Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yun Seon-do, vị quan văn là thi nhân và là khách phong lưu của triều Joseon

2012-04-05

<b>Yun Seon-do</b>, vị quan văn là thi nhân và là khách phong lưu của triều Joseon
Ngồi ngắm trăng trên phiến đá

Mới đây, Sở nghiên cứu tài sản văn hóa Quốc gia Hàn Quốc đã tìm được 1 tảng đá chôn dưới lòng đất ở đảo Bogil, huyện Wando, tỉnh Nam Jeolla. Tảng đá có chiều dài 360cm, rộng 270cm, cao 95cm. Phần đầu tảng đá có góc hình tam giác quay về phía Tây, trông giống như đầu của con rùa, phía sau có rãnh lõm ở 2 bên, tạo thành hình một chiếc mai rùa. Đây chính là "Quy nham" - tảng đá hình rùa, nơi Yun Seon-do, hiệu là "Cô Sơn" ngồi thưởng trăng mà ta vẫn thấy được nhắc đến trong 2 thư tịch cổ là "Phủ Cát đảo chí" (Hiểu biết về đảo Bogil) do Yun Wi, cháu 5 đời của ông viết và "Cô Sơn di cảo" là bộ sưu tập các tác phẩm thơ văn để lại của ông do người đời sau thực hiện. Không biết vị khách phong lưu Yun Seon-do này là ai mà ngay cả tảng đá ông ngồi ngắm trăng cũng có ý nghĩa đến vậy?


Vị quan chính trực đầy khí tiết

Yun Seon-do sinh ra năm 1587, trong một gia đình danh giá ở Honam. Họ Yun nhánh vùng Haenam của ông vốn có khí tiết cao, có những tấm gương như Yun Hyo-jeong cả đời sống trong sạch, sẵn sàng từ bỏ con đường chính trị, về quê làm vườn, câu cá khi thấy thầy dạy của mình là Choi Bu bị chém đầu vì đã theo chính nghĩa, giữ trọn tiết tháo trong 2 vụ kẻ sĩ gặp nạn vào năm Giáp Tí (1504) và Ất Tị (1545), hay Yun Gu, vị quan văn làm tới chức "Phó Giáo lí", chức quan ngũ phẩm ở "Hoằng Văn quán", nơi coi việc kinh thư sách vở và tư vấn cho vua, khi gặp nạn kẻ sĩ năm Kỉ Mão (1519) cũng đã từ bỏ quan tước để giữ lấy khí tiết v.v... Cũng chính nhờ đó mà Yun Seon-do đã kế thừa được truyền thống của cha ông, trở thành một con người ngay thẳng, chính trực.
Lớn lên trong một gia đình có nền nếp giáo dục cởi mở, không cấm đoạn chuyện học hành, năm hơn 10 tuổi Yun Seon-do đã học được tất cả các sách về kinh sử, y dược, chiêm thuật, âm dương địa lý v.v... Văn chương, kiến thức của ông tài giỏi, đạt tới cảnh giới cao khó ai bì kịp. Thông minh và có tính tình cương trực từ nhỏ nên đến năm 17 tuổi Yun Seon-do đã đỗ kỳ thi sơ khảo tiến sĩ và năm 26 tuổi đỗ tiến sĩ, dường như ông rất thuận lợi trên con đường làm quan. Tuy nhiên, năm 1616, khi đang làm Nho sinh học ở Sungkyunkwan, thấy việc trị nước của Gwanghaegun (Quang Hải Quân, vua đời thứ 15 của Joseon) gặp khó khăn vì bè lũ gian thần Yi I-cheom và anh của vương phi là Yu Hui-bun lạm dụng quyền hành, Yun Seon-do đã dâng tấu lên vua rằng "phải hỏi tội gian thần, cứu lấy nước đang lâm vào cơn nguy kịch". Lời văn của vị học giả mới 30 tuổi rất cương trực và tràn đầy lòng trung nghĩa, thế nhưng đã không tránh khỏi được sự đàn áp của các thế lực cầm quyền. Yun Seon-do bị đày đi Gyeongwon ở tỉnh Hamgyeong và Gijang ở tỉnh Gyeongsang. Sau này, đến năm 1623, nhân sự kiện vua Gwanghaegun bị lật đổ, vua Injo (Nhân Tổ) được đưa lên ngôi thì ông mới được trả tự do.
Vua Injo mến tài học vấn và nghĩa khí khác người của Yun Seon-do nên đã giao cho ông làm thầy dạy trong suốt 5 năm, giúp cho 2 vị hoàng tử là Bongnimdaegun (Phượng Lâm Đại Quân) và Inpyeongdaegun (Lân Bình Đại Quân) khôn lớn. Sau khi dạy xong các hoàng tử, với dự định tiến thân làm quan bằng con đường thi cử, năm 1632, Yun Seon-do đã tham gia kỳ thi tuyển chọn quan văn và vinh dự đỗ trạng nguyên ở tuổi 47. Tiếp đó, ông từng làm quan cai quản địa phương, chăm lo cho dân vùng Seongsan tỉnh Gyeongsang nhưng sau lại bỏ chức, về sống ẩn dật ở nơi thôn dã. Đến khi cuộc chiến năm Bính Tý (1636) nổi lên với sự xâm lược của nhà Thanh, ông đã kéo theo các nghĩa binh và nô lệ đi ra đảo Ganghwa, nơi có 2 vị hoàng tử lánh nạn. Song, trên đường đi, nghe tin vua Injo ở thành Namhan đã nhục nhã đầu hàng giặc tại bến đò Samjeon, thượng lưu sông Hàn, ông đã quay thuyền, đi về phía đảo Jeju, tách mình ra khỏi thế gian hỗn loạn. Không may, thuyền của ông gặp sóng to gió lớn, phải dừng chân ở đảo Bogil và ông đã chọn luôn đây làm nơi ẩn cư trong một quãng thời gian dài.


Tìm thấy hy vọng trong cuộc sống ẩn dật

Lần đầu tiên khi mới đặt chân lên đảo Bogil, một hòn đảo xinh đẹp của vùng Wando tỉnh Nam Jeolla, Yun Seon-do đã thấy ngay được bước ngoặt mới của cuộc đời mình dù rằng ông đã ở tuổi 51. Đó là vì cảnh đẹp nơi đây có bãi biển với những viên sỏi cuội tròn trịa được sóng biển miệt mài giũa gọt, tẩy rửa, là nơi mà dù có leo lên chỗ cao nhất thì dải đất liền bên kia trông vẫn xa vời vợi, xung quanh chỉ có những chiếc thuyền chài thong thả đi lại trên biển rộng mênh mang v.v...
Ngắm thiên nhiên trong lành, tươi đẹp, Yun Seon-do mới ngẫm lại cuộc đời mình và cảm thấy như được ản ủi cho những tháng ngày vất vả qua. Tại đây, ông đã để lại nhiều kiệt tác tỏa sáng trong lịch sử văn học Hàn Quốc. Đó là các tác phẩm như chùm thơ mang tên "Ngũ hữu ca", sáng tác theo thể loại Sijo (thời điệu) cố hữu của Hàn Quốc, lấy những dòng nước, tảng đá, cây thông, cành tre và ánh trăng làm bạn, hay "Ngư phủ tứ thời từ" miêu tả cuộc sống tươi đẹp của người dân chài lúc hòa mình cùng thiên nhiên... Đó là các tác phẩm, những bông hoa rạng ngời trong văn học thi ca của Hàn Quốc mà có lẽ, sẽ không bao giờ có được nếu như không có sự gặp gỡ giữa con người thông thạo, yêu văn chương của Yun Seon-do với phong cảnh đẹp tuyệt trần của đảo Bogil.
Yun Seon-do cũng là người giỏi về lĩnh vực địa lý phong thủy. Ông đã sắp đặt "Lạc thư trai" là nhà của ông nằm ngay dưới ngọn núi Gyeokja (Cách Tử Phong), ngọn núi cao nhất của đảo Bogil để có thể làm bạn với thiên nhiên và vui thú cùng việc đọc sách. Tuy nhiên, mỗi khi thấy đất nước sa vào con đường sai lệch hay đi trái với chữ "Lễ" trong Nho học, Yun Seon-do lại đứng ra, giữ trọn đạo của kẻ trung thần, dâng tấu kháng nghị. Vì thế, giai đoạn sau 50 tuổi, ông đã bị đi đày 1 năm ở Yeongdeok, tỉnh Gyeongsang và giai đoạn những năm 70 tuổi, ông đã phải đi đày 6 năm, lần lượt chuyển qua các vùng Samsu, Bukcheong và Gwangyang. Cuối cùng ông cũng được phóng thích khỏi Gwangyang khi đã 81 tuổi, kết thúc tổng cộng 14 năm trong đời phải sống lưu đày.
Về sau, Yun Seon-do đã trở lại đảo Bogil để tránh thế sự đảo điên. Ông đã dồn toàn tâm cho việc sáng tác thơ cùng với thiên nhiên và qua đời vào năm 1671, thọ 85 tuổi. Đúng như tên hiệu "Cô Sơn" với ý nghĩa là "ngọn núi cô độc" của ông, vào thời buổi đất nước rối loạn bởi các cuộc tranh giành quyền lực, chỉ có mỗi mình ông là đứng thẳng, vượt lên trên tất cả. Yun Seon-do đã sống như một ngọn núi ôm lấy toàn bộ thiên nhiên, trở thành vị khách phong lưu thoát khỏi thế tục, luôn hòa mình làm một với thiên nhiên,

Lựa chọn của ban biên tập