Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

An Hyang, cha đẻ của Tính lí học ở Hàn Quốc

2011-10-13

<b>An Hyang</b>, cha đẻ của Tính lí học ở Hàn Quốc
Tính lí học, căn bản của tư duy và thực tiễn

Nói đến Tính lí học (hay còn gọi là Tống học, Trình Chu học của Tống Nho), cũng có nhiều người chỉ nghĩ đến những học thuyết hão huyền hay sự cạnh tranh giữa các bè đảng, phe phái. Tuy nhiên văn hóa tri thức với những vị học giả chính trực lấy Tính lí học làm nền tảng ở Hàn Quốc lại có thể xem là một di sản vô cùng quý giá.
Tính lí học chính là hệ thống đạo đức, triết lý của Nho giáo được Khổng Tử xây dựng nên, được phát triển nhờ Mạnh Tử và được Chu Tử (Chu Hy) bổ sung, biên tập lại thành một hệ tư tưởng Nho học của thời Tống. Các vị học giả xưa coi đây là kim chỉ nam cho hoạt động của mình, họ luôn hướng tới việc sửa đức và hoàn thiện nhân cách, tu dưỡng để có được sự đúng đắn về tinh thần đồng thời với việc đưa luân thường đạo lí vào hiện thực hóa trong cuộc sống. Tính lí học đã trở thành nền tảng của những suy nghĩ, của đời sống thực tiễn như vậy dưới triều Joseon và người đầu tiên đưa hệ tư tưởng đó vào chính là An Hyang, một nhà Nho thời Goryeo.

An Hyang là ai?

An Hyang sinh năm 1243 tại thôn Sangpyeong, Jukgye, Heungju nay là vùng Punggi tỉnh Bắc Gyeongsang. Thuở nhỏ, ông thường ham thích đọc sách, là người con ngoan, luôn giữ đúng lễ nghĩa phép tắc và từ sớm đã theo con đường học hành, thi cử. Năm 18 tuổi, ông đã thi đậu Văn khoa (Kì thi tuyển quan văn của triều đình) và bắt đầu ra làm quan với chức “Hiệu thư lang”. Tuy nhiên, đây là giai đoạn Thời Goryeo đang có cuộc nổi dậy kháng chiến chống Nguyên Mông của tổ chức quân đội Sambyeolcho (Tam Biệt Sao) do các võ quan cầm đầu. Triều đình Goryeo khi đó đã dời đô ra đảo Ganghwa để tránh quân xâm lược, và ở đây đã xảy ra sự đối lập, bất hòa gay gắt trước vấn đề có nên trở lại kinh đô Gaegyeong (Khai Kinh, tên gọi thời Goryeo của Gaeseong) hay không. Các quan văn đứng đầu là vua Wonjong (Nguyên Tông) mềm yếu, mong muốn chuyển về kinh thành, trong khi cánh quan võ phản đối kịch liệt, cho rằng đó là sự khuất phục trước Nguyên Mông. An Hyang cũng vì thế mà đã phải sống một thời gian dài tại đảo Gangwon.
Sau đó, An Hyang đảm nhận các chức “Giám sát ngự sử” rồi “Phán quan” vùng Sangju... Cho đến năm 36 tuổi, ông đã vào Quốc tử giám, dồn hết tâm huyết cho việc đào tạo, giáo dục các thế hệ sau. Năm 1289, An Hyang đã theo Chungseonwang (Trung Tuyên Vương) bấy giờ đang còn là thế tử đi thăm Yên Kinh, kinh thành của nhà Nguyên, Trung Quốc. Và 1 năm sau đó, khi về nước, ông đã có trong tay nhiều bản ghi chép hết sức đặc biệt.

Hiến dâng cuộc đời cho việc phổ cập Tính lí học

An Hyang đã sưu tầm tất cả các bài viết của Chu Tử, đích thân chép lại thành tập "Chu Tử toàn thư". Tính lí học là hệ tư tưởng Nho học thời Tống, dạy con cái phải có hiếu với cha mẹ, bề tôi phải trung thành với vua, phải dùng "lễ" mà quản việc trong nhà, dùng "tín nghĩa" mà ứng xử với con người và trong tất cả mọi việc đều phải hết lòng thực hiện, rèn mình theo chữ “kính”. Con đường đúng đắn đó đã như một tia nắng ban mai đến với An Hyang đúng vào thời điểm người dân Goryeo đã quá mệt mỏi trước sự xâm lược của quân Nguyên Mông trong suốt 30 năm.
Kể từ đó, An Hyang đã có nhiều lần qua lại, vào đất của nhà Nguyên, tận mắt học hỏi về tác phong, cung cách học tập ở nơi đây. Đồng thời, ông cũng không ngừng cố gắng trong việc phổ cập Tính lí học vào Goryeo, gửi Kim Mu-jeong, một viên quan chức “Đại phu” sang Trung Quốc để họa tranh Khổng Tử và 72 vị học trò cũng như đưa về nước các đồ cúng tế, nhạc cụ, kinh thư, sách sử v.v... Bên cạnh đó, nhận thức được sự cần thiết của nhân tài để phát triển những kiến thức, học vấn mới mẻ, An Hyang đã hiến nhà của mình cho triều đình, sử dụng để xây “Phán cung”, tương đương với cơ quan giáo dục “đại học” của quốc gia (về sau chính là cơ quan đào tạo Sungkyunkwan của triều Joseon). Ông cũng kiến nghị lên vua, đề ra phương án bắt các quan từ lục phẩm trở lên phải nộp bạc, từ thất phẩm trở xuống phải nộp tiền để lập ra “Thiệm Học Tiền”, một quỹ đào tạo nhân tài. Sau những cố gắng đó của An Hyang, “Đại Thành Điện”, nơi ca tụng và thờ cúng Đức Khổng Tử đã được dựng lên tại nhà Quốc học ở Gaegyeong. Về già, để tưởng nhớ tới Chu Tử, ông đã phỏng theo tên hiệu của Chu Tử là “Hối Am” mà đặt hiệu cho mình tên hiệu là “Hối Hiên”. Qua đời vào năm 1306, khi 64 tuổi, An Hyang đã trở thành một con người toàn tâm toàn lực, cả đời dành cho việc truyền bá Tính lí học vào Goryeo.

Vị học giả khởi đầu cho lịch sử Tính lí học của Hàn Quốc

Nhắc đến An Hyang, người ta vẫn nói, công lao của ông tỏa sáng sau khi ông qua đời còn nhiều hơn cả so với lúc ông còn sống. Trước hết, ông luôn được các vị vua kính trọng, suy tôn làm thày, được thờ cúng ở nhiều "Kinh viện" (Seowon) - nơi thuyết giảng, đàm đạo học thuật và cúng tế các vị thánh xưa, chẳng hạn như Kinh viện Hapho (Yeongi, tỉnh Nam Chungcheong), Kinh viện Dodong (Gokseong, tỉnh Nam Jeolla), Kinh viện Imgang (Jangdan, tỉnh Gyeonggi) v.v... An Hyang được dựng bài vị và cúng giỗ hàng năm ở Văn Miếu của Sungkyunkwan và các điện thờ (Đại Thành Điện) của hơn 230 trường học tại các địa phương trên cả nước. Sở dĩ ông được tôn thờ như vậy cũng là vì sau này có sự xuất hiện của các vị sĩ đại phu là các quý tộc, những người trong gia đình dòng dõi danh giá. Các sĩ đại phu là người đã đứng ra cải cách xã hội Goryeo bấy giờ đang có nhiều vấn đề mục nát như nạn lạm dụng quyền lực, quan lại tham nhũng, vơ vét bóc lột dân thường v.v... Con đường mà các sĩ đại phu tìm ra cho mình không gì khác là Tính lí học, hệ tư tưởng với những điều răn dạy làm khuôn mẫu cho mọi người noi theo. Trên nền tảng đó, các vị sĩ đại phu mới xây dựng nên được đất nước Joseon, "một vương quốc của Tính lí học", "đất nước của các bậc sĩ đại phu" mà người đưa Tính lí học vào, vị học giả đầu tiên về Tống Nho của bán đảo Hàn Quốc lại chính là An Hyang. Vì thế, có thể nói, nhờ có An Hyang mà vương triều Joseon đã có thể đưa Tính lí học vào ăn sâu cắm rễ và qua đó mới có được sự phát triển rực rỡ trong suốt thời gian dài 500 năm.

Lựa chọn của ban biên tập