Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Sam-pyeong, thợ gốm sứ Joseon, ông tổ của gốm sứ trắng Nhật Bản

2012-04-12

<b>Yi Sam-pyeong</b>, thợ gốm sứ Joseon, ông tổ của gốm sứ trắng Nhật Bản
Thợ gốm gốc Hàn Quốc được suy tôn làm tổ của ngành gốm Nhật

"Trước mắt tôi, như những chiếc răng lược, nhà mọc san sát,
Khói nghi ngút từ những chiếc lò bốc lên,
Những làn gió từ xa xưa thổi về, quyện bên cành thông
Tổ tiên họ Yi đang vỗ về cho vùng đồi núi làm gốm"


Đó là bài thơ mà vào năm 1918, huyện lệnh của Saga là Saburo Kashita đã ngâm nga khi đi qua quả đồi của làng Arita, nơi có đầy dẫy những lò nung gốm. Một điều lạ là trong bài thơ, từ "tổ tiên" xuất hiện lại để chỉ vào Yi Sam-pyeong, một thợ gốm người Joseon chứ không phải Nhật Bản.


Từ Joseon sang Nhật Bản...

Thời Joseon, do thợ nặn gốm chỉ thuộc vào tầng lớp tiện dân nên Yi Sam-pyeong sinh ra ở đâu và khi nào đều không ai biết cả. Tuy nhiên, căn cứ vào điểm giống nhau giữa mảnh gốm thời Joseon tìm được ở gần vùng Gongju và những mảnh gốm xuất hiện trong giai đoạn đầu của Arita thì ta có thể suy đoán rằng, Yi Sam-pyeong đã sinh ra ở Gongju tỉnh Nam Chungcheong ngày nay. Trong chiến tranh năm Nhâm Thìn (1592), quan quản lý địa phương (Phiên chủ) Saga của Nhật là Naoshige Nabeshima đã đánh vào Joseon và năm 1598 đã cho bắt các thợ gốm để biến họ thành tài sản quý báu của Nhật Bản. Yi Sam-pyeong chính là một trong số những người thợ bị bắt đi đó.
Nhật Bản ra sức giành lấy kỹ thuật chế tạo gốm sứ, một kỹ thuật mũi nhọn hàng đầu, mà trên toàn thế giới vào thế kỷ 16 lúc bấy giờ chỉ có thể thấy ở Joseon và nhà Minh, Trung Quốc. Do đó, 2 cuộc chiến năm Nhâm Thìn và cuộc chiến năm Đinh Dậu diễn ra từ thời điểm năm 1592 đến năm 1598 còn được gọi là "Cuộc chiến gốm sứ". Người Nhật đã bắt đi nhiều thợ gốm của Joseon, đúng như chỉ thị họ đưa ra lúc đó là "bắt được tù nhân thì phải gửi thợ gốm về trước".
Yi Sam-pyeong cũng nằm trong số bị đưa về Nhật. Vào mấy năm đầu, ông đã làm việc cho Yasutoshi Taku, một môn khách và là con rể của võ quan của Nhật Bản Nabeshima. Sau này, ông đã chuyển về Arita, huyện Saga thuộc vùng Kyushu và mở lò gốm tại đây.


Xây dựng nên một văn hóa gốm sứ xán lạn

Yi Sam-pyeong đã đi khắp nơi trên đất Nhật để tìm đất sét trắng có chất lượng phù hợp, cần thiết cho việc tạo ra sản phẩm gốm tốt. Năm 1616, tại núi Izumi, phía Đông của Arita, ông đã phát hiện ra quặng ma-nhê-tít (magnetite), nguyên liệu tốt nhất để làm đồ sứ, và ông đã cùng các thợ gốm khác xây dựng nên xưởng và lò gồm tại Tengudani, nơi có đầy đủ nguồn nước và các nhiên liệu cần thiết cho sản xuất gốm. Ông đã thiết lập một hệ thống sản xuất giống với hình thức chuyên môn hóa sản xuất hiện nay và bắt tay vào làm gốm. Tuy nhiên, đồ sứ trắng do Yi Sam-pyeong làm ra tại Nhật đều chứa đựng trong đó nỗi buồn và nhớ nhung quê hương da diết. Dưới sắc trắng thuần khiết không tì vết của sứ là những hoa văn hình cây tre, cây thông, toát lên lòng tiết nghĩa và sự thuần khiết - bản chất của sứ trắng Baekja thời Joseon.
Ấn tượng trước hình dáng trang nhã, thanh tao và cao quý của sản phẩm do Yi Sam-pyeong làm nên, viên quan địa phương là Nabeshima đã hết lòng hỗ trợ, giúp cho xưởng sản xuất của ông trở thành một lò gốm sứ trắng đầu tiên ở Nhật Bản. Kể từ đó, vùng Arita đã xuất hiện thêm rất nhiều lò sản xuất gốm sứ và Yi Sam-pyeong đã được người Nhật suy tôn làm "thần gốm sứ", là "ông tổ của đồ gốm". Tuy nhiên đó mới chỉ là phần mở màn, khởi đầu cho tên tuổi của một ông tổ nghề người Joseon trên đất Nhật.


Gốm sứ Arita xuất khẩu ra thế giới

Gốm sứ Arita đã khơi dậy một cuộc cách mạng về thẩm mỹ đối với người Nhật. Trên nền tảng kỹ thuật tiên phong trong giai đoạn đầu của Yi Sam-pyeong, người ta đã làm nên đồ sứ trắng Thanh Hoa (Thanh hoa bạch từ) vẽ hoa văn bằng chất liệu màu cô-ban xanh lên trên sứ trắng thuần chất, hay sử dụng, đưa sắc màu đa dạng và lộng lẫy của sản phẩm thời nhà Minh, Trung Quốc vào để tạo ra đồ sứ ngũ sắc (Ngũ thái từ khí), biến chúng trở thành gốm sứ tiêu biểu của Nhật Bản.
50 năm sau khi bắt đầu sản xuất, từ năm 1660 sản phầm gốm sứ Arita đã được xuất khẩu sang châu Âu và trở nên nổi tiếng thế giới. Gốm sứ Arita có họa tiết tinh tế, màu sắc rực rỡ và hình dáng vừa vững chắc vừa gọn gàng thanh thoát nên đã cuốn hút được người châu Âu lúc bấy giờ và nhanh chóng lan đi khắp châu Âu. Từ sau lần xuất khẩu đầu tiên, trong quãng thời gian 70 năm đã có tới khoảng 7 triệu sản phẩm gốm sứ Arita được bán hết, khiến cho tiếng tăm của gốm sứ Nhật Bản vang dậy khắp nơi trên thế giới.
Đặc biệt, với việc tham gia triển lãm Paris năm 1900 và được trao giải thưởng vàng cho tác phẩm "Phú Sĩ lưu thủy", gốm sứ Arita đã viết nên một trang mới trong lịch sử đồ gốm sứ thế giới. Arita đã phát triển được một văn hóa gốm sứ rực rỡ và để tưởng nhớ tới công ơn người sáng lập, năm 1917, nhân kỷ niệm 300 năm Yi Sam-pyeong mở lò gốm đầu tiên, người dân nơi đây đã dựng nên một tấm bia để ca ngợi công đức của ông tổ nghề. Kể từ đó, hàng năm, cứ đến tháng 5, trong vùng lại tổ chức lễ hội đồ mỹ nghệ gốm sứ tầm cỡ thế giới.
Tâm hồn của người thợ nặn gốm mà lòng vẫn nhớ về quê hương bên kia đại dương cho đến nay vẫn còn thấm đượm lại tại vùng đất Arita. Yi Sam-pyeong chính là nghệ nhân gốm Joseon đã đem hồn Hàn Quốc vào để sản sinh ra những sản phẩm gốm sứ của thế giới. Ông là đại diện của tinh thần Hàn Quốc mà chúng ta có thể gặp được tại Nhật Bản.

Lựa chọn của ban biên tập