Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jeong Ji-yong, tác giả của bài thơ "Nhớ quê hương" nổi tiếng

2012-01-26

<b>Jeong Ji-yong</b>, tác giả của bài thơ "Nhớ quê hương" nổi tiếng
Cái tên được nhắc đến trên khắp các nẻo đường hồi hương

Đợt nghỉ tết Nguyên Đán năm nay tuy ngắn hơn mọi năm nhưng cũng đã có tới khoảng hơn 30 triệu người về quê, cùng gia đình đón cái tết cổ truyền lớn nhất của dân tộc Hàn. Khắp các nẻo đường liên tục bị tắc nghẽn, nơi nơi đầy những tiếng thở than... Thế nhưng mọi người vẫn háo hức, bởi sau hành trình dài và mệt mỏi này, khi về tới quê nhà, họ sẽ được cha mẹ họ đi chân trần lao ra đón từ đầu ngõ và đưa những bàn tay thô ráp lên trìu mến xoa đầu. Đó chính là con đường tìm về quê hương nằm sau những rặng núi xa xa, nơi chứa đựng tuổi thơ ấu thân thương, cái thủa còn đuổi bắt chuồn chuồn bên bờ suối... Và vào dịp này, khi nỗi nhớ quê hương trào dâng trong lòng, vô hình trung người Hàn lại gợi nhớ tới một thi nhân nổi tiếng.


Cậu học trò sinh ra tại Okcheon

"Thảo nguyên bát ngát trải dài tới tận chân trời,
Con suối nhỏ quanh co uốn khúc cất lời kể những câu chuyện xưa.
Chú bò đốm lười biếng, uể oải cất tiếng kêu dưới sắc vàng nhạt của trời chiều.
Nơi đây, trong mơ cũng chẳng nỡ quên..."


Đó là một phần của bài thơ "Nhớ quê hương", một tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Jeong Ji-yong, người đã sáng tạo ra mô hình mới cho thơ hiện đại Hàn Quốc với những tứ thơ sâu sắc, đậm đà, ngôn từ trong sáng và sự miêu tả tỉ mỉ về thiên nhiên. Nhà thơ Jeong Ji-yong là con một trong gia đình, sinh ngày 15/5/1902 tại Okcheon thuộc tỉnh Bắc Chungcheong. Ngôi làng nơi ông sinh ra là một vùng quê tươi đẹp, có nước từ thung lũng đổ xuống hình thành nên một con suối nhỏ trông rất nên thơ. Tuy nhiên, Jeong Ji-yong lại là người lớn lên trong cảnh nghèo đói, khổ sở. Cha của ông làm nghề bán thuốc nhưng mất hết tài sản do gặp lũ lụt và kinh tế gia đình trở nên hết sức khó khăn. Mặc dù vậy, Jeong Ji-yong đã sống thời niên thiếu với những giấc mơ đẹp đẽ, luôn khát khao hướng tới một thế giới lý tưởng khác hẳn với thực tại nghiệt ngã mà ông phải trải qua.
Cuộc sống đó dần dần đã phát triển ở Jeong Ji-yong một trí tưởng tượng rất phong phú về văn chương. Ông bắt đầu có các hoạt động trong lĩnh vực văn học từ năm đầu tiên học ở trường trung học Whimoon, khi ông mới 17 tuổi. 1 năm sau đó, ông đã công bố tiểu thuyết mang tên "3 người" (Tam Nhân) trên tạp chí Seogwang (Thự Quang), sớm phát huy được tài năng về văn học. Thủa còn đi học, Jeong Ji-yong học rất giỏi, luôn đạt điểm cao và được nhận học bổng. Khi tốt nghiệp trung học ông được nhận học bổng Whimoon vào học tại khoa Anh văn của đại học Doshisha ở Kyoto, Nhật Bản. Giai đoạn này, ông đã có nhiều hoạt động, xuất hiện đồng thời cả trên văn đàn của Hàn Quốc và Nhật Bản.


Jeong Ji-yong, người tiên phong cho thơ hiện đại Hàn Quốc

Tên tuổi của Jeong Ji-yong được giới văn học Hàn Quốc biết đến khi ông công bố liền 9 tác phẩm, trong đó có tác phẩm "Café France" xuất bản ở số ra đầu tiên của tạp chí "Hakjo" (Học Triều) vào tháng 6 năm 1926. Tại Nhật Bản, ông cũng được chú ý tới như một cây bút mới khi trong vòng 3 năm đăng tới 13 tác phẩm thơ, 3 tác phẩm tùy bút, bao gồm các tác phẩm như "Café France", "Biển". "Trên boong tàu"... trên tạp chí mang tên "Phong cảnh cận đại".
Được giới văn học Hàn Quốc và Nhật Bản đánh giá cao, năm 1929 Jeong Ji-yong đã tốt nghiệp đại học Doshisha và 1 năm sau đó gia nhập vào hội "Văn học thơ", cùng với các tên tuổi như Kim Yeong-rang, Park Yong-cheol đi đầu trong thể loại thơ trữ tình thuần túy của Hàn Quốc. Năm 1932, ông đăng 10 tác phẩm thơ, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như "Nhớ quê hương", "Xe lửa" trên các tạp chí "Tân Sinh", "Đông Phương bình luận", "Nguyệt san văn nghệ", nổi lên, trở thành tâm điểm của văn đàn Hàn Quốc.
Thực tế, với "Jeong Ji-yong thi tập" xuất bản năm 1935, Jeong Ji-yong đã để lại dấu ấn về tính mới mẻ trong phong cách biểu hiện, tính hiện đại về đề tài và vẻ đẹp trong sáng của sử dụng ngôn từ tiếng Hàn, đem lại một "cơn sốc yên lặng" cho văn đàn Hàn Quốc. Ông đã được Kim Ki-rim, một nhà phê bình văn học tiêu biểu của những năm 1930 hết lời ca tụng, cho rằng nhờ ông mà "thơ hiện đại của Joseon đã được mở màn".
Với sự trau chuốt tinh tế về ngôn từ và hình ảnh gây ấn tượng, gợi cảm trong các tác phẩm của mình, Jeong Ji-yong đã gây ảnh hưởng lớn tới các nhà văn thế hệ sau. Năm 1933, khi làm cố vấn biên tập cho nguyệt san "Thanh niên công giáo" ông đã tiến cử, cất nhắc nên tên tuổi Lee Sang, một nhà thơ thiên tài. Sau đó, năm 1939, thông qua tạp chí "Văn chương" ông cũng đã giới thiệu được nhóm nhà thơ mang tên "Thanh Lộc phái" gồm các thi sĩ như Jo Ji-hun, Park Du-jin, Park Mok-wol, đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử văn học Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau ngày Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật 15/8/1945, cuộc đời của Jeong Ji-yong đã trở nên hoàn toàn khác.


Một tên tuổi không bao giờ bị lãng quên

Jeong Ji-yong đã viết nên những vần thơ tôn thờ sự trong sáng, vẻ đẹp của tiếng Hàn. Sau ngày Hàn Quốc được giải phóng, với tư cách là tổng biên tập của báo Gyeonghyang, một tờ báo lúc bấy giờ vốn của quỹ Công giáo (Catholic foundation), Jeong Ji-yong đã dùng ngòi bút sắc bén để lên án những mặt trái của xã hội, đồng thời ông cũng đã thể hiện, cho thấy các vấn đề về ý thức dân tộc cũng như nhận thức về hiện thực, những gì chưa thể diễn tả trong thơ. Tuy nhiên, lối viết thẳng thắn của Jeong Ji-yong đã tạo nên cho ông nhiều kẻ thù đối lập sâu sắc về tư tưởng, kéo theo đó là những đánh giá phê bình ông của phe cánh tả, thậm chí có cả bài báo xuyên tạc, cho rằng ông đã bỏ trốn sang Bắc Triều Tiên. Sự thực là giữa lúc xảy ra chiến tranh Triều Tiên năm 1950, Jeong Ji-yong được cho rằng đã bị bắt đưa về Bắc Triều Tiên và qua đời tại một nhà tù ở Bình Nhưỡng. Ông tự bỏ trốn hay bị bắt đưa về Bắc Triều Tiên? - chính vì sự trái ngược ở cách nhìn nhận này mà ngay sau chiến tranh, một thời gian dài trong lịch sử văn học Hàn Quốc cái tên Jeong Ji-yong đã trở thành điều cấm kị.
Thơ của Jeong Ji-yong không được ngâm đọc cho đến những năm 1980, khi giới văn hóa nghệ thuật tổ chức phong trào vận động khôi phục lại tên tuổi cho ông. Tuy nhiên, suốt quãng thời gian hơn 40 năm đó, Hàn Quốc vẫn không hề quên ông, một thi nhân đã đem lại hình ảnh của sự trù phú, tươi đẹp, đầy chất trữ tình của vùng thôn quê qua những lời thơ đặc sắc, mang đậm hồn dân tộc. Thời gian càng trôi đi thì nỗi nhớ quê hương càng sâu đậm và với nhiều người, cái tên Jeong Ji-yong như cũng đã trở thành một nỗi nhớ giống nỗi nhớ quê hương da diết đó, để rồi hiện về cả trong những giấc mơ của họ.

Lựa chọn của ban biên tập