Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hwang Sun-won, tác giả tiêu biểu của văn học thuần túy Hàn Quốc

2012-03-29

<b>Hwang Sun-won</b>, tác giả tiêu biểu của văn học thuần túy Hàn Quốc
Khơi dậy vẻ đẹp trữ tình trong sáng

"Cậu bé biết con nhỏ đang nghịch nước bên bờ suối là con cháu nhà họ Yun vì mấy hôm nay, nó vẫn thường ra đây chơi. Hôm sau, lúc con bé đang ngồi ngắm nghía bên kia bờ, cậu nhặt dưới nước lên một hòn sỏi cuội trắng, ném về phía nó và gọi "này, đồ ngốc!". Thế rồi, từ hôm đó, cậu ra suối muộn hơn nhưng chẳng thấy bóng dáng nó đó đâu cả. "May thật!" - cậu tự nhủ. Nhưng điều kỳ lạ là mấy ngày liền, càng không thấy con nhỏ đâu thì trong lòng cậu lại càng như có gì đó trống vắng."

Phong cách ngắn gọn, súc tích, luôn để lại dư âm trong lòng người đọc - Đó là một đoạn trong truyện ngắn "Mưa rào", một tác phẩm kể về mối tình đầu tuy đẹp mà buồn của cậu bé nhà quê với một cô gái về từ thành phố. Ra mắt công chúng năm 1953, đây là một trong những tác phẩm của một tác giả có 70 năm cầm bút luôn theo đuổi vẻ đẹp về tinh thần của con người, tính thuần túy và sự tự do cao quý. Đó chính là Hwang Sun-won, cây đại thụ trong lịch sử văn học hiện đại của Hàn Quốc. Ngày 26/3 vừa qua chính là ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 97 của tác giả tiêu biểu cho dòng văn học thuần túy, người đã khơi dậy vẻ đẹp trữ tình trong tâm hồn của con người Hàn Quốc.


Bắt đầu từ một nhà thơ

Hwang Sun-won sinh ngày 26/3/1915 ở vùng Daedong tỉnh Nam Pyeongan. Năm 1931, khi đang còn học tại trường trung học Sungsil tại Pyeongyang (Bình Nhưỡng), ông đã thể hiện tư chất của một văn sĩ xuất chúng với việc ra mắt các tác phẩm thơ như "Giấc mơ của tôi", "Con trai ơi, đừng sợ" trên tạp chí "Donggwang", một tạp chí tổng hợp ra hàng tháng lúc bấy giờ.
Hwang Sun-won may mắn lớn lên trong một môi trường khá đầy đủ, hạnh phúc, thủa nhỏ được học cả các môn trượt băng, vi-ô-lông v.v... Năm 1934, ông được đi du học tại trường trung học Đệ nhị Waseda, Nhật Bản. Tại Tokyo, ông đã cùng với các bạn học khác là Lee Hae-rang và Kim Dong-won sáng lập nên hội nghiên cứu nghệ thuật kịch mang tên "Đông Kinh Học sinh Nghệ thuật tọa". Ông cũng đã xuất bản tập thơ đầu tiên gồm tập hợp các bài thơ trữ tình sáng tác giai đoạn đầu của ông mang tên "Bangga" (Phóng ca, nghĩa là "cất cao tiếng hát"). Vẻ đẹp ngôn từ trong tiểu thuyết sau này được đánh giá là "đã thăng hoa tiểu thuyết thành thơ" của Hwang Sun-won có được cũng là nhờ ở giai đoạn sáng tác thơ này. Ông đã mài dũa, rèn luyện cho mình được lôi hành văn giàu chất trữ tình, đơn giản súc tích. Năm 1936, sau khi vào học khoa Anh văn của đại học Waseda, ông bắt đầu chính thức quan tâm tới sáng tác tiểu thuyết. Tháng 7 năm 1937, ông đã cho ra mắt tác phẩm đầu tiên có tựa đề "Phó từ của khoảng cách" và 3 năm sau xuất bản truyện ngắn mang tên "Đầm lầy", dồn toàn tâm cho việc viết tiểu thuyết.


ưa lịch sử và yếu tố thời đại vào trong văn học thuần túy

Hwang Sun-won liên tiếp công bố các tác phẩm truyện ngắn "Ngôi sao" vào năm 1941 và "Cái bóng" vào năm 1942. Nhưng sau đó, khi bị thực dân Nhật ra sức chèn ép, buộc phải viết tiểu thuyết bằng tiếng Nhật ủng hộ cho việc thân Nhật, năm 1942 ông đã bỏ về quê để giữ im lặng. Tại đây, dù không xuất bản nhưng ông vẫn lặng lẽ xây dựng nên một thế giới văn học riêng cho mình, viết nên nhiều tác phẩm như "Ngỗng trời", "Con bướm mắc bệnh", "Ông già làm chum"... Sau ngày Hàn Quốc được giải phóng khỏi thực dân Nhật, ông lại tiếp tục viết và xuất bản các truyện ngắn, truyện vừa, điển hình là tác phẩm "Rượu" ra mắt công chúng vào năm 1947.
Dù ở bất kỳ tác phẩm nào, Hwang Sun-won cũng luôn thể hiện văn phong súc tích, sự trau dồi tinh tế, cái đẹp trữ tình, cho thấy cảnh giới của thành quả nghệ thuật trong văn học. Tuy vậy, ông vẫn không quên mối quan tâm tới lịch sử và hiện thực của đất nước, điều mà văn học bấy giờ dễ bỏ qua, khi tập trung vào miêu tả cái đẹp trữ tình. Hwang Sun-won vừa cho thấy ý thức quanh các vấn đề đi vào hiện thực nhưng lại vẫn giữ được diện mạo của chủ nghĩa nhân văn, luôn hướng tới khôi phục tính thuần chất và vẻ đẹp của con người. Điều đó thể hiện ở các tác phẩm như "Chó của làng Mongneomi" (Mongneomi là tên làng, có nghĩa là làng ở vị trí cửa ngõ) miêu tả bối cảnh xã hội hỗn loạn sau ngày giải phóng, hay truyện dài "Hậu duệ của Cain" phơi bày mâu thuẫn dân tộc quanh vấn đề chia cắt 2 miền Nam-Bắc v.v...


Khi như thơ, lúc như cánh hạc... một cuộc đời thoát khỏi thế tục

Sinh ra dưới thời Nhật thuộc, sống trong giai đoạn đất nước có nhiều biến động, nhưng Hwang Sun-won với tinh thần của một tác giả văn học chân chính đã dám lao vào, bóc tách cơn sóng gió của lịch sử hiện đại Hàn Quốc, giai đoạn điểm xuyết bởi hàng loạt các sự kiện như chế độ thực dân Nhật, 2 miền chia cắt, chiến tranh và chế độ độc tài.
Trong cuộc sống, Hwang Sun-won vẫn giữ nguyên tắc "tác giả văn học chỉ được lên tiếng bằng tác phẩm văn học". Ông cho rằng câu chữ ngoài văn học đều là tạp văn và chưa từng nhận một tác phẩm nào đặt viết theo yêu cầu. Ngoài việc là thành viên của Viện Nghệ thuật Quốc gia và làm giáo sư của trường đại học Kyunghee, ông cũng không đảm nhận bất kỳ chức vụ nào, thậm chí từ chối cả học vị tiến sĩ do nhà trường trao tặng, từ chối nhận huân chương văn hóa của chính phủ năm 1996...
Cho đến khi qua đời vào ngày 14/9/2000, cả cuộc đời của Hwang Sun-won chỉ biết theo đuổi sự nghiệp văn học một cách đơn thuần. Ông được coi là một tác giả lớn sống đạm bạc, không hề khoa trương hay dòm ngó điều gì. Giây phút trút hơi thở cuối cùng, ông đã ra đi một cách bình thản, nhẹ nhàng tựa như đang chìm trong giấc ngủ. Cũng vì thế mà mọi người đã gọi ông là "Thanh sơn bạch hạc" - con hạc trắng của núi xanh.

Lựa chọn của ban biên tập