Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hoàng hậu Myeongseong, nữ chính trị gia nổi tiếng thời Joseon

2011-11-03

<b>Hoàng hậu Myeongseong</b>, nữ chính trị gia nổi tiếng thời Joseon
Người phụ nữ thép vĩ đại trong lịch sử Hàn Quốc

Hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành Hoàng hậu) đăng quang vào giai đoạn cuối thời Joseon, khi đất nước đang trong cảnh bên ngoài chịu áp lực từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và các nước phương Tây, bên trong ẩn chứa nhiều hiểm họa và rối ren về chính trị. Tuy nhiên, vị hoàng hậu này đã chứng tỏ cho mọi người thấy mình là một bậc quốc mẫu hết sức đặc biệt trong lịch sử của Hàn Quốc.

Các hoàng hậu trước đây thường hay buông rèm nhiếp chính, nắm giữ quyền lực thay cho con hoặc cháu của mình, nhưng với hoàng hậu Myeongseong thì khác. Bà là người luôn đi đầu trong xúc tiến cải cách, mở cửa bằng trí tuệ và sự sáng suốt của mình. Có tài năng ngoại giao xuất chúng, bà đã trở thành một nhà chính trị có chính sách bảo vệ quyền tự chủ của quốc gia thông qua việc bắt tay với các cường quốc trên thế giới.

Trở thành hoàng hậu của Joseon

Hoàng hậu Myeongseong nguyên tên là Min Ja-yeong, sinh năm 1851 ở Yeoju, tỉnh Gyeonggi. Khi bà lên 8 tuổi, cha bà là Min Chi-rok qua đời. Dù thuở nhỏ chỉ sống với mẹ, nhưng bà vẫn được mọi người xung quanh khen ngợi là thông minh. Sự lanh lợi, hoạt bát và tài năng của bà đã được một nhân vật đặc biệt trong dòng họ Min quan tâm, để ý. Đó chính là Phủ Đại Phu nhân, vợ của Heungseon Daewongun (Hưng Tuyên Đại Viện Quân), người nhiếp chính, thay con là vua Gojong (Cao Tông) nắm quyền khi vua còn nhỏ.

Trên thực tế, nhờ sự tiến cử của Phủ Đại Phu nhân mà năm 16 tuổi, Min Ja-yeong đã được chọn làm hoàng hậu, vợ của vua Gojong. Lúc này, Hưng Tuyên Đại Viện Quân cho rằng quyền lực của hoàng gia rơi vào tay thế lực ngoại thích (thế lực bên vợ của vua) nên ông lo lắng, muốn chọn hoàng hậu là người không đem lại mối lo này và Min Ja-yeong đã cho thấy điều đó. Năm 1866, Min Ja-yeong đã được tiếp chiếu tuyên bố là hoàng hậu đời thứ 26 của triều đại Joseon, làm lễ tương kiến ra mắt bá quan văn võ trong triều vào ngày 22/3 cùng năm, và bắt đầu làm quốc mẫu từ khi rất còn trẻ.

Vị hoàng hậu luôn chăm nom, gìn giữ đất nước

Tới nay, những ghi chép về Hoàng hậu Myeongseong của triều đại Joseon vẫn còn được lưu lại ở nhiều nơi trên thế giới. Isabella Bird Bishop, nhà địa lí học người Anh từng có thời gian sinh sống ở Joseon vào giai đoạn cuối, đã miêu tả hoàng hậu Myeongseong là "người có cặp mắt lạnh và sắc sảo, để lại ấn tượng về trí tuệ và tài giỏi hơn người". William F. Sands, bí thư tòa công sứ Mỹ thì nhìn nhận rằng, “bà là một nữ chính trị gia vĩ đại vượt lên trên thời đại và giới hạn của một người phụ nữ”. Còn Miura, công sứ người Nhật cũng đã có những ghi chép cho thấy sự cảm phục và dè chừng đối với bà như: "Khi tiếp kiến vua, tôi thấy hoàng hậu khẽ đến bên nói giúp vua, tỏ ra là người có nhiều tài năng, không hề sơ suất". Tuy nhiên, trên thực tế, hoàng hậu Myeongseong không phải là người ngay từ đầu đã tham dự vào việc triều chính. Dù đã kết hôn với bà, nhưng vua Gojong vốn sủng ái cung nữ mà ít gần gũi bà, nên bà thường lấy việc đọc sách làm thú vui cho bớt cô đơn. Chính những kiến thức thu được qua những cuốn sách này, về sau đã trở thành bước đệm để bà tham gia vào việc triều chính giúp vua cai quản đất nước.

Hoàng hậu Myeongseong đương thời sinh được 2 người con trai, nhưng cả hai đều sớm qua đời. Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã gây ra mâu thuẫn khi sai người kê thuốc sai cho các hoàng tử và từ đó, hoàng hậu Myeongseong đã quay lưng, chống lại sự độc đoán, can thiệp cả vào việc nước lẫn việc nhà của người cha chồng này. Hơn nữa, vào giai đoạn này, Hưng Tuyên Đại Viện Quân cũng đang làm lung lạc lòng dân bởi nhiều quyết định không thỏa đáng, như chính sách bế quan tỏa cảng, bài xích nước ngoài hay việc xây sửa lại cung Gyeongbok... Năm 1873, nhân có bản tấu của viên quan là Choi Ik-hyeon lên án các chính sách và đường lối sai trái của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, vua Gojong và hoàng hậu Myeongseong đã tuyên bố sẽ trực tiếp đứng ra giải quyết việc triều chính, rút bỏ hoàn toàn quyền lực của cha mình.

Ánh sáng cuối cùng của triều đại Joseon
Được làm chủ trong mọi việc, vua Gojong đã bỏ chính sách đóng cửa trước đây của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản và lần lượt tiếp đó là các nước lớn ở phương Tây. Tuy nhiên, tình hình chính sự ngày càng rối ren bởi những mâu thuẫn với thế lực cũ, sự đối lập với cha là Hưng Tuyên Đại Viện Quân, cùng với mối đe dọa xâm chiếm của Nhật Bản và các cường quốc phương Tây. Trong bối cảnh đó, năm 1882 đã xảy ra cuộc nổi dậy của quân đội gọi là sự kiện "quân loạn năm Nhâm Ngọ", thể hiện sự bất mãn của lực lượng binh sĩ đối với quân đội theo hình thức mới du nhập vào từ phương Tây. Hoàng hậu Myeongseong bấy giờ phải đối đầu trước nhiều khó khăn đến mức phải rời khỏi cung để lánh nạn. Nhưng chính trong tình cảnh ấy, bà đã phát huy được khả năng ngoại giao sắc sảo, nhanh nhẹn của mình, nhờ được nhà Thanh, Trung Quốc hỗ trợ giành lại chính quyền.

Không chỉ có thế, sau sự kiện chiếm đảo Geomun của Anh vào năm 1885 hoàng hậu Myeongseong cũng đã cử cố vấn ngoại giao người Đức là Möllendorff sang Nhật Bản hiệp thương với Anh để giải quyết vấn đề. Năm 1894, trải qua các cuộc nổi dậy của phong trào nông dân Donghak (Đông học), qua cuộc chiến giữa nhà Thanh (Trung Quốc) và Nhật, người Nhật ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình chính trị của triều đại Joseon. Để ngăn chặn dã tâm xâm chiếm của Nhật, hoàng hậu Myeongseong đã chọn chính sách thân Nga, thể hiện rõ ý chí đối đầu với Nhật.

Thế kỉ 19 là giai đoạn xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ của các nước lớn trên thế giới. Một nước nhỏ như Joseon thời bấy giờ chỉ còn cách tận dụng sự chia tách của các nước lớn này. Để làm được điều đó, đòi hỏi người lãnh đạo phải có một năng lực hoạt động chính trị hết sức sắc bén, gây dựng được thanh thế cho quốc gia. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, hoàng hậu Myeongseong đã luôn tìm kiếm đường đi nước bước, đứng ra định hướng mọi việc chính sự quốc gia. Nhận thấy bà là vật cản lớn nhất trong cuộc xâm chiếm Joseon của mình, đế quốc Nhật đã cho người đột nhập vào cung sát hại bà, gây nên "Biến sự năm Ất Mùi" (20/8/1895).

Việc hoàng hậu bị thế lực bên ngoài giết hại đã khiến tình hình trong nước sôi sục, xuất hiện nhiều hoạt động đòi trả thù rửa hận, dấy lên một phong trào chống Nhật của "Nghĩa binh năm Ất Mùi" (năm 1895), mà sau này nó được tiếp nối, phát triển thành phong trào vận động độc lập của Hàn Quốc. Vua Gojong cũng luôn tâm niệm, hướng tới sự phát triển của một quốc gia độc lập tự chủ, năm 1897 đã đổi quốc hiệu, cho ra đời nhà nước "Đại Hàn Đế quốc" nhưng đến năm 1910 thì đất nước vẫn rơi vào tay của đế quốc Nhật. Như vậy, có thể xem hoàng hậu Myeongseong là nhân vật tượng trưng cuối cùng cho chủ quyền của triều đại Joseon. Bà chính là vị quốc mẫu chân chính, người đã hi sinh để tìm đường cứu nước trong lịch sử của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập