Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jang Seung-eop, họa sĩ thiên tài thời Joseon

2011-11-10

<b>Jang Seung-eop</b>, họa sĩ thiên tài thời Joseon
“Túy họa tiên”, tài năng bẩm sinh

Triều Joseon có rất nhiều họa sĩ tài ba xuất chúng. Đó là những "Thần bút" như Ahn Gyeon, người chỉ qua lời kể về giấc mơ của con vua là Anpyeong Daegun (An Bình Đại Quân) mà trong 3 ngày đã vẽ nên được bức "Mộng Du Đào Nguyên Đồ" nổi tiếng, hay đó là Shin Saimdang, nữ họa sĩ vẽ tranh từ 7 tuổi mà không cần thày dạy hoặc Jeong Seon, họa sĩ tạo ra lối vẽ tranh phong cảnh tả thực (Chân cảnh sơn thủy) đặc biệt của Joseon và Kim Hong-do, người được ca tụng là "Họa tiên"...
Tuy nhiên, nhắc tới bậc họa sĩ thiên tài lớn nhất của Joseon, phải kể đến Jang Seung-eop, họa sĩ với họa pháp thần diệu, nổi bật trên tất cả các bức vẽ của giai đoạn này. Ông được coi là vị tiên say trong hội họa, có tài năng thần thánh, mỗi khi đưa tay cất bút là xuất hiện một bức tranh đẹp.

Tài vẽ tranh như một truyền thuyết

Jang Seung-eop sinh năm 1843, tên hiệu là "Ngô Viên". Từ nhỏ, cha mẹ mất sớm, phải ăn nhờ ở đợ trong nhà một nhân vật tên là Yi Eung-heon. Yi Eung-heon vốn có cha vợ là Yi Sang-jeok, học trò của quan văn, học giả và là nhà thư họa nổi tiếng Kim Jeong-hee, đồng thời lại làm chức quan thông dịch, thường xuyên qua lại với nhà Thanh, Trung Quốc nên trong nhà cất giữ rất nhiều tranh vẽ. Nhà Yi Eung-heon lại thường có nhiều người tụ tập để thưởng ngoạn các tác phẩm mĩ thuật, nhờ đó Jang Seung-eop luôn được chứng kiến các buổi bình tranh của giới họa sĩ và sưu tầm mĩ thuật. Rồi một ngày, như duyên trời đã định, bỗng nhiên Jang Seung-eop cầm bút, múa tay vẩy mực cho ra đời những kiệt tác như tranh trúc, lan, hoa mai, tảng đá...
Ngạc nhiên sửng sốt, Yi Eung-heon liền sắm sửa bút, giấy, mực, giúp đỡ cho Jang Seung-eop có thể dồn tâm trí vào việc vẽ tranh. Và như một họa sĩ từ kiếp trước, Jang Seung-eop đã thỏa sức trổ tài, phát huy khả năng trời phú, vẽ ra nhiều bức tranh sống động và nhanh chóng trở thành cậu bé được giới hội họa rất coi trọng.

Trở thành danh họa nổi tiếng

Jang Seung-eop không có cơ hội được học hành, chỉ biết viết mỗi tên của bản thân. Tuy nhiên, mỗi khi cầm bút lên vẽ, ông lại đem đến hình dáng của núi non, lúc uốn lượn như rắn cuốn, khi đổ dồn như tia chớp, hoặc tạo ra được cảm nhận thô ráp, cứng sắc của đá thể hiện qua nhiều nét bút trông giống như đám mây, hay miêu tả được một cách gợi cảm hình khối của khu rừng với nét vẽ thanh thoát.
Cứ thế, Jang Seung-eop đã vẽ đủ mọi thể loại tranh hoa lá, đồ vật, cảnh sơn thủy, tranh về con người... Song song với nét vẽ vừa phóng khoáng vừa hùng tráng còn có cả nét tự nhiên thoải mái của ông tỏa sáng đặc biệt ở loại tranh vẽ động vật. Từ cảnh yên bình của những chú gà thủng thẳng mổ thức ăn trên sân có đầy hoa mào gà nở, cho đến khí thế mạnh mẽ của chim ưng sà xuống bắt thỏ, tất cả động vật trong tranh của Jang Seung-eop đều khơi dậy cảm giác sống động tựa như chúng đang sắp nhảy ra ngoài vậy.
Tầng lớp trung lưu mới nổi lên vào thế kỉ 19, trở thành lớp người giàu có thay thế cho các quý tộc sĩ đại phu suy thoái lại chính là những người say mê hình vẽ đầy sức sống của Jang Seung-eop. Chỉ mới cầm bút vẽ trong có mấy năm, tên tuổi của Jang Seung-eop đã trở nên nổi tiếng, thành một họa sĩ bậc nhất lúc bấy giờ. Tiếng tăm về ông vang tới tận cung đình và ông đã được vời vào vẽ tranh theo lệnh của vua Gojong (Cao Tông).

Chẳng ai có thể bắt thiên tài vào khuôn phép

Khác với việc phác thảo hay tập vẽ trước rồi mới hoàn thiện tranh của các họa sĩ trước đó, Jang Seung-eop chỉ cần khua bút, vẩy mực trên giấy và lụa là đã thể hiện được một phong cảnh tuyệt đẹp. Ông không thích bị câu thúc vào vấn đề phẩm cách hay những khuôn khổ tập tục. Đặc biệt, ông thích rượu và phụ nữ. Thường khi uống rượu hay được phụ nữ rót rượu cho là ông vẽ được tranh ngay tại chỗ.
Là người sống phiêu bạt, theo gió, theo mây không gì gò bó nên có lẽ Jang Seung-eop đã rất khó chịu khi phải vào chốn cung đình với nhiều lễ nghĩa nghiêm ngặt. Vua Gojong đã chuẩn bị cho ông một căn phòng yên tĩnh để vẽ bình phong cho vua nhưng lại hạn chế rất nghiêm, một ngày chỉ cho ông uống 2 lần, mỗi lần được 2, 3 chén rượu khiến ông phải bỏ chạy khỏi cung. Có thể thấy, Jang Seung-eop là người không hề lưu luyến công danh, quyền lực, thậm chí cả việc làm "họa sư" trong cung theo lệnh của vua với ông cũng là một sự gò bó, câu thúc. Về sau, ông đã sống rất tự do thoải mái, đi khắp nơi và vẽ lại những điều ông thấy cho đến năm 1897 thì qua đời ở tuổi 55.
Tuy nhiên, Jang Seung-eop chết thế nào và ở đâu thì không ai rõ. Thực tế, ông vốn hay nói "Việc sinh tử của con người tựa đám mây bay, nên chỉ thích tìm cảnh đẹp để giấu mình vào đó". Cho nên cũng có người nói rằng ông đã bỏ đi đâu không biết và cũng có người cho là ông đã biến thành thần tiên. Trong cuộc đời tựa mây trôi đó, Jang Seung-eop chỉ biết đến tranh là có giá trị. Sự tồn tại của ông phải chăng chỉ là trong những bức tranh thể hiện qua đường múa bút thanh thoát, không bao giờ vấp váp và như vậy cũng đã đủ cho 1 cuộc đời, 1 cuộc rong chơi...

Lựa chọn của ban biên tập