Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kim Yu-jeong, tác giả tiêu biểu của văn học cận đại Hàn Quốc

2012-02-23

<b>Kim Yu-jeong</b>, tác giả tiêu biểu của văn học cận đại Hàn Quốc
Tác giả được nhắc đến mỗi độ xuân về

Những ai từng đọc truyện ngắn của Kim Yu-jeong có lẽ đều bị quyến rũ bởi mùa xuân. Các tác phẩm như "Hoa Trà" đem lại cho người đọc sự sảng khoái qua câu chuyện chọi gà hay "Mùa xuân, mùa xuân" với sự xuất hiện của nhân vật trai quê thật thà, chân chất tin vào lời hứa gả con gái của chủ nhà mà làm việc cật lực v.v... ở mỗi trang viết của tác giả đều tràn đầy không khí mùa xuân. Quang cảnh vùng nông thôn mang đậm chất quê hương, bản địa cũng được miêu tả sinh động với một loạt các tác phẩm nổi tiếng của Kim Yu-jeong như "Kẻ thô thiển". "Mưa rào", "Kẻ lang thang miền núi", "Vườn đậu hái ra vàng". Ông đã trở thành nhà văn luôn được nhắc tới mỗi độ xuân về ở Hàn Quốc.


Cuộc đời bi ai của một thiếu niên trầm lặng

Kim Yu-jeong sinh ngày 12/2/1908 tại làng Sille, vùng Chungcheon, tỉnh Gangwon trong một gia đình khá giả, hàng năm đều thu hoạch được nhiều lương thực. Gia đình ông may mắn có đông con cái, trong số 2 người con trai, 6 người con gái cha mẹ ông sinh ra, ông đứng thứ 7. Tuy nhiên, năm Kim Yu-jeong lên 7 tuổi, mẹ của ông mắc bệnh qua đời và 2 năm sau đó cha của ông cũng từ trần nên tuổi thơ, ông chủ yếu phải sống dựa vào nhà người anh và luôn ôm trong lòng niềm thương nhớ cha mẹ khôn nguôi. Cũng chính vì thế mà từ lúc còn bé, Kim Yu-jeong thường yếu đuối và hay nói lắp. Dù rằng sửa được tật nói lắp khi học năm thứ 2 tại trường trung học Whimoon nhưng kể từ đó, ông lại trở thành một thiếu niên trầm lặng, ít nói.
Lòng luôn tràn đầy nỗi nhớ thương, Kim Yu-jeong đã rất hâm mộ ca sĩ nổi tiếng Park Nok-ju và thấy ca sĩ này giống với mẹ của mình sau khi được xem biểu diễn vào năm 1928. Đeo đuổi với tình yêu mãnh liệt trong suốt 2 năm, nhưng điều đương nhiên là Park Nok-ju, một ngôi sao hàng đầu lúc bấy giờ, lại nhiều hơn ông tới 7 tuổi đã không thể để ý tới ông, cậu thanh niên mới vừa qua tuổi 20. Thất bại với tình yêu đơn phương, lại mắc thêm căn bệnh viêm màng phổi, Kim Yu-jeong đã phải bỏ học ở trường cao đẳng Yonhee, nơi ông mới nhập học năm 1930 và trở về quê.


Cầm bút, bắt đầu sự nghiệp sáng tác

Mới 23 tuổi đã phải bỏ học về quê, ban đầu trong lòng còn chưa yên định, Kim Yu-jeong đã đi lang thang quanh các mỏ đào vàng, làm giám sát công trường khai khoáng. Tại đây ông đã kết thân với những người bán rượu rong cho phu mỏ và nông dân, gặp được những cảnh đời nghèo khổ và tận mắt chứng kiến hiện thực cuộc sống của họ. Năm 1932, ông quay về làng Sille, tiến hành phong trào khai sáng nông thôn, mở trường Geumbyeonguisuk (Cẩm Bình nghĩa thục), một trường tiểu học ngắn hạn được nhà nước công nhận. Nhờ đó ông đã giúp cho nhiều người dân mù chữ trong làng được biết đọc, biết viết.
Trong quá trình này, Kim Yu-jeong đã cuốn hút vào việc viết lách và ông bắt đầu viết tiểu thuyết. Năm 1933, ông công bố tác phẩm "Kẻ lang thang miền núi" trên tạp chí "Tuyến đầu" (Đệ Nhất tuyến) và tác phẩm "Anh chàng độc thân và con ễnh ương" trên tạp chí "Phụ nữ mới". Cũng cùng năm, khi hội 9 nhà văn - "Cửu nhân hội" (Guinhoe) ra đời, ông đã gia nhập, trở thành một thành viên trong nhóm các tác giả đóng góp lớn vào việc xây dựng nên dòng "văn học thuần túy" của Hàn Quốc và từ đó, hoạt động sáng tác của ông cũng càng trở nên sôi động hơn. Trong những năm 1930, ông xuất bản tác phẩm "Con cóc" trên tạp chí mang tên "Thơ và tiểu thuyết" của hội "Cửu nhân", tác phẩm "Vườn đậu hái ra vàng" trên "Khai Tịch" (Gaebyeok), một tạp chí hàng đầu lúc bấy giờ và "Kẻ thô thiển" trên "Triều Tiên Nhật báo" (Joseon ilbo), "Mùa xuân, mùa xuân" trên nguyệt san tổng hợp "Triều Quang" (Jogwang) ...
Đặc biệt, năm 1935, cả 2 tác phẩm "Mưa rào" và "Mỏ giàu có" của Kim Yu-jeong đều đồng loạt đoạt giải "Tân xuân văn nghệ" của 2 tạp chí "Triều Tiên Nhật Báo" (Joseon ilbo) và "Triều Tiên Trung Ương Nhật báo" (Joseon jungang ilbo), đưa ông đứng lên, trở thành một biểu tượng của văn học Hàn Quốc giai đoạn những năm 1930.


Vẻ đẹp nghệ thuật của sự hài hước

Tác phẩm văn học của Kim Yu-jeong bằng phong cách hài hước, dí dỏm đã miêu tả nên toàn cảnh của nông thôn Hàn Quốc dưới thời Nhật thuộc vào những năm 1930. Ông là người đã đem lại sức sống mới cho nền văn học Hàn Quốc vốn đang trì trệ bởi sự kiện giải thể "Liên đoàn nghệ sĩ vô sản Hàn Quốc" (Korea Proletarian Artist Federation), một tổ chức dùng ngôn từ thẳng thắn để phản ánh xã hội Hàn Quốc giai đoạn những năm 1920.
Thông qua cuộc sống của người dân nghèo khổ ở tầng lớp thấp kém, tác phẩm của Kim Yu-jeong đã khiến cho người ta phải suy nghĩ tới những mâu thuẫn về mặt cơ cấu của xã hội. Đồng thời, với sự linh hoạt về ngôn từ, tài tình trong cách sử dụng lối chơi chữ và từ bình dân, thông tục, vừa mang nét đặc sắc của địa phương mà lại vừa đại chúng, ông cũng đã khơi dậy tính hài hước vốn có ở người dân Hàn Quốc. Đó chính là những lòng tham của kẻ đào, phá đi cả vườn đậu để tìm mỏ vàng trong "Vườn đậu hái ra vàng" hay những mâu thuẫn khôi hài của mối quan hệ giữa anh chàng giúp việc ở rể và ông bố vợ trong "Mùa xuân, mùa xuân"...
Kim Yu-jeong đã viết nên những tác phẩm mang đầy vẻ đẹp của sự hài hước, dù vừa bộc lỗ nỗi khổ sở, mệt mỏi của người nông dân nhưng vẫn hóm hỉnh, khiến người đọc phải bật cười. Thật tiếc là năm 1937 ông đã qua đời dù mới 29 tuổi, còn rất trẻ nhưng do mắc bệnh viêm màng phổi mãn tính và căn bệnh lao. Tuy chỉ có quãng đời ngắn ngủi, nhưng Kim Yu-jeong cũng đã tỏa sáng, để lại cho văn học Hàn Quốc 30 tác phẩm tiểu thuyết, 12 tùy bút, 6 bức thư và nhật ký, 2 cuốn tiểu thuyết dịch. Cho tới nay, đó vẫn là nguồn tư liệu mà mỗi năm đều thu hút rất nhiều luận văn nghiên cứu quan tâm. Tác phẩm của Kim Yu-jeong được thai nghén bằng sức sống của mùa xuân và luôn trổ hoa khoe sắc, tỏa sáng rực rỡ trong kho tàng văn học Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập