Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Il Yeon, người viết nên bộ sử "Tam quốc di sự" của Hàn Quốc

2012-03-08

<b>Il Yeon</b>, người viết nên bộ sử "Tam quốc di sự" của Hàn Quốc
Cầm bút viết sử ở tuổi 75

Năm 1206, tại vùng Gyeongsan tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc có một phụ nữ trong 3 đêm liền, liên tục mơ thấy mặt trời vào nhà, chiếu lên bụng và đã mang thai, sinh hạ được một cậu con trai. Nhân có giấc mơ kỳ lạ đó, người mẹ mới đặt tên con là Gyen-myeong theo chữ Hán là "Kiến Minh" có nghĩa là "nhìn thấy ánh sáng". Gyeon-myeong trông dáng ngay thẳng, đứng đắn, bước đi oai phong, vững chãi tựa bước chân của bò mộng, ánh mắt sáng tựa như mắt của một con hổ. Từ lúc sinh ra, Gyeon-myeong đã gây được sự chú ý của mọi người xung quanh, song ông đã sớm muốn xuất gia. Năm 1214, ông lên chùa Muryang (Vô Lượng tự) ở vùng Haeyang (nay là Gwangju) thuộc tỉnh Jeolla để trau dồi học vấn và đến năm 1219 đã đi tu.
Bắt đầu từ đây, ông chính thức lao vào con đường nghiên cứu, tích lũy kiến thức về học vấn và tín ngưỡng. Ông lăn lộn khắp nơi, ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe để rồi đến năm 1281 biên soạn nên được một bộ sách sử khi đã 75 tuổi. Đó chính là bộ "Tam quốc di sự", một bộ sách được xếp cạnh "Tam quốc sử ký", trở thành 2 tác phẩm tiêu biểu về lịch sử cổ đại của Hàn Quốc. Có thể nói, nhà sư Gyeon-myeong, tên tự và pháp danh là Il Yeon (Nhất Nhiên) đã gửi gắm cả cuộc đời và tâm hồn của mình cho việc biên soạn nên bộ sách sử này.


Trong thời kỳ đen tối, viết nên những trang sử về bản ngã của dân tộc

Il Yeon thi đỗ đầu bảng "Tăng khoa", kỳ thi tổ chức cho các nhà sư dưới triều Goryeo, ông trở thành một học giả Phật giáo hàng đầu lúc bấy giờ, để lại tới hơn 100 tác phẩm viết về đạo Phật. Năm 1283, ông trở thành "Quốc sư", làm thầy dạy cho vua, một vị trí danh giá nhất đối với các vị sư tăng. Về sau, ông viết nên "Tam quốc di sự" có nghĩa là "thu thập, ghi chép lại các sự việc đã mất" hay "còn sót lại". Tác phẩm này có thể xem như một loại của dã sử và nó đã chịu nhiều ảnh hưởng từ bối cảnh của thời đại bấy giờ. Thế kỷ 13, Goryeo bị người Mông Cổ xâm lược và phải chịu khuất phục sau hơn 30 năm ròng trường kỳ kháng chiến, bài học thất bại đau buồn đó đã khắc sâu trong đầu của người Goryeo vốn đầy kiêu hãnh. Chính vì thế, đây là giai đoạn họ luôn muốn cố gắng, nhận thức lại văn hóa truyền thống của quá khứ trước đây để lấy lại tinh thần và giúp họ có thể khắc phục, vượt qua được mọi thử thách. Trong bối cảnh đó, Il Yeon đã viết nên "Tam quốc di sự" với mong muốn khơi dậy lịch sử của hàng nghìn năm trước, gieo niềm tự hào dân tộc trong lòng mọi người.
Nếu như năm 1145 tác giả Kim Bu-sik viết nên bộ "Tam quốc sử ký" đúng với tên gọi của nó, chỉ ghi chép lại nội dung lịch sử của ba quốc gia Silla, Goguryeo, Baekje thì Il Yeon lại bắt đầu tác phẩm "Tam quốc di sự" của mình bằng khởi nguồn của dân tộc Hàn với những dòng chữ như "Vua Dangun Wanggeom lập đô trên vùng đất Asadal, xây dựng nên đất nước gọi là Joseon (Triều Tiên) cùng thời với vua Nghiêu (ở Trung Quốc)..." Bộ sách của ông đã thể hiện một cách hào hùng lịch sử của dân tộc, bắt đầu từ thần thoại dựng nước Gojoseon của vua Dangun cho đến hàng loạt truyền thuyết lập quốc của các nước Mahan, Jinhan, liên minh các vương quốc Gaya, Goguryeo, Byeonhan, Baekje, Silla, Silla thống nhất và thời Hậu Tam quốc... Dù là nước lớn hay nước bé, có lịch sử phát triển dài hay ngắn, Il Yeon đều ghi chép lại, cho thấy lịch sử hình thành và phát triển nên bán đảo Hàn của các quốc gia cổ đại, những vương quốc ra đời từ trong sự huyền bí, ẩn chứa thông điệp của các vị thần đến với thế giới loài người.


Một kho tàng về truyện lịch sử

"Tam quốc di sự" được cấu thành bởi 5 quyển, 9 chương, gồm các chương như: "Kỉ dị" chép từng giai đoạn lịch sử từ thời Gojoseon (Cổ Triều Tiên) đến thời Hậu Tam quốc; chương "Vương lịch" có niên biểu lịch sử của các giai đoạn Tam quốc (Goguryeo, Baekje, Silla), Garakguk, Hậu Goguryeo, Hậu Baekje; chương "Hưng pháp" có nội dung về việc tiếp nhận Phật giáo của giai đoạn Tam quốc; chương "Nghĩa giải" chủ yếu với các câu chuyện về sư tăng và Phật giáo; chương "Tháp tượng" viết về các tháp và tượng Phật v.v... Nhìn chung, bộ sách đã ghi chép lại một cách đa dạng cuộc sống văn hóa và xã hội của giai đoạn đương thời, những gì mà sử sách trước đây thường bỏ qua. Chính nhờ đó, nó đã tạo ra nền tảng căn bản để ta có thể tiếp cận được với bức tranh tổng thể về văn hóa và lịch sử cổ đại trên bán đảo Hàn.
Đặc biệt, từ khi còn trẻ Il Yeon đã đi khắp cả nước, thu thập tất cả các thần thoại, truyền thuyết, những câu chuyện được cất giữ ở mọi nơi, từ kinh thành đến thôn quê, từ chốn quý tộc đến phường sư sãi, thậm chí từ cả những người dân thường vô danh... Những câu chuyện truyền miệng trong dân gian từng bị loại bỏ trong chính sử giờ đều đã được đưa vào tác phẩm của ông một cách sống động.
Vì lẽ đó, "Tam quốc di sự" đã đem lại được nguồn cảm hứng với nhiều câu chuyện hết sức phong phú, đa dạng. Nó không chỉ đơn thuần là một bộ sách lịch sử với những ghi chép khô khan mà còn đặt ra được hàng loạt câu hỏi như: vũ trụ là gì? đất nước là gì, giá trị cuộc sống là gì v.v... và trình bày lời giải đáp bằng trí tuệ sáng suốt cùng với nguồn tư liệu lịch sử vốn có. Nhờ vậy, với "Tam quốc di sự", người đọc có thể gặp được gốc gác, cội nguồn của mình và cũng có thể tìm ra được tương lai của cuộc sống. Có thể nói, cho đến những giây phút cuối đời, trước khi viên tịch vào năm 1289, Il Yeon đã soạn nên được một bộ sưu tập quý giá về tất cả cuộc sống và lịch sử của người dân Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập