Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Park Je-sang, vị trung thần triều Silla

2012-03-15

<b>Park Je-sang</b>, vị trung thần triều Silla
Một tấm gương trung nghĩa

Các học giả xưa thường hay tu dưỡng bản thân và chăm nom bá tính, cố gắng hướng tới một xã hội tốt đẹp. Họ luôn coi việc nổi danh, để lại tên tuổi cho đời là mục tiêu của cuộc sống. Tuy nhiên, trở thành quan lại thì dễ nhưng để làm một vị trung thần, không ngại đưa ra những lời nói ngay thẳng, hy sinh cuộc đời của bản thân để giúp đỡ các vị quân vương, xây dựng nên một thế gian tươi đẹp quả không đơn giản chút nào. Dưới triều Silla, đã có một vị trung thần như vậy, người luôn giữ đúng đạo nghĩa của kẻ bề tôi, sẵn sàng xả thân để làm tròn bổn phận.


Dấn thân vào chốn hiểm nguy để gỡ mối lo trong lòng nhà vua

Theo “Truyện Park Je-sang” trong "Tam quốc Sử ký Liệt truyện" thì Park Je-sang là hậu duệ của Park Hyeok Geo Se, ông tổ của vương triều Silla và cũng là cháu 5 đời của vua Pasa, vua đời thứ 5 của Silla. Park Je-sang sinh năm 363, cha là Mulpum, một viên quan chức Pajinchan, chức quan đứng ở bậc thứ 4 trong 17 bậc phẩm tước của quan lại triều Silla. Từ nhỏ, ông đã rất thông minh, có trí tuệ hơn người, lại can đảm, dũng mãnh, luôn được mọi người xung quanh đặt nhiều kì vọng. Khi đang làm quan ở châu Sabryang (nay là Yangsan), ông đã được vua đời thứ 19 của Silla là Nulji (Nột Chi Vương) gọi vào cung để thổ lộ, tâm sự về những điều lo lắng trong lòng.
Đó chính là những trăn trở của vua về 2 người em đang làm con tin nơi đất khách quê người. Nguyên vào năm 392, vua Naemul (Nại Vật vương), vua đời thứ 17 của Silla, cha của Nulji (Nột Chi Vương) đã gửi người em họ của mình là Silseong (Thực Thánh) sang Goguryeo làm con tin. Lúc bấy giờ, Goguryeo đang ở giai đoạn hưng thịnh dưới sự cai trị của vua Gwanggaeto, vì thế Silla đã phải chọn chính sách ngoại giao thận trọng và mềm dẻo để ngăn chặn việc mở mang thế lực xuống phía Nam của cường quốc này. Vua Silla đã phải thuận theo cách gửi con tin là người trong hoàng tộc cho đối phương như một công cụ để thực hiện điều ước giữa hai nước. Chính vì thế, trong suốt 10 năm tại Goguryeo, Silseong đã phải sống quãng thời gian đầy những bất an, lo lắng và sợ hãi, để rồi mãi đến năm 401 mới được trở về nước và một năm sau đó được lên ngôi vua. Silseong được các quan trong triều suy tôn lên làm vua vì lúc này thái tử Nulji vẫn đang còn nhỏ. Sau khi lên ngôi, để trả hận cho những tháng ngày làm con tin trước đây, vua Silseong đã gửi Misaheun và Bokho, 2 trong số những người con của vua Naemul (Nại Vật vương) đời trước đi làm con tin ở Nhật Bản và Goguryeo. Năm 417, vua còn định giết hại Nulji nhưng Nulji đã dùng kế thoát được, đồng thời còn đẩy Silseong xuống để lên ngôi.
Sau khi lên ngôi, vua Nulji mới cho mời gọi Park Je-sang tới để giãi bày nỗi lo về 2 người em đang làm con tin nơi đất khách. Không chờ vua hạ lệnh, Park Je-sang đã bật dậy, vội vã lên đường tới Goguryeo. Ông nói "vua đau khổ, lẽ đương nhiên kẻ hạ thần phải hiến dâng tất cả, dù là sinh mạng của chính mình."


Giải thoát 2 hoàng tử Bokho và Misaheun

Năm 418, Park Je-sang làm sứ thần sang Goguryeo, gặp vua Jangsu (Trường Thọ vương) và ông đã dùng lời lẽ thuyết phục rằng: "Việc vua trả cho Bokho về nước, với vua cũng chỉ là chuyện nhỏ giống như một sợi lông trong đám 9 con bò (cửu ngưu nhất mao), vua chẳng thiệt hại gì cả, trong khi đó chúa công Silla lại vô cùng biết ơn, không ngừng ca tụng công đức của vua." Với tài hùng biện, ăn nói lanh lợi, vừa giữ thể diện cho đối phương vừa phân tích được những điều lợi hại, Park Je-sang cuối cùng đã thành công trong việc cứu Bokho, đưa hoàng tử về nước sau 20 năm lưu lạc tại Goguryeo.
Chưa hết, ngay sau khi cứu được người em thứ nhất của vua là Bokho, Park Je-sang đã tiếp tục lên đường tới Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản lúc này không phải là nơi có thể dễ dàng dùng lời lẽ thuyết phục. Vì vậy, Park Je-sang đã xin vua Nulji cho loan tin rằng ông phản bội Silla mà bỏ chạy sang Nhật. Rốt cuộc, đúng theo ý đồ của ông, ông đã được vua Nhật Bản tin dùng. Sở dĩ bấy giờ, Nhật nghe theo tin báo từ Baekje cho rằng Silla và Goguryeo sắp tấn công Nhật, nên đang chuẩn bị để ra tay, đánh Silla trước. Do đó, vua Nhật muốn cử Park Je-sang, người nắm rõ nhất tình hình của Silla lên làm tiên phong đánh trận. Tranh thủ lúc Nhật Bản đang hỗn loạn, chuẩn bị chiến tranh, Park Je-sang đã cho Misaheun biết rõ thân phận của mình và lợi dụng lúc sương mù, giúp cho Misaheun trốn thoát về Silla sau 30 năm làm con tin tại đất Phù Tang. Nhưng sau đó, bản thân Park Je-sang lại bị bắt và phải đối mặt trước cơn thịnh nộ của nhà vua Nhật Bản.


"Ta là bề tôi của Silla"

"Ta vốn là người của Silla, vì chúa công của ta nên mới đến đây để cứu hoàng tử. Giờ việc đã xong, hãy giết ta đi!" Tuy bị bắt, nhưng Park Je-sang vẫn hiên ngang, chấp nhận cái chết. Thấy vậy, vua Nhật cảm kích, kêu gọi ông quy hàng, về làm quan cho triều đình Nhật nhưng ông đã không chịu khuất phục mà trả lời rằng "Ta thà làm chó, lợn của Silla chứ nhất định không làm bề tôi của Nhật". Cuối cùng, sau những đợt tra tấn dã man ông bị đem đi xử trảm ở đảo Kishima (theo tiếng Hàn là Mokdo). Hay tin, vua Nulji ở Silla lấy làm thương tiếc, phong cho ông chức Daeachan, chức quan ở hàng thứ 5 trong 17 bậc phẩm tước của triều Silla, đồng thời cũng tác thành cho con gái thứ hai của ông lấy hoàng tử Misaheun.
Cũng có truyền thuyết kể rằng, do quá đau buồn, vợ của Park Je-sang cùng với 3 người con gái của ông đã leo lên đồi Chisullyeong, ôm nhau nhìn về phía Nhật Bản mà kêu khóc. Tại đây các con gái của ông đã biến thành chim bay đi, còn vợ của ông thì đã hóa thành đá và sau này, người ta gọi đó là "Hòn vọng phu". Hai vợ chồng Park Je-sang, một người có lòng sắt son, hy sinh vì tổ quốc và một người thì thủy chung, vì nhớ chồng mà hóa đá. Họ đã trở thành tấm gương mẫu mực về lòng trung thành, trước sau như một trong lòng người dân Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập