Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Park Yeon, cây đại thụ của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

2012-02-16

<b>Park Yeon</b>, cây đại thụ của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc
Giấc mơ của vua Sejong được chắp cánh cùng âm nhạc

Vào ngày đầu tháng Giêng năm 1433, năm thứ 15 triều vua Sejong, vị minh quân nổi tiếng nhất trong lịch sử Hàn Quốc, trước Văn Chính Điện của cung Changdeok (Xương Đức cung) một buổi yến tiệc đầu năm Hoeryeyeon (Hội lễ yến) đã được tổ chức với sự hiện diện của nhà vua cùng đông đảo bá quan văn võ. Đây là buổi lễ tiệc do vua bày ra để khen thưởng công lao vất vả bấy lâu của các quần thần và cũng là dịp để bề tôi được làm lễ, chúc tụng lên vua. Vì thế, nó được xem là một trong những hình thức nghi lễ quan trọng của đất nước nhằm đem lại sự hiểu biết, đồng cảm giữa vua tôi trong triều đình xưa. Tuy nhiên, điều đặc biệt là yến tiệc Hoeryeyeon lần này đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức, có sự tham gia biểu diễn của hơn 500 nhạc công, vũ công đem tới những giai điệu, lời ca, tiếng hát, những tiết mục múa hấp dẫn và cùng với đó là việc đàm đạo, thảo luận về kinh thư giữa vua và các quần thần. Hoeryeyeon năm 1433 được xem là buổi lễ có quy mô lớn, hoành tráng và lộng lẫy chưa từng có, đồng thời nó cũng mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử âm nhạc của Hàn Quốc.
Sở dĩ, khi lên ngôi vào năm 1418, Vua Sejong (Thế Tông, vua đời thứ tư của Joseon) đã có ý đồ lấy tư tưởng chính trị Nho giáo coi trọng "Lễ nhạc" làm nền tảng để cai trị đất nước, dùng "lễ" để xây dựng trật tự của đất nước, dùng "nhạc" để đoàn kết dân chúng. Năm 1424, vua đã bắt đầu thực hiện một kế hoạch lớn nhằm nghiên cứu và chỉnh đốn lại âm nhạc bấy giờ của triều Joseon và cuối cùng, cũng đã đến lúc vua có thể công bố thành quả qua hơn 9 năm tổ chức nghiên cứu về âm nhạc. Tại buổi yến tiệc Hoeryeyeon năm 1433, những cố gắng trong việc chỉnh đốn, xây dựng lại nhã nhạc trong suốt quãng thời gian đó đã được công bố và người có công lớn giúp vua hiện thực hóa giấc mơ xây dựng nền chính trị lý tưởng theo triết lý dùng lễ nhạc của Nho giáo này, không ai khác chính là nhân vật lịch sử Park Yeon.


Về một thiếu niên thổi sáo

Park Yeon sinh tại huyện Yeongdong, tỉnh Bắc Chungcheong vào năm 1378, năm thứ tư triều Wu wang (Vũ Vương, vua đời thứ 32 triều Goryeo). Tương truyền từ bé, tiếng ông khóc đã nghe như tiếng sáo và về sau ông trở thành một người rất say mê âm nhạc. Lòng nhiệt tình với âm nhạc của ông thể hiện tới mức đi thi khoa cử ở Hanyang (tên gọi xưa của thủ đô Seoul), thấy có nghệ nhân thổi sáo hay là ông dừng lại nài nỉ, xin chỉnh sửa những chỗ sai khi diễn tấu của mình. Không chỉ có sáo, Park Yeon còn thành thạo cả các loại nhạc cụ như đàn tì bà, đàn Geomungo (loại đàn truyền thống 6 dây của Hàn Quốc) và tất cả đều biểu diễn tài giỏi hơn người. Tuy nhiên tài năng âm nhạc này đã không giúp gì được khi ông ra làm quan triều đình. Do ông nội và cha của Park Yeon đều từng đảm nhận các chức vụ quan trọng trong triều nên ông cũng đã phải lao vào con đường học hành và năm 28 tuổi đã đậu kỳ khoa cử, bắt đầu cuộc sống làm quan.


Gặp vua Sejong và việc chỉnh đốn âm nhạc cung đình của triều Joseon

Park Yeon trải qua nhiều chức vụ quan trọng như làm "Giáo lý", chức quan quản lý các nhân viên trông coi tư liệu tại Jiphyeonjeon (Tập Hiền điện), làm chức "Chính ngôn" lo việc cố vấn, can gián vua tại Saganwon (Ti Gián viện), chức "Trì bình" lo việc phải trái trắng đen về chính trị, giám sát hạch tội các quan, sửa đổi phong tục v.v... tại Saheonbu (Ti Hiến phủ). Sau cùng, cơ hội giúp ông phát huy trở lại tài năng âm nhạc cũng đã nảy sinh, đó là khi ông được giao chức "Văn học" tại Sigangwon (Thị Giảng viện), chức quan coi việc giảng dạy cho thế tử, lúc bấy giờ chính là vua Sejong khi chưa lên ngôi.
Có thể nói, Sejong là vị vua có con mắt tinh tường trong việc trọng dụng nhân tài. Dưới triều vua đã có các vị quan nổi tiếng như tể tướng Hwang Hee, một nhân vật có tài xuất chúng trong lịch sử, Jang Yeong-sil một nhà phát minh về khoa học, hay Kim Jong-seo người đã có công trong việc phát triển, xây dựng nên sáu điểm trọng yếu (lục trấn) về quốc phòng của Joseon ở vùng Đông Bắc. Để ý thấy thầy dạy của mình là người say mê về âm nhạc, sau khi lên ngôi, vua đã bổ nhiệm cho Park Yeon làm chức "Đề điệu" tại Gwanseupdogam (Quán tập đô giám), nơi đảm nhận công việc về âm nhạc, giúp ông có thể dồn toàn tâm, hoạt động trong lĩnh vực sở trường của mình.
Joseon lúc này đang trong giai đoạn lập lại trật tự sau khi lập quốc, xây dựng nên nền tảng chế độ của quốc gia. Vua Sejong đang muốn sửa sang, thay đổi lại diện mạo của bộ phận âm nhạc diễn tấu trong tất cả các hoạt động của đất nước. Có cơ hội để phát huy tài năng âm nhạc, Park Yeon bước đầu đã tiến hành biên soạn lại nhạc phổ, những gì vốn trước đây chưa được chỉnh sửa hợp lý. Ông cũng đã thấy được sự cần thiết ở việc tạo ra nhạc cụ và nắn chỉnh lại cho đúng chuẩn mực âm thanh của các loại nhạc cụ khác nhau.
Park Yeon đã điều tra, nghiên cứu về luật điệu của âm nhạc đương thời đang có sự pha trộn giữa “Hương nhạc”, loại âm nhạc vốn có từ thời Silla của Hàn Quốc với các loại “Đường nhạc” của nhà Đường và “Nhã nhạc” du nhập từ nhà Tống, Trung Quốc. Từ đó, ông đã soạn nên 1 cuốn sách nhạc có các nguyên tắc nhạc phổ cùng với hình ảnh minh họa cho các loại nhạc cụ. Ngoài ra, Park Yeon cũng đã chế tác và cải tạo được rất nhiều nhạc cụ của Nhã nhạc như Seokgyeong (Thạch khánh), Saengpo (Sanh bào), Banggyeong (Phương khánh), Tobu (Thổ bộ), Daego (Đại cổ), Noego (Lôi cổ), Yeonggo (Linh cổ), Nogo (Lộ cổ) v.v... làm cho chúng phù hợp với thể chế xưa. Ông đã điều chỉnh chính xác âm của các loại nhạc cụ, giúp cho khi biểu diễn, tất cả 139 loại nhạc cụ đều có thể hợp tấu, đem lại những âm thanh hòa âm trong trẻo.
Để làm được tất cả những việc trên, Park Yeon đã luôn phải trăn trở, chuyên tâm cho âm nhạc. Trong suốt hơn 10 năm, lúc nào ông cũng đặt tay lên ngực mà gõ phách, trong miệng thì luôn ngâm nga, nghiên cứu về độ cao thấp, dài ngắn của nhịp điệu âm nhạc. Rốt cuộc, ông cũng đã chỉnh đốn lại được toàn bộ hệ thống và nền tảng căn bản của âm nhạc truyền thống, cải cách âm nhạc cung đình, biên soạn nhạc phổ và hiệu chỉnh lại một cách hoàn hảo âm thanh của các loại nhạc cụ. Tuy nhiên, Park Yeon người làm mới âm nhạc Joseon trên quan điểm triết lý Tống Nho cũng đã phải đương đầu với thử thách.


Một cuộc đời âm nhạc còn sống mãi

Năm 1453 xảy ra "chính biến Quý Dậu", Suyangdaegun (Thủ Dương Đại quân) - con trai thứ hai của vua Sejong đã tiến hành đảo chính, giết viên quan văn Kim Jong-seo và bè đảng để tranh giành quyền lực với cháu mình là vua Danjong (Đoan Tông, vua đời thứ 6 triều Joseon). Lúc này con trai của Park Yeon tên là Gye-woo cũng bị tử hình vì chống lại Suyangdaegun, riêng ông, do là nguyên lão đại thần nên chỉ bị bãi chức. Park yeon trở về quê ở Yeongdong và 4 năm sau đã cô đơn lẻ bóng, từ biệt cõi đời ở tuổi 81.
Sau khi qua đời, Park Yeon đã được suy tôn là 1 trong 3 vị "Thánh nhạc" của đất nước, bên cạnh các tên tuổi nổi tiếng là Wang San-ak của triều Goguryeo và Ureuk của triều Silla. Đồng thời, cho tới nay, hàng năm "Lễ hội âm nhạc Nangye" (Lan Khê), tên hiệu của Park Yeon cũng vẫn được tổ chức ngay tại quê hương của ông. Điều đó cho thấy, cuộc đời âm nhạc của Park Yeon vẫn mãi đồng hành cùng người dân Hàn Quốc, bởi lẽ ông chính là người đã hệ thống và giúp họ kế thừa được âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

Lựa chọn của ban biên tập