Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Im Bang-ul, giọng hát dân ca cổ truyền nổi tiếng của Hàn Quốc thế kỷ 20

2011-12-15

<b>Im Bang-ul</b>, giọng hát dân ca cổ truyền nổi tiếng của Hàn Quốc thế kỷ 20
Lừng danh qua khúc hát “Ssukdaemeori” (Tóc rồi bù)

Khúc hát “Ssukdaemeori” (Tóc rồi bù) là một trong những khúc đoạn then chốt của vở “Chunhyangga” (Xuân Hương Ca), vở diễn theo thể loại dân ca Pansori, nghệ thuật hát kể chuyện truyền thống (kịch hát tự sự) của Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, không phải ai cũng biết tới khúc hát này và người ta rất tôn kính, ngưỡng mộ các nghệ sĩ có thể biểu diễn được nó. Sở dĩ đó là vì trước đây có rất ít người biết thưởng thức và đặc biệt không còn ai có khả năng hát khúc “Ssukdaemeori”, hát những lời ca nhỏ lệ trong tù của nàng Chunhyang (Xuân Hương) khi vì giữ trinh tiết mà phải chịu trận roi vọt của viên quan mới nhậm chức.
Tuy nhiên, kể từ sau khi nhân vật mang tên Im Bang-ul xuất hiện, mỗi khi hát “Chunhyangga” các nghệ sĩ Pansori nhất loạt đều đưa vào đó khúc đoạn “Ssukdaemeori”. Hơn nữa, trong giai đoạn Nhật thuộc, người Hàn đã mua rất nhiều đĩa hát của nghệ sĩ này với mục đích nhằm an ủi cho nỗi buồn mất nước.
Vì lẽ đó, dù rằng chưa từng nhận tước vị nào để ca hát trước nhà vua, cũng như chưa được nhà nước chỉ định là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn trong suốt quãng thời gian từ những năm 1960 đến nay, nhưng nghệ sĩ Im Bang-ul vẫn luôn được người dân Hàn coi là danh ca Pansori hàng đầu của đất nước.

Ca sĩ bẩm sinh và con đường đến với Pansori

Im Bang-ul tên thật là Im Seung-Geun, sinh ngày 20/4/1905 tại vùng Gwangsan, tỉnh Nam Jeolla. Việc cậu bé mang tên "Seung-geun" được đổi sang gọi thành "Bang-ul" có nghĩa là "chiếc chuông nhỏ" này vốn có hai cách suy đoán. Một số người cho rằng, đó là do thủa nhỏ cậu luôn chơi đùa rộn ràng khắp nơi và không hay khóc, song cũng có người cho rằng cái tên này xuất phát từ việc các danh ca lúc bấy giờ ấn tượng trước giọng hát Pansori của cậu nên đã ca ngợi cậu như "một chiếc chuông bạc".
Hoàn cảnh gia đình của Im Bang-ul cũng có nhiều điểm đặc biệt không kém gì tên gọi của nghệ sĩ. Người cậu của nghệ sĩ này là Kim Chang-hwan, một trong 5 danh ca thời cận đại được xem là tài năng xuất chúng của thể loại Pansori giai đoạn Đại Hàn Đế Quốc (1897-1910). Nhờ đó, từ nhỏ Im Bang-ul đã được học Pansori cùng với các con của cậu là các danh ca Kim Bong-i, Kim Bong-hak. Năm lên 12 tuổi, nghệ sĩ đã gia nhập vào đoàn ca kịch truyền thống của Park Jae-sil một ca sĩ nổi tiếng ở vùng Naju. Trong thời gian 3 năm tại đây, Im Bang-ul đã học được Seopyeonje, một loại hình Pansori phát triển ở vùng miền Tây giai đoạn cuối thời Joseon, đồng thời nghệ sĩ cũng đã được truyền thụ các tác phẩm cổ điển của Hàn Quốc là “Chunhyangga” (Xuân Hương Ca) và "Heungboga" (Hưng Phủ Ca). Hai năm sau, Im Bang-ul tiếp tục được học hai tác phẩm lớn khác là "Sugungga" (Thủy Cung Ca) và "Jeokbyeokga" (Xích Bích Ca) từ Yu Seong-jun, một bậc thầy trong loại hình Pansori của khu vực miền Đông Dongpyeonje với phong cách đem lại cảm nhận khỏe khoắn và mạnh mẽ. Năm 17 tuổi, ở thời kỳ vỡ giọng, tiếng hát cất lên không đạt được như ý muốn và nghệ sĩ đã phải bước vào quá trình khổ công luyện giọng, quá trình mà giới Pansori vẫn gọi là "Dokgong".

Dokgong, cuộc vật lộn đơn độc cùng âm thanh

Trước đây, có 2 phương thức chủ yếu để giúp nghệ sĩ Pansori có thể đạt được cảnh giới cao về âm thanh. Thứ nhất, đó là việc luyện thanh riêng của thể loại Pansori tại địa điểm thác nước, sao cho âm thanh hát ra phải thắng được tiếng thác đổ. Thứ hai là phương thức điều chỉnh cách hát dựa theo âm vọng lại ở hang động trong lòng đất, nơi không bị pha tạp bởi các âm thanh khác bên ngoài. Nghệ sĩ Im Bang-ul đã đào hầm ở núi Jiri để chui xuống luyện thanh. Tại đây, nghệ sĩ đã hát lại các vở "Simcheongga" (Trầm Thanh Ca), "Sugungga" (Thủy Cung Ca), "Jeokbyeokga" (Xích Bích Ca) và luyện đi luyện lại nhiều lần nhằm biến chúng thành những tác phẩm mang phong cách riêng của mình.
Nhờ luyện tập mà giọng nói địa phương nghe mộc mạc, vui tai của quê hương nghệ sĩ đã đi sâu vào thể loại Pansori, đồng thời ông cũng đã vượt qua được giai đoạn gay cấn sau hàng chục lần khản cổ, ngực sưng lên và bật máu từ cổ họng ra, để rồi cuối cùng có được chất giọng khàn đục cho loại âm điệu buồn ai oán Gyemyeonjo của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Trong tiếng khóc như tuôn ra oán hận là những lời đùa có phần dung tục kết hợp với tiếng địa phương nghe thô sơ mộc mạc, tất cả quyện vào nhau, hoàn thiện nên giọng ca riêng, đặc trưng của Im Bang-ul.

Danh ca hàng đầu hiếm hoi luôn đồng hành với công chúng

Hoàn tất quá trình chuẩn bị để bước vào đời, năm 1929, ở tuổi 25, Im Bang-ul đã tham gia "Hội diễn của danh ca Joseon" tổ chức tại Seoul. Với thân hình hơi đậm và thấp, trong chiếc áo dài truyền thống ngắn tới trên đầu gối, mặt hơi rỗ lại không mấy đẹp trai, Im Bang-ul trông chỉ như một người xoàng xĩnh tầm thường khi bước lên sân khấu. Thế nhưng, khi nghệ sĩ lấy hơi, cất lời bật ra tiếng kêu đau xót, hát khúc “Ssukdaemeori” bằng giai điệu đầy sự oán hờn thì khán giả thấy như được hòa mình trong tiếng hát, hóa thân thành nàng Chunhyang (Xuân Hương) tuyệt vọng đang bị giam cầm nơi ngục tù và ai nấy đều rơi nước mắt, trở về với nỗi buồn thực tại của đất nước đang bị đế quốc Nhật cai trị.
Ngay từ buổi biểu diễn đầu tiên trên sân khấu, Im Bang-ul đã vươn lên, trở thành một ca sĩ Pansori biết an ủi cho nỗi lòng của công chúng. Ngay lập tức, ông đã ký được hợp đồng độc quyền với các công ty kinh doanh băng đĩa lớn như Columbia và Victor, đạt con số đĩa hát bán ra lên tới 1 triệu 200 nghìn chiếc, một thành tích mà cho tới nay vẫn khó ai có thể đạt được. Tên tuổi của ông cũng lan rộng tới các vùng Nhật Bản và Mãn Châu, quân giải phóng và nhiều người dân xa quê đã coi khúc hát của ông như khúc quân ca hay tiếng vọng quê hương...
Cho tới thời điểm ốm yếu và qua đời vào năm 1961, Im Bang-ul đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi, trở thành ngôi sao được công chúng mến mộ nhất của thể loại Pansori. Tuy vậy, do tất cả tiền của kiếm được ông đều hào phóng chia sẻ cho mọi người khó khăn ở xung quanh, nên ra đi mà ông không để lại được cho gia đình chút tài sản nào và cũng không có một học trò nào để kế thừa cho giọng hát mà ông dày công mới có. Trong con mắt của người đời, có thể đây là một cuộc sống vô nghĩa. Song, với Im Bang-ul, được sống những ngày cùng công chúng, được chia sẻ và hát về nỗi buồn hay lòng oán hận của người dân dù là ở chợ quê hay ngoài bãi cát ven sông vẫn có thể còn hơn cả việc đào tạo nên thế hệ sau để kế thừa tên tuổi của mình. Nhờ vậy, mà ông được công chúng tôn vinh, gắn trước tên ông 2 chữ "Quốc xướng", với ý nghĩa chỉ một danh ca Pansori chân chính của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập