Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Nhà sư Gyeong Huh, ngôi sao mai của Phật giáo Hàn Quốc thời cận đại

2012-05-31

Nhà sư <b>Gyeong Huh</b>, ngôi sao mai của Phật giáo Hàn Quốc thời cận đại
Tinh thần còn sống mãi của Phật giáo Hàn Quốc

"Nếu thiền sư Gyeong Huh còn sống, tôi muốn làm đệ tử của người" - Đó là lời bày tỏ sự tôn kính trước một nhà sư Hàn Quốc của Robert Thurman, giáo sư Đại học Columbia, một học giả về tôn giáo nổi tiếng thế giới từng được tạp chí Time bình chọn nằm trong số 25 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ năm 1997.
Giáo sư Thurman là một trong những người phương Tây đầu tiên thụ giới, trở thành tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng, sống như một Phật tử và ông đã coi Gyeong Huh của Hàn Quốc là nhà sư mà ông ngưỡng mộ nhất. Không biết vì lý do gì mà dù đã nhập cõi niết bàn được hơn 100 năm nay, nhà sư Gyeong Huh vẫn được nhiều người trong và ngoài nước tôn kính đến vậy?

Giác ngộ của người một lòng cầu đạo

Gyeong Huh sinh năm 1846 tại Jeonju, tên thường gọi thủa nhỏ là Dong-uk. Năm lên 9 tuổi cắt tóc đi tu ở chùa Cheonggye (Thanh Khê tự) tại Gwajeon. Do trong nhà có người anh là Tae Huh cũng từng tu hành ở chùa Magok nên con đường xuất gia của Gyeong Huh trở nên rất tự nhiên. Năm 14 tuổi, sau quãng thời gian 5 năm theo học thiền sư Gye Huh, ông đã đến với chùa Donghak (Đông Hạc tự) ở núi Gyeryong. Tại đây, từ thiền sư Man Hwa (Vạn Hóa), người nổi tiếng nhất thời Joseon về giảng đạo, ông đã được học tất cả về kinh Phật lẫn các tư tưởng của Nho giáo và Đạo giáo. Gyeong Huh thông minh khác người, mới 23 tuổi ông đã được tôn làm "Giảng bá", tiếp nối cho thầy Man Hwa để giảng kinh trên các giảng đường thuyết pháp lớn.
Năm 1879, Gyeong Huh đi thăm thầy cũ của mình là Gye Huh, người đã chỉ bảo, chăm sóc tận tình cho ông lúc mới quy y. Trên đường đi, vào một đêm giông bão, tại một ngôi làng tang tóc do mắc bệnh dịch tả ở Cheonan, ông đã cảm nhận được nỗi lo sợ đến cực độ của con người khi phải đối mặt với bóng tối của tử thần. Chính giây phút đó, ông đã hiểu ra rằng kiến thức Phật học mà ông vẫn giảng dạy rằng "sinh và tử như đám mây trôi, sinh và tử không phải là hai điều riêng biệt", nay trước ngưỡng cửa của sự sống và cái chết cũng chỉ là dòng chữ trên giấy mà thôi.
Gyeong Huh đã trở về chùa Donghak và một lòng "dũng mãnh tinh tấn" - tham thiền tu đạo. Sau 3 tháng tọa thiền, ông đã giác ngộ được rằng, "cho dù thành bò cũng phải làm một con bò không có lỗ mũi", nghĩa là phải trở thành một thể tồn tại vượt lên trên sự sống và cái chết, tìm đến với cái tự nhiên vốn có, thoát khỏi mọi rào cản và suy nghĩ phiến diện. Sau đó, ông đã chuyển về am Cheonjang để tiếp tục học tập, nghiên cứu. Năm 1884, ông dạy cho 3 đệ tử là Mangong (Mãn Không), Hyewol (Tuệ Nguyệt) và Suwol (Thủy Nguyệt), tiếp nối, khôi phục lại dòng thiền của Phật giáo Hàn Quốc vốn bị đứt đoạn sau thời của đại sư Seosan (Tây Sơn đại sư - một nhà sư có công lớn trong cuộc chiến chống Nhật Bản năm Nhâm Thìn 1592). Năm 1886, Gyeong Huh thường xuyên qua lại các chùa Gaesim và Buseok ở tỉnh Nam Chungcheong để giảng dạy cho sư tăng thế hệ sau và tiến hành giáo hóa, quảng bá phương pháp tu thiền trong Phật giáo. Bên cạnh đó ông đã xây dựng nên nhiều thiền viện ở khắp nơi trên cả nước, trong đó có thiền viện ở chùa Beomeo (Phạm Ngư tự), thiền viện đầu tiên của vùng Gyeongsang, miền Đông Nam của Hàn Quốc. Gyeong Huh đã phục hưng Phật giáo Thiền tông của Hàn Quốc vốn bị tan rã trong thời Joseon. Một năm hai lần, vào mùa hạ và mùa đông, ông cho khôi phục lại truyền thống "Angeo" (An cư) - hình thức tu hành tại một địa điểm trong một khoảng thời gian nhất định của các vị sư tăng...
Tuy được coi là người góp công đầu phục hưng cho Phật giáo Thiền tông của Hàn Quốc, nhưng cũng có rất nhiều quan điểm nhìn nhận trái ngược nhau khi đánh giá về thiền sư Gyeong Huh.

Tính lập dị cũng là điều giác ngộ

Cuộc đời của thiền sư Gyeong Huh là cả một chuỗi nhiều điều kỳ dị. Ông đã có những hành động kỳ lạ như uống rượu hay bỗng nhiên hôn nhau với phụ nữ khi vẫn đang đi cùng các đệ tử. Người đời vin vào đó mà gọi ông là sư phá giới, nhưng những hành động này, thực tế lại được coi là một phương thức tu hành, trải nghiệm xem lòng có bị lung lạc hay không khi làm chuyện xấu. Đó chính là sự tự chọn lấy con đường chông gai, chịu để coi là kẻ dị giáo nơi cửa thiền của Gyeong Huh. Cả đời ông, với sự phá cách, đã luôn từ chối cuộc sống ổn định, nằm bó trong khuôn khổ của những tư tưởng hay danh phận để hướng tới việc phổ biến hóa, đưa chữ "thiền" vào cuộc sống hàng ngày.
Về cuối đời, Gyeong Huh đã giấu mình tại tỉnh Bắc Pyeongan và Nam Hamgyeong. Ông để tóc, mở trường lớp để dạy học cho lớp trẻ và rồi qua đời vào năm 1912 như một ông lão giản dị ở vùng quê. Mặc dù vậy, ông đã đào tạo nên các cao tăng mà sau này, sau năm 1954 chính lại là những người đi đầu trong phong trào thanh lọc Phật giáo, rũ sạch tàn dư phong kiến của Phật giáo thời Joseon, viết nên trang mới cho lịch sử Phật giáo Hàn Quốc hiện đại. Vì thế, có thể xem Gyeong Huh là một nhà sư đột nhiên xuất hiện trên mảnh đất đầy biến động của giai đoạn cuối thời Joseon và bằng vào sự giác ngộ sáng suốt, ông đã làm sáng lên ngọn đèn "Thiền" đang le lói của Phật giáo Hàn Quốc. Ông chính là đóa hoa sen nằm giữa ao bùn mà không hề bị vấy bẩn.

Lựa chọn của ban biên tập