Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jang Gi-ryeo, một Albert Schweitzer của Hàn Quốc

2012-05-17

<b>Jang Gi-ryeo</b>, một Albert Schweitzer của Hàn Quốc
Nhân vật được kính trọng nhất ở Hàn Quốc

Nếu được học từ thầy dạy nổi tiếng sẽ có được trí tuệ để sống suốt đời. Sở dĩ vì người thầy chính là chiếc kim chỉ nam dẫn dắt chúng ta đi đúng lối, là ngọn đèn thắp sáng cho chúng ta. "Nếu phải chọn ra một người thầy tiêu biểu của Hàn Quốc, bạn sẽ chọn ai?" Đó là câu hỏi khi tiến hành điều tra về "nhân vật được tôn trọng nhất" cho đối tượng là 1500 chuyên gia ở 30 lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, xã hội. Kết quả, mọi người đã chọn tiến sĩ Jang Gi-ryeo là nhân vật được kính trọng nhất trong ngành y. Bên cạnh đó, nhân vật được hơn 800 chuyên gia trong ngành chọn làm danh y hàng đầu qua mọi thời đại của Hàn Quốc không ai khác, cũng chính là tiến sĩ Jang Gi-ryeo. Không biết, vị tiến sĩ Jang Gi-ryeo này là ai mà được người đời sau tôn sùng đến vậy ở Hàn Quốc?

Thầy thuốc thiên tài

Jang Gi-ryeo sinh năm 1911 tại Yongcheon, tỉnh Bắc Pyeongan. Ông từng học qua trường tiểu học Euiseong do chính cha của ông, Jang Un-seop, một nhà Hán học thành lập. Sau đó, năm 1928, ông vào học trường Cao đẳng Y tế Gyeongseong (tiền thân của Đại học Y, thuộc Đại học Seoul ngày nay) và năm 1932 tốt nghiệp với vị trí đầu bảng. Con đường thênh thang đối với một vị bác sĩ như rộng mở, ông bắt đầu bước vào làm việc ở ngành y với vai trò là phụ tá cho phòng nghiên cứu ngoại khoa và rồi làm giảng viên về Ngoại khoa của trường Cao đẳng Y tế Gyeongseong. Thế nhưng, về sau ông đã từ chối cơ hội tiến thân, xây dựng sự nghiệp trở thành giáo sư của trường Cao đẳng Y tế Gyeongseong và vị trí trưởng phòng Ngoại khoa của bệnh viện tỉnh Nam Chungcheong. Đó là vì ông muốn giữ lời thề nguyện từ trước khi vào học Cao đẳng Y tế Gyeongseong, rằng "sẽ hiến dâng cuộc đời vì những con người đang chết dần chết mòn mà chưa bao giờ được gặp thầy thuốc". Năm 1940, ông đã quyết định chuyển về làm việc tại bệnh viện Gihyul, Pyeongyang (Bình Nhưỡng), một bệnh viện của đạo Cơ-đốc. 3 năm sau, ông đã thành công trong ca mổ đầu tiên cắt bỏ khối u của bệnh nhân ung thư gan ở Hàn Quốc, được mọi người biết đến như một thầy thuốc thiên tài. Năm 1947, ông đã đảm nhận làm giáo sư ngoại khoa của đại học Y Pyeongyang kiêm chức vụ trưởng phòng Ngoại khoa của bệnh viện thuộc trường. Tuy nhiên, năm 1950, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu xảy ra, ông đã từ Pyeongyang đi tới Busan, lăn lộn vào cuộc sống của những người dân tị nạn khốn khổ. Năm 1951, nhận được 3 chiếc lều từ quân đội Mỹ, ông đã mở bệnh viện miễn phí có tên là "Bệnh viện Bogeum" (bệnh viện Phúc Âm), trở thành người thầy thuốc luôn phục vụ cho bệnh nhân nghèo khổ.

Đem y thuật làm việc nhân từ

Jang Gi-ryeo đã để lại nhiều giai thoại như bỏ tiền lương của mình ra mua máu, giúp cho bệnh nhân không có tiền được phẫu thuật, chỉ cửa sau cho bệnh nhân không thanh toán nổi viện phí chạy trốn, mua quần áo lót mặc cho bệnh nhân vào mùa đông giá rét v.v... Cũng chính vì thế, ông được người ta gọi với nhiều biệt danh như "Chúa Giê-xu nhỏ bé", "Schweitzer của Hàn Quốc", "Thần y Huh Joon thời nay", "Bác sĩ ngốc" v.v... trở thành một người thầy thuốc nhân từ, an ủi đến cả nỗi lòng cho nhiều bệnh nhân khốn khó. Jang Gi-ryeo đã đem y thuật cứu người với tất cả sự tôn trọng và tình yêu thương con người sâu sắc, ông đã cố gắng hết mình trên mọi phương diện để trở thành một thầy thuốc tài giỏi chân chính, luôn hết lòng vì bệnh nhân.
Jang Gi-ryeo đã dồn toàn tâm toàn lực cho việc nghiên cứu. Năm 1959, khi phương pháp chữa trị các bệnh về gan còn chưa phát triển, ông đã trở thành bác sĩ Hàn Quốc đầu tiên thành công trong việc phẫu thuật cắt gan với phân lượng lớn, mở ra một chân trời mới cho việc điều trị bệnh gan.
Năm 1968, Jang Gi-ryeo còn thành lập nên "Hợp tác xã y tế Chữ thập xanh", một tổ chức bảo hiểm y tế đầu tiên của Hàn Quốc. Tinh thần hoạt động của tổ chức này là "Giúp người khi khỏe mạnh và được giúp khi ốm đau", số tiền phải nộp cho bảo hiểm y tế "Chữ thập xanh" bấy giờ chỉ là 70 won, chưa bằng giá của 1 bao thuốc lá. Song, đây chính là nền tảng, giúp cho sự phát triển của chế độ bảo hiểm y tế toàn dân được đưa vào Hàn Quốc từ rất sớm. Tính đến năm 1989, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 18 trên thế giới, và nước thứ 2 sau Nhật Bản ở khu vực châu Á đưa chế độ bảo hiểm toàn dân vào hoạt động. Với thành tựu này, Jang Gi-ryeo đã thực hiện được tâm nguyện của mình là "Không để xuất hiện trên mảnh đất quê hương những bệnh nhân vì không có tiền mà không đến bệnh viện."

Cuộc sống của sự trong sạch và sẻ chia quanh căn buồng nhỏ trên sân thượng

Do có nhiều hoạt động tình nguyện trong ngành y tế, năm 1979 Jang Gi-ryeo được nhận giải thưởng Magsaysay, năm 1995 nhận giải thưởng "Bác sĩ thực hiện chủ nghĩa nhân đạo"... Đồng thời, sau khi qua đời vào năm 1995, ông cũng đã được truy tặng huân chương Mugunghwa, huân chương nhân dân mang tên quốc hoa của Hàn Quốc, năm 2005 ông được giới thiệu, đưa vào Bảo tàng Vinh danh các nhà Khoa học kỹ thuật... Tuy nhiên, cuộc sống đời tư của Jang Gi-ryeo, có thể nói, lại rất xa vời với hạnh phúc. Thời điểm xảy ra chiến tranh Triều Tiên, ông đã ra đi, để vợ cùng 5 người con ở lại Bắc Triều Tiên và cho đến lúc tạ thế ở tuổi 86, ông vẫn luôn sống một mình, cô đơn trong nỗi nhớ gia đình. Suốt cả đời, Jang Gi-ryeo không có nổi 1 căn nhà riêng cho mình mà ông luôn phải sống tại nơi cư trú của bệnh viện. Vật dụng ông để lại sau khi qua đời chỉ là chiếc áo bác sĩ cũ kĩ, gọng kính đen và 1 tấm ảnh chụp cùng với vợ. Mặc dù vậy, khi đọc những dòng chữ của Jang Gi-ryeo, lại có thể thấy ở ông một khía cạnh khác với cuộc sống đầy cháy bỏng: "Từ ngày trở thành bác sĩ đến nay, chưa ngày nào tôi quên trách nhiệm, trách nhiệm vì những bệnh nhân không có tiền chữa bệnh. Sống mà không bao giờ quên đi cái quyết tâm này, đó chính là thành công của đời tôi, còn nếu như tôi quên thì đó là thất bại." Cả cuộc đời Jang Gi-ryeo đã sống với phương châm "không sở hữu và chỉ phục vụ", ông đã sống như một vị thánh, giống với tên hiệu "Thánh Sơn" của ông - một ngọn núi thánh thiện, ông chính là người thầy ở trong lòng, thức tỉnh cho người Hàn Quốc thấy được ý nghĩa của sự thành công đích thức.

Lựa chọn của ban biên tập