Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kim Jeom-dong, nữ bác sĩ đầu tiên của Hàn Quốc

2012-06-21

<b>Kim Jeom-dong</b>, nữ bác sĩ đầu tiên của Hàn Quốc
Mở đường cho người phụ nữ Hàn Quốc

Ngày nay chỉ mắc bệnh cảm cúm, người dân Hàn cũng tìm tới bệnh viện trong khi hơn 100 năm trước, thủa y học phương Tây mới bắt đầu vào Hàn Quốc, bác sĩ phương Tây với chiếc kim tiêm và dao mổ trên tay lại được coi là những kẻ đáng sợ. Bấy giờ, đối với phụ nữ sự thể còn tệ hại hơn. Do chịu ảnh hưởng từ tư tưởng phân biệt nam nữ trong Nho giáo, việc bắt mạch cho phụ nữ còn không được tự do huống hồ để cho thầy thuốc thấy các bộ phận đau yếu trên cơ thể. Mỗi khi mắc bệnh, người phụ nữ chỉ có nước chờ chết với mấy lần cúng tế "Gut" theo tín ngưỡng dân gian của thầy cúng. Tuy vậy, cùng thời điểm này, tại Hàn Quốc lại xuất hiện một vị bác sĩ chuyên tâm, cả đời luôn phục vụ cho các nữ bệnh nhân. Đó chính là Kim Jeom-dong, nữ bác sĩ đầu tiên của Hàn Quốc.


Một học sinh trường Ewha ôm giấc mơ trở thành bác sĩ h

Kim Jeom-dong sinh năm 1879 tại Jeong-dong, Seoul. Tháng 11 năm 1886 bà đã vào học trường học Ewha, trường nữ sinh đầu tiên trong thời cận đại của Hàn Quốc. Mặc dù là con gái út trong một gia đình nghèo có 4 chị em gái, nhưng Kim Jeom-dong đã trở thành người thứ tư nhập học vào trường Ewha, nhanh chóng học được nhiều kiến thức mới như kinh thánh, chữ Hangeul, số học và Hán văn. Tất cả đều nhờ vào cha cô là người tiến bộ, sớm tiếp xúc với luồng tư tưởng phương Tây khi làm việc tạp vụ cho nhà truyền đạo Henry Gerhard Appenzeller.
Kim Jeom-dong đặc biệt rất giỏi tiếng Anh. Trình độ tiếng Anh vượt trội của bà đã được phát huy khi bà gặp Rosetta Sherwood Hall, một nữ bác sĩ đến Joseon từ Mỹ để tiến hành công tác truyền giáo và y tế. Lúc bấy giờ, hiệu trưởng của trường Ewha, bà Mary Fletcher Benton Scranton đã giới thiệu Kim Jeom-dong làm phiên dịch giúp cho Rosetta Sherwood Hall trao đổi với người Hàn khi đi vào hoạt động về y tế. Đảm nhận vai trò phiên dịch nên ban đầu, lúc mới tiếp cận với y học phương Tây, Kim Jeom-dong hầu như không quan tâm và chỉ tập trung vào việc phiên dịch. Nhưng rồi, sự nghiệp của bà đã hoàn toàn thay đổi sau khi bà được chứng kiến một ca mổ hàm ếch hoàn hảo, không một vết sẹo của bác sĩ Rosetta Sherwood Hall. Sở dĩ, lúc bấy giờ hở hàm ếch vẫn được coi là dị tật không thể chữa trị, cho nên Kim Jeom-dong đã có ấn tượng rất sâu sắc trước ca mổ thay đổi được hoàn toàn cuộc đời một cô bé vốn xác định sống vĩnh viễn với tật nguyền. Bà bắt đầu học về ngành y với quyết tâm giúp cho nhiều người thoát khỏi khổ đau bệnh tật.


Từ Kim Jeom-dong thành Park Esther

Rosetta Sherwood Hall ủng hộ quyết tâm của Kim Jeom-dong. Vị nữ bác sĩ này đã dạy cho bà về y học, đồng thời cũng giới thiệu cho bà một người để kết hôn. Đó chính là Park Yu-san, chàng trai người Joseon từng giúp đỡ công việc y tế và truyền giáo cho Willam James Hall, chồng của Rosetta Sherwood Hall. Năm 1893, nhờ sự mai mối của 2 vợ chồng nhà truyền đạo người nước ngoài, Kim Jeom-dong đã tổ chức lễ cưới tại nhà thờ theo kiểu phương Tây đầu tiên trong lịch sử của Hàn Quốc. Sau lễ cưới bà được gọi tên theo họ chồng là Park kết hợp với tên thánh của bà là Esther thành Park Esther.
Qua năm kế tiếp, bác sĩ Rosetta Sherwood Hall trở về Mỹ sau khi chồng qua đời và Park Esther cũng đã cùng chồng đi theo bác sĩ, lên đường du học. Park Esther cho thấy tài năng vượt bậc của bà trong quá trình học trung học ở Mỹ và bà đã nhập học, trở thành sinh viên trẻ nhất của trường Đại học Y dành cho nữ giới Baltimore. Yêu quý tài năng của vợ, Park Yu-san chính là người mong vợ trở thành bác sĩ hơn ai hết. Ông đã làm việc tại một nông trang ở New-york để giúp đỡ, hỗ trợ cho vợ. Tuy nhiên, thật không may, nửa năm trước khi Park Esther tốt nghiệp, ông đã bị nhiễm lao phổi và qua đời tại Mỹ, không được chứng kiến ngày vợ trở thành bác sĩ.


TChiến đấu chống mê tín, chống ma bệnh

Trước cái chết bất ngờ của Park Yu-san, dù rằng muốn rũ bỏ tất cả, nhưng tháng 6 năm 1900, theo lời dặn "nhất định phải trở thành bác sĩ" của chồng, Park Esther đã tốt nghiệp, trở thành người phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên nhận học vị bác sĩ y khoa. Sau đó, bà đã trở về nước, làm việc tại "Bogu Yeogwan" (Bảo cứu nữ quán), bệnh viện chuyên dụng cho nữ giới do vua Gojong (Cao Tông, vua đời thứ 26 của Joseon) sắp đặt gần Dongdaemun (Đông Đại Môn, Seoul). Năm đầu làm việc, chỉ trong vòng 10 tháng bà đã chăm sóc được tới hơn 3.000 bệnh nhân. Lúc này bà đã trở thành nguồn hy vọng duy nhất cho bệnh nhân nữ giới, những người không được chữa trị đầy đủ do quan niệm xưa, quan niệm không được để bác sĩ nam giới khám trên cơ thể họ. Chính vì thế, ở đâu có bệnh nhân nữ giới cần là Park Esther tìm đến cứu chữa. Năm 1901, khi bác sĩ Rosetta Sherwood Hall quay trở lại Joseon, xây dựng bệnh viện ở Pyeongyang (Bình Nhưỡng), bà đã chuyển về hợp sức với người đã dẫn dắt mình vào ngành y. Tại đây, bà đã đi khắp các tỉnh Pyeongan và Hwanghae, khám bệnh miễn phí cho những phụ nữ không được hưởng quyền lợi chăm sóc về y tế. Nhờ đó, bà đã được vua Gojong ban tặng một tấm huy chương bạc để ghi nhớ công lao của bà.
Mặc dù nhiệt tình dấn thân vào hoạt động y tế tình nguyện, cứu giúp mọi người nhưng có một điều Park Esther đã quên mất. Đó chính là do mải mê chữa trị cho người khác mà bà đã không chăm nom tới bản thân chính mình. Vì thế, năm 1910 bà cũng mắc phải căn bệnh lao phổi giống chồng của bà và đã qua đời khi mới 33 tuổi.
Park Esther giống như một tia nắng tỏa sáng trong giai đoạn còn chưa có đội ngũ nữ giới làm y tế trên bán đảo Hàn Quốc. Trong lúc việc đến trường là rất khó đối với phụ nữ thì bà đã du học sang tận Mỹ để rồi trở về cống hiến cả cuộc đời cho hoạt động xã hội và y tế tình nguyện. Park Esther có thể so sánh giống như một nữ "Albert Schweitzer" (thầy thuốc, nhà triết học, thần học nổi tiếng người Đức) của Hàn Quốc. Tinh thần của người thầy thuốc và công lao đóng góp của bà đã được người đời sau nhìn nhận lại và bà đã được đưa tên vào Bảo tàng vinh danh các nhà khoa học kỹ thuật Hàn Quốc trong đợt thứ 16 vào năm 2006.

Lựa chọn của ban biên tập