Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Park Du-seong, nhà phát minh của người khiếm thị

2012-04-19

<b>Park Du-seong</b>, nhà phát minh của người khiếm thị
Chữ nổi Braille, ánh sáng soi rọi thế giới tối tăm

Người khiếm thị thường sử dụng hệ thống chữ nổi Braille để đọc sách báo. Họ nhìn thế gian bằng những con chữ "vô hình", chỉ có 6 chấm nổi lồi lõm khác nhau và cứ đọc đi đọc lại, sờ cho đến khi những chấm nổi trên mặt giấy trở nên bóng loáng. Chữ nổi Braille là phượng tiện chuyển tải thông tin quan trọng của người khiếm thị được phát minh vào năm 1824, xuất phát từ ý tưởng cải tiến hệ thống ký tự trao đổi thông tin vào ban đêm trong quân đội.
Louis Braille, một giảng viên tại Học viện quốc gia dành cho người mù tại Paris đã chú ý tới các thông điệp truyền tin ban đêm được tạo nên bởi các chấm nổi, có thể đọc được bằng tay của quân đội, sau đó ông đã cải tiến, rút số chấm nổi từ 12 chấm xuống còn 6 chấm để người khiếm thị cũng có thể nhận thức được. Hệ thống chữ nổi này, về sau đã được phổ cập rộng rãi cho nhiều người khiếm thị, được công nhận là hệ thống chữ cho người khiếm thị vào năm 1854. Nó được đánh giá là "1 bước phát triển được hình thành, đưa người khiếm thị đến với thế gian, nơi họ có thể tận hưởng sự phong phú về mặt tinh thần, thoát khỏi nỗi tuyệt vọng trước đây"
Tuy nhiên, hệ thống chữ nổi Braille theo kiểu phương Tây khi đưa vào áp dụng cho trường hợp bảng chữ cái Hangeul của Hàn Quốc thì lại gặp rất nhiều khó khăn. Thật may mắn, vào năm 1926, đã có một nhân vật khắc phục được những khó khăn, khiếm khuyết này để sáng chế ra được hệ thống chữ nổi tương thích với chữ cái Hangeul ở Hàn Quốc.


Hunmaeng Jeongeum, chữ nổi Braille của Hàn Quốc

Hunmaeng Jeongeum (Huấn manh chính âm) là chữ nổi đầu tiên của hàn Quốc, được tạo ra để giúp cho người khiếm thị có thể đọc được tài liệu tiếng Hàn. Cũng giống như việc Vua Sejong (Thế Tông, vua đời thứ 4 của Joseon) đã vì người dân mà sáng chế ra chữ cái Hangeul - tên gọi ban đầu là Hunmin Jeongeum (Huấn dân chính âm), chữ nổi Hunmaeng Jeongeum do Park Du-seong phát minh ra, thực chất cũng là loại "Huấn dân chính âm dành cho người khiếm thị".
Park Du-seong sinh ngày 26/4/1888 tại đảo Gyodong, huyện Ganghwa, Incheon. Từ năm 1895, trong vòng 4 năm, ông đã được đào tạo tại trường Bochang ở đảo Ganghwa, sau đó nhập học vào trường Sư phạm Hanseong. Học xong, Park Du-seong bắt đầu bước vào nghề nhà giáo, làm giáo viên của trường Phổ thông Eoeuidong. Năm 1911, ông đã được thầy dạy của mình là Lee Dong-hui, người sáng lập ra trường Bochang và là nhà hoạt động của phong trào Vận động độc lập Hàn Quốc đặt cho tên hiệu là "Tùng Am". Từ người thầy đáng kính nhận được tên hiệu mang ý nghĩa chỉ "sự không chịu khuất phục, luôn giữ khí tiết vững vàng giống như cây thông ở am chùa", Park Du-seong đã quyết tâm dâng hiến cả cuộc đời mình để giúp đỡ những người khó khăn.
Trên thực tế, năm 1913, ông đã được bổ nhiệm làm giáo viên thỉnh giảng của Ban khiếm thị, khiếm thính thuộc cơ quan y tế Jesaengwon (Tế sinh viện) nay là trường Khiếm thị quốc gia Seoul. Ngay trong cùng năm đó, ông đã từng đưa các loại máy in từ Nhật Bàn về và ban đầu đã cho xuất bản giáo trình bằng chữ nổi Braille theo tiếng Nhật. Nhưng rồi, thực dân Nhật muốn xóa bỏ hẳn quá trình đào tạo bằng tiếng Joseon (tiếng Hàn lúc bấy giờ) sau sự kiện toàn dân nổi dậy tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập 1/3/1919. Lúc đó, Park Du-seong đã phản đối mạnh mẽ, bẻ gẫy luận điệu của thực dân bằng câu nói: "Người sáng mắt, nếu cố gắng, luôn có thể đọc và viết được, nhưng với người mù, nếu cướp đi cả ngôn ngữ, tiếng Joseon của họ, thì chẳng phải biến họ thành người vừa mù vừa câm hay sao?"
Sau đó 1 năm, ông đã cùng một số học trò của mình bí mật lập nên Ủy ban nghiên cứu chữ nổi Braille tiếng Joseon". Trải qua suốt 6 năm nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng ông đã tạo ra hệ thống chữ nổi Braille của Hàn Quốc. Ông đã đặt tên cho hệ thống chữ nổi này là Hunmaeng Jeongeum (Huấn manh chính âm) và công bố vào ngày 4/11/1926 đúng vào ngày mà xưa kia vua Sejong đã ban bố chữ viết Hunmin Jeongeum (Huấn dân chính âm) cho toàn thiên hạ.


Hy sinh hạnh phúc cá nhân để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh

Park Du-seong đã tạo nên Hunmaeng Jeongeum, kết hợp 6 chấm nổi khác nhau theo những kiểu khác nhau để thể hiện tất cả các nguyên âm và phụ âm trong bảng chữ cái Hangeul. Để phổ cập rộng rãi hệ thống chữ này, ông đã gửi tài liệu cho cả những người khiếm thị đang gặp khó khăn, giúp cho họ học hàm thụ qua các kênh thông tin. Ông cũng nhấn mạnh với mọi người rằng: "nếu không học thì ngay cả tâm hồn cũng trở nên tối tăm, vì thế ai cũng phải học" và kêu gọi mọi người dù mắt có không thấy gì cũng hãy đứng lên, thông qua việc học này mà đưa ra quyền lợi của mình.
Park Du-seong đã đi đầu trong việc đào tạo người khiếm thị. Năm 1936 ông bắt đầu làm hiệu trưởng của trường Yeonghwa ở Incheon. Ông đã chuyển dịch một loạt 76 đầu sách sang thành sách chữ nổi như "Thánh kinh toàn thư", "Tuyển tập Lee Gwang-su", sách răn dạy sống theo tư tưởng của các nhà hiền triết Trung Quốc "Minh tâm bảo giám", "Truyện ngụ ngôn của Aesop" v.v... Ngày 25/8/1963, ông đã qua đời ở tuổi 76. Nhưng cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn luôn nghĩ tới những người khiếm thị, dặn dò mọi người rằng: "Chấm nổi trong sách chữ nổi dễ bị hư hỏng, nên không được để sách nằm ngang mà phải dựng lên"...
Hệ thống chữ nổi của Hàn Quốc do ông để lại đã tiếp tục được các học trò của ông nghiên cứu và sau ngày đất nước được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật, đã có nhiều lần được chỉnh sửa, hoàn thiện. Năm 1994, dự án thống nhất hệ thống chữ nổi tiếng Hàn đã được hoàn thành và được coi là hệ thống chữ nổi tiêu chuẩn tại Hàn Quốc cho đến ngày nay.
Mặc dù hiện nay, tài liệu âm thanh đang được nhiều người biết đến nhưng do âm thanh chỉ thoáng qua và trôi đi theo thời gian, nên về logic không phù hợp cho việc học tập. Chính vì thế, đối với học sinh hay các nhà trí thức khiếm thị, sách chữ nổi Braille vẫn là thứ không thể thiếu. Park Du-seong chính là nhân vật lịch sử của Hàn Quốc luôn song hành, đi khắp những nơi chốn cần thiết cùng người khiếm thị. Sự hy sinh và những cố gắng của ông vẫn đang đem hy vọng đến cho rất nhiều người.

Lựa chọn của ban biên tập