Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jo Gwang-jo, nhà cải cách thời Joseon

2011-10-27

<b>Jo Gwang-jo</b>, nhà cải cách thời Joseon
Lời giải đáp cho câu hỏi "công lí, việc con người nên làm là gì?"

Từ năm 2010, các hiệu sách của Hàn Quốc liên tục xuất hiện một hiện tượng kì lạ, đó là việc cuốn "Công lí - Việc đúng nên làm" của giáo sư Đại học Harvard Michael J. Sandel xuất bản hồi tháng 5 năm 2010 đã trở thành tài liệu nhân văn đặc biệt, với số lượng bán ra vượt quá 1 triệu cuốn chỉ trong 11 tháng và đến nay vẫn được đông đảo độc giả quan tâm.
Cuốn sách đã khiến cho con người hiện đại với lối sống vội vã, ngày càng chật vật, mệt mỏi hiện nay phải nghĩ lại về công lí và qua đó, tìm cho mình lời giải để có một cuộc sống đúng đắn. Một trong các nhân vật lịch sử có tiếng tăm của Hàn Quốc có thể đường hoàng chính trực trả lời cho câu hỏi này chính là Jo Gwang-jo (Triệu Quang Tổ) của thời Joseon.

Ôm giấc mơ về một Joseon tiến bộ trong thời buổi loạn lạc

Trên thế gian có những người bất kể thời đại, luôn phẫn nộ trước điều sai trái, đương đầu với thử thách và ăn nói ngay thẳng, chính trực. Jo Gwang-jo, hiệu Tĩnh Am trong lịch sử của Hàn Quốc chính là một nhân vật điển hình như vậy. Sinh năm 1482 (Năm thứ 13 triều vua Seongjong), Jo Gwang-jo là con trai thứ hai của Jo Won-gang, quan Giám sát của Ti Hiến Phủ. Năm 17 tuổi, ông đã theo cha đi nhậm chức Sát Phóng, chức quan dịch trạm ở địa phương của vùng Eocheon (nay là vùng Yeongbyeon của tỉnh Bắc Pyeongan). Tại đây, ông đã gặp Kim Goeng-pil một học giả đang phải đi đày gần đó do vướng vào "Nạn kẻ sĩ năm Mậu Ngọ" (Năm 1498, năm thứ 4 triều vua Yeonsangun, vua đời thứ 10 của Joseon, các văn sĩ tiến bộ gặp họa bị giết hay đi đày do phái công thần thủ cựu đứng đầu là quan văn Yu Ja-gwang gây ra).
Thời Jo Gwang-jo sống là thời điểm Yeonsangun (Yến Sơn Quân) nối ngôi vua Seongjong (Thành Tông) và rất tàn ác, ngang ngược khiến quần thần phải kéo nhau nổi dậy, lật đổ bạo chúa. Tuy thành công trong việc phế truất vua cũ và đưa được vua mới lên ngôi là Jungjong (Trung Tông) nhưng các công thần đứng đầu cuộc cải cách này cuối cùng lại an phận, hưởng lạc với đặc quyền đặc lợi của mình. Sự kiện này cho thấy Joseon, vương triều vốn lấy hệ tư tưởng coi trọng bổn phận là Nho giáo làm gốc đang ở trong tình trạng sóng gió, lung lay. Ở vào thời buổi loạn lạc này, Jo Gwang-jo đã gặp cũng như học được nhiều kiến thức từ Kim Gwang-pil, một học giả tính tình cương trực và nhờ đó, ông đã có thể dốc hết cuộc đời vào việc gây dựng lại trật tự, kỉ cương đang dần mất đi của Nho giáo.

Theo tư tưởng "Triết nhân quân chủ" và ước mơ về một đất nước lí tưởng của Nho giáo

Năm 1510 (Năm thứ 5 triều vua Jungjong), Jo Gwang-jo đỗ Trạng nguyên kì thi Tiến sĩ, bắt đầu bước ra làm quan. Ông làm các chức như Điển tịch (chức quan lục phẩm đảm nhận việc dạy dỗ học sinh), Giám sát và đặc biệt, khi làm quan ở Hoằng Văn Quán - cơ quan quản lí tài liệu, kinh sách và tư vấn giúp vua, ông thường hay thuyết giảng trước vua về học vấn, luôn được vua Jungjong tín nhiệm.
Vua Jungjong vốn là người muốn cải cách, sửa đổi lề lối điều hành chính trị sai trái cũng như các hành vi bất chính lạm dụng quyền lực để lại từ thời vua Yeonsangun. Nhà vua đã tìm thấy khả năng xây dựng một Joseon mới với nền tảng chính trị Đạo học của Jo Gwang-jo cùng phương châm: "Cái Đạo làm căn bản của thế gian và tấm lòng của con người là một, nếu Đạo trong lòng người có thể đứng ở nơi ngay thẳng và vững chãi thì mới thu được hiệu quả thực tế về chính trị."
Jo Gwang-jo được vua Jungjong tin dùng, một mặt ông công kích những điều sai trái, hủ bại của thế lực công thần, một mặt ông đã cho phát triển hương ước để phổ cập rộng rãi tư tưởng đạo đức của Nho giáo tới các địa phương. Jo Gwang-jo cũng đi đầu trong việc đả phá tập tục mê tín, ông đã khiến cho Jogakseo (Chiêu Cách Thự) một cơ quan thuộc bộ Lễ, chuyên chủ quản các việc tế tự của Đạo giáo phải bị loại bỏ. Đặc biệt, năm 1519, ông đã kiến nghị để thực hiện "Hiền lương khoa" chế độ lựa chọn người có tài có đức ra giúp triều đình. Thế lực của các học giả mới, đứng đầu là Jo Gwang-jo ngày càng lớn mạnh và nảy sinh mâu thuẫn sâu sắc với phe công thần, từng thâu tóm quyền lực trong triều đình. Trong bối cảnh này, sự kiện "Ngụy huân tước trừ", tước đoạt bổng lộc của quan lại vốn không có công lao thực tế đã xảy ra và đã gây nên một làn sóng lớn, ảnh hưởng tới xã hội Joseon lúc bấy giờ.

Không chùn bước trước việc gìn giữ các trật tự và nguyên tắc

Thắng lợi trong việc phế bỏ Yeonsangun, vua Jungjong đã tiến hành sắc phong công thần cho 103 người tham gia ủng hộ việc giúp mình lên ngôi. Lúc này, Jo Gwang-jo đã kiến nghị với vua rằng một số người không phù hợp với việc phong tước và do đó, năm 1519 đã có tới 76 người mất đi địa vị và danh hiệu công thần.
Chính vì sự việc này mà các thế lực công thần thủ cựu đã ôm oán hận trong lòng, bày ra kế viết bằng mật ong lên lá cây của hậu viên trong cung cho côn trùng nhấm thành chữ "Tẩu Tiếu vi vương" nghĩa là "Họ Jo (Triệu) sẽ lên làm vua" (theo chữ Hán, chữ "Tẩu" và "Tiếu" ghép lại thành chữ "Triệu"), cố tình cho vua thấy để dồn Jo Gwang-jo vào thế cùng. Vốn đang nhàm chán trước các chủ trương cải cách gấp rút của Jo Gwang-jo với hơn 300 bản tấu từ năm 1515, hết lần này tới lần khác trong suốt 4 năm, vua Jungjong rốt cuộc cũng đã nghe theo phe công thần. Vì thế, Jo Gwang-jo đã bị đi đầy ở Neungju (Nay thuộc huyện Hwasun, tình Nam Jeolla) và sau đó bị vua ban thuốc độc, xử chết vào năm Kỷ Mão (1591).
Tin Jo Gwang-jo chết vì bị ban thuốc độc lan đi, các Nho sinh, học giả cũng như những người dân yêu mến, kính trọng ông đều gào khóc thương tiếc và lo lắng cho số phận của đất nước. Sở dĩ, vì Jo Gwang-jo, dù là người luôn nhanh nhạy, tìm đến với những đổi mới trong thời buổi bấy giờ, nhưng ông cũng lại là con người đứng đắn, luôn khẳng định cho công lí chính nghĩa không bao giờ đổi thay trên thế gian này. Việc ông đi trước, dẫn đầu thời đại rốt cuộc đã đem lại sự xung đột với xu thế chung của cả xã hội đương đại đúng như Yi I, một học giả nổi tiếng thời Joseon đã phải than tiếc về ông như sau: "Ông trời đã không cho thực hiện lí tưởng của Jo Gwang-jo thì sao lại còn sinh ra một người như ông vậy?"
Cho tới nay, qua cuộc đời của Jo Gwang-jo, đã có rất nhiều người thắc mắc, đặt ra câu hỏi, đâu là con đường dành cho người tốt, đâu là con đường của cuộc sống có giá trị... Jo Gwang-jo, người muốn đem lại nền chính trị đổi mới với tính cách ngay thẳng, không biết tới thỏa hiệp hay nhượng bộ trước khó khăn chính là nguồn trí tuệ luôn để lại những câu hỏi đúng đắn, sáng suốt cho thế hệ sau.

Lựa chọn của ban biên tập