Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hwang Hui, vị quan thanh liêm thời Joseon

2012-05-24

<b>Hwang Hui</b>, vị quan thanh liêm thời Joseon
Ôm lấy thế gian bằng tấm lòng bao dungốc

Ngày nọ, có hai người hầu gái cãi nhau ầm ĩ. Một người lẹ chân, lao đi mách chủ. Nghe chuyện, ông chủ gật gù bảo "Ừ, ngươi nói đúng, đứa kia sai rồi." Vừa lúc, người kia cũng chẳng chịu thua, chạy lại kể tội đối phương. Ông chủ nghe rồi lại nói "Ừ, lời người đúng đấy, thì ra đứa kia sai rồi." Vợ ông chủ ngồi bên thấy vậy mới trách rằng: "Ở trong nhà mà ông còn thế này thì làm đại thần, coi việc trọng đại của quốc gia ra sao nhỉ?" Lần này, ông chủ không cho đó là đúng nữa, ông nghiêm mặt nói: "Người hầu cũng là bá tính do ông trời sắp đặt trên mảnh đất này, sao có thể khắt khe suốt ngày với họ được?" Ông chủ đó chính là người luôn giữ vững niềm tin và nguyên tắc trong những trọng trách chính trị, một vị tể tướng biết lãnh đạo bằng sự bao dung, có tinh thần nhân văn và lòng yêu dân sâu sắc. Tên của ông là Hwang Hui, tể tướng nổi tiếng nhất trong suốt 500 năm tồn tại của triều Joseon.

Quyết định ra làm quan

Hwang Hui sinh năm 1363 tại Gaeseong, là con trai của Hwang Gun-seo, một viên quan địa phương chức Đại Đô hộ Phủ sứ cùa vùng Gangneung. Ông vốn ra làm quan từ giai đoạn cuối của thời Goryeo. Năm 1389, năm thứ nhất triều vua Changwang (Xương Vương), vua đời thứ 33 của Goryeo, ông đã đỗ kỳ Khoa cử, từng được học tại "Học quán" của trường Sunggyungwan, cơ quan đào tạo lớn nhất lúc bấy giờ.
Hwang Hui đã nuôi giấc mơ lập thân dựng nghiệp, nhưng khi Goryeo bị diệt vong, Thái Tổ Yi Seong-gye lập nên triều đại mới là Joseon, ông cùng một số quan lại cũ của triều trước bỏ đến Dumun-dong, núi Songak để ẩn cư. Tuy nhiên, Thái Tổ Yi Seong-gye của triều Joseon vừa mới gây dựng cơ nghiệp, đang rất cần những nhân tài trẻ tuổi, có năng lực như Hwang Hui và vua đã tha thiết yêu cầu ông cùng đứng lên, chung tay góp sức xây dựng trang sử mới cho đất nước. Các vị nguyên lão công thần của triều Goryeo cùng ẩn cư với Hwang Hui ở Dumun-dong cũng thuyết phục ông ra làm quan. Họ nói "Việc anh cùng chết với chúng tôi ở đây cũng là việc nghĩa, nhưng nếu anh đứng ra coi việc chính sự vì bá tính, những người không liên quan gì đến sự đổi thay triều đại thì đó cũng là việc làm chính đáng." Rốt cuộc, khó khăn lắm Hwang Hui mới có được quyết định ra làm quan cho triều Joseon.

Một nhà chính trị luôn giữ vững nguyên tắc và niềm tin

Dưới triều Joseon, Hwang Hui đã trải qua làm việc ở nhiều bộ phận như "Trực nghệ văn Xuân thu quán" - cơ quan ghi chép về chính sự, giám sát của "Ti hiến phủ" - cơ quan bàn luận việc chính sự, rồi sau đó làm ở các bộ Hình, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Lại v.v... Ông là người đã phát huy khả năng, có ảnh hưởng lớn trong việc giữ gìn đất nước ổn định vào giai đoạn đầu của thời kỳ Joseon. Hwang Hui đã để lại nhiều công lao to lớn như tăng cường củng cố quốc phòng, mở rộng bờ cõi thêm 4 quận 6 trấn, cải tiến nông nghiệp v.v... Dưới thời vua Sejong (Thế Tông) ông làm "Hữu nghị chính" - chức quan nhất phẩm, "Lĩnh nghị chính" - chức quan đứng đầu của Euijeongbu (Nghị chính phủ), cơ quan hành chính tối cao của Joseon và trở thành viên quan tể tướng thanh liêm, cống hiến, chăm nom cho bá tính trong suốt thời gian 18 năm.
Bên cạnh đó, Hwang Hui cũng là người không hề đánh mất đi nguyên tắc hay lòng tin của mình trong các công việc chính trị. Khi vua Taejong (Thái Tông), vua đời thứ 3 của Joseon muốn phế con trưởng là hoàng tử Yangnyeong (Nhượng Ninh đại quân) để sắc phong ngôi vị thế tử cho con thứ 3 là hoàng tử Chungnyeong (Trung Ninh đại quân, sau này trở thành vị vua Sejong vĩ đại của Joseon), Hwang Hui chính là người đã cương quyết chủ trương theo nguyên tắc "con trưởng kế thừa", nghĩa là chỉ có con trưởng của chính thất mới được kế thừa ngôi vua. Theo ông, nếu phá vỡ nguyên tắc này, vương triều vừa được dựng nên có thể sẽ lại bị lung lay. Vì lo cho đất nước, ông đã kiên quyết với chủ trương của mình, khiến vua Taejong nổi giận, đã có lúc bắt ông phải đi đày. Do là người có nghĩa khí, chỉ nói lời ngay thẳng nên trong quá trình làm quan cho triều Joseon, Hwang Hui đã 2 lần bị giáng chức, và phải đi đày trong khoảng 4 năm.

Thể hiện tài năng lãnh đạo chân chính

18 năm đứng đầu Euijeongbu (Nghị chính phủ), điều hành nội các, Hwang Hui chưa bao giờ sinh lòng tham riêng. Ông đã cho thấy một cuộc sống rất đỗi liêm khiết, trong sạch, chỉ sống dưới một mái nhà tranh, tự chăm sóc lấy vườn rau của mình và có mỗi 1 bộ quan phục. Tuy vậy, ông lại chính là người đã đem đến cho Joseon một hình thức tuyển chọn nhân tài mới có tên gọi "Hành đồ tiến pháp" – hình thức bỏ qua yếu tố thân phận, chú trọng vào năng lực để tuyển người. Một trong số các nhân tài được trọng dụng nhờ hình thức tuyển người này chính Jang Yeong-sil, nhà khoa học nổi tiếng hàng đầu của Joseon. Dù xuất thân là nô lệ nhưng dựa vào chính tài năng của mình Jang Yeong-sil vẫn được phong làm "Đại hộ quân", chức quan tam phẩm của Joseon.
Đánh giá về Hwang Hui, sử sách Hàn Quốc có ghi lại rằng, "Hwang Hui tính tình rộng lượng, tử tế với mọi người và cũng rất cẩn thận. Là một vị tể tướng có con mắt nhìn đời và suy nghĩ sâu sắc. Chăm lo cho việc nhà thì giản dị, thường không biểu lộ cảm xúc vui vẻ hay cáu giận ra ngoài. Khi bàn bạc về công việc thì luôn công minh chính đại, cố gắng giữ đúng mọi điều theo nguyên tắc." Trở thành vị tể tướng tài ba, một viên quan thanh liêm được mọi người công nhận, năm 1452, Hwang Hui đã qua đời ở tuổi 90. Tất cả người dân Joseon, ai nấy đều rơi nước mắt thương tiếc ông và đến nay, vẫn có thể xem ông là nhân vật làm việc nhà nước được tôn kính nhất trong lịch sử của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập