờ văn nghệ "Myeongdong mới", đăng các bài thơ ca thiếu nhi trên đó. Năm 1936 và 1937, ông công bố các tác phẩm như "Gà con", "Cây chổi", "Ăn gì để sống"...
Đặc biệt, Yun Dong-ju đã dám tuyệt thực, bỏ nhà v.v... để chống đối lại cha mình, một người phản đối ông theo con đường văn học. Sau đó, ông vào học ngành văn học của trường cao đẳng Yonhui (Tiên thân của đại học Yonsei sau này) và bắt đầu chính thức đến với con đường sáng tác thơ. "Đêm đếm sao" là bài thơ viết thuở còn đi học tại trường Yeonhui của ông, nó chứa đựng một tấm lòng thiết tha thương nhớ quê hương. Tuy nhiên, giai đoạn này, chi phối tâm hồn thi sĩ Yun Dong-ju nhiều hơn cả lại là sự than thân trách phận và sự ốm đau bệnh tật. Đây cũng là thời kì cả Hàn Quốc đang chịu sự đô hộ của Đế quốc Nhật Bản, thời điểm mà con người ta chỉ buồn nhớ tới quê hương cũng đã bị coi là có tội và những kỉ niệm về “một người không tuân theo việc ép đổi tên họ của Nhật” cũng bị coi là sai trái. Sống trong thời kì đen tối đó, Yun Dong-ju đã tự kiểm điểm về bản thân qua bài "Tự họa" với những vần thơ như:

"Vòng qua mỏm núi,
một mình tìm tới chiếc giếng lẻ loi bên bờ ruộng
và lặng lẽ soi mình xuống đó."


Trong lời tựa thơ, thi nhân cũng đã nhủ với lòng mình, rằng sẽ sống sao cho không phải hổ thẹn, sao cho đến khi chết vẫn có thể ngẩng cao đầu nhìn trời:

"Tới khi chết, ngẩng cao nhìn trời
Sao cho chẳng điều gì hổ thẹn
Bên làn gió qua những chiếc lá cây
Ta đã khổ tâm như vậy"


Yun Dong-ju khổ não phiền muộn và tự kiểm điểm bản thân đến cùng. Ông muốn dùng hơi ấm của linh hồn để bao bọc lấy cái lạnh giá của cả thời đại, muốn thăng hoa, đưa sức nặng đè lên mình của lịch sử trở thành thơ. Trong số các tác phẩm sáng tác tính đến thời điểm tốt nghiệp trường cao đẳng Yonhui, Yun Dong-ju đã chọn ra 18 bài, biên soạn thành tập thơ có tiêu đề "Trời, gió, sao và thơ". Ông định phát hành tập thơ của mình vào năm 1941, khi tốt nghiệp, song việc chưa thành thì năm 1942 ông đã sang Nhật, vào học khoa Anh văn, ngành văn học, đại học Tokyo Rikkyo.

Những dòng nước mắt trong thơ Yun Dong-ju

Giai đoạn học tại đại học Tokyo Rikkyo của Yun Dong-ju quả thực rất ngắn ngủi. Khi làn sóng chạy đua vũ trang tràn qua các hòn đảo của Nhật Bản, ông đã chỉ học ở đây một học kì rồi chuyển qua khoa Anh văn của trường đại học Doshisha. Song, cũng chỉ chưa đầy 1 năm ở đại học Doshisha ông đã phải thôi học. Tháng 7 năm 1943, Yun Dong-ju bị bắt với tội danh tập trung lưu học sinh người Joseon, tiến hành phong trào vận động kháng Nhật. Ông bị tuyên án 2 năm tù khổ sai và bị giam tại nhà tù Fukuoka, Nhật Bản.
Tại đây, ông liên tục phải chịu cuộc sống tù đày khổ sở, bị tra tấn dã man, thiếu dinh dưỡng và đồng thời, hàng ngày bị tiêm một loại thuốc lạ vào người cho tới khi chết. Cuối cùng, Yun Dong-ju - văn nhân vốn mang trong lòng nguồn cảm hứng thi ca rất đỗi trong sáng và đẹp đẽ đã phải chết trong tù vào ngày 16/2/1945, chỉ mấy tháng trước khi đất nước được giải phóng. Sau khi qua đời, thơ của Yun Dong-ju vẫn chưa được người dân Hàn biết đến. Chỉ tới thời điểm Gang Cheo-jung, bạn của Yun Dong-ju và là kí giả của tờ báo Kyunghyang đem thơ của ông cho nhà thơ Jeong Ji-yong, một cây bút lớn lúc bấy giờ xem thì tháng 2 năm 1947, tác phẩm "Vần thơ dễ viết" mới lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Một năm sau đó, "Trời, gió, sao và thơ", tập thơ gồm 3 bộ tác phẩm chưa từng được công bố của Yun Dong-ju và một số tác phẩm khác của ông cũng đã được xuất bản. Kể từ đây, những vần thơ luôn để lại mãi dư âm, càng đọc càng cảm động của Yun Dong-ju bắt đầu tỏa sáng như những vì sao trong tâm hồn độc giả và đã được rất nhiều người dân Hàn yêu thích.

Lựa chọn của ban biên tập