Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Nhà thơ Jo Ji-hoon, người thăng hoa dư âm cho điệu múa Seungmu

2012-07-19

Nhà thơ <b>Jo Ji-hoon</b>, người thăng hoa dư âm cho điệu múa Seungmu
Thiên tài thơ phú mới 19 tuổi đã viết nên tác phẩm "Seungmu"

Thời điểm năm 1938, tại chùa Yongju (Long Châu tự), tỉnh Gyeonggi, có một người, dù ở độ tuổi thanh niên nhưng lại bị cuốn hút vào "Seungmuje" (Tăng vũ tế), lễ hội múa dân gian mang màu sắc Phật giáo truyền thống của Hàn Quốc. Để thể hiện nỗi khổ tâm phiền não do chưa đạt tới cảnh giới của việc tu hành, điệu múa của nhà sư trong trang phục tăng ni dài tay vẫn vung lên những đường trắng giao cắt vào cõi hư không, khi trầm lắng, lúc vùng lên mãnh liệt. Chính điệu múa này đã khiến cho chàng trai trẻ ngẩn ngơ, đã về khuya mà không nỡ rời chùa. Kết quả có đâu ngờ là những giai điệu tưởng như không ai cắt nghĩa được khi đó, một năm sau đã được đưa vào thành những vần thơ.

Khăn quấn đầu bằng tấm lụa mỏng, gấp ngay ngắn tựa cánh bướm trắng
Đầu cạo xanh giấu dưới làn lụa sa mỏng,
Ánh trăng chảy trên hai gò má mới thực đẹp mà buồn.
Đêm về trên đài trống vắng, ngọn nến sáp vẫn cháy âm thầm cho ánh trăng rớt xuống từng chiếc lá ngô đồng,
Tay áo dài phất lên làm bầu trời rộng lớn như đảo ngược, chiếc tất nhỏ nhắn thanh thoát cất bước theo chân.
Khẽ đưa mắt nhìn, hướng về một ánh sao xa xa trên trời,
Đôi má đẹp tựa hoa đào được tô điểm thêm hai giọt lệ
Kẻ mắc vào vòng thế sự mà phiền não lại lung linh như ánh sao.


Thoạt đầu mới đọc thơ, ta như được xem một đoạn phim có màn trình diễn múa đang hiện ra trước mắt, nhưng rồi càng ngâm nga sẽ lại mới thấy đây là một bài thơ rất gần với nỗi khổ đau, phiền não của người tu hành. Sự phiền não đó xuất hiện chính ngay trong cái đẹp của chữ "thiền" cùng với những nhịp điệu mang tính truyền thống của Hàn Quốc. "Seungmu" (Tăng vũ), điệu múa của người tu hành là tác phẩm nổi tiếng được nhà thơ Jo Ji-hoon dồn tâm huyết sáng tác khi chỉ mới 19 tuổi.

Con đường làm thơ từ nhỏơ

Jo Ji-hoon tên thật là Dong-tak, sinh ngày 3/12/1920 tại Yeongyang tỉnh Bắc Gyeongsang. Từ nhỏ ông đã được học Hán học với ông nội là Jo In-seok và cha là Jo Heon-yeong. Sau khi học xong 3 năm tại trường phổ thông cơ sở Yeongyang, năm 1941, lúc 21 tuổi ông đã tốt nghiệp Văn khoa trường Cao đẳng Chuyên nghiệp Hyehwa (Nay là đại học Dongguk). Vốn sinh ra trong một gia đình học giả coi trọng những giá trị truyền thống nhưng từ khi lên 9 tuổi, Jo Ji-hoon đã bắt đầu viết lách, sáng tác các bài thơ thiếu nhi, đặc biệt ông đã sớm được tiếp cận với văn hóa phương Tây, được đọc các tác phẩm thiếu nhi như "Peter Pan", "Con chim xanh", "Hoàng tử hạnh phúc" v.v... những tập truyện mà bằng tuổi ông lúc bấy giờ không mấy ai có được. Sớm có duyên với việc sáng tác, năm 1931 Jo Ji-hoon đã cùng anh là Jo Se-rim xây dựng nên "Hội Tháp Hoa" và xuất bản ra tập thơ văn cùng tên dành cho đối tượng thiếu niên quanh vùng. Từ khoảng năm 1934, ông đã bắt đầu tập tành làm thơ.
Năm 1936, sau khi lên Seoul, ông đã chính thức đến với thế giới thơ ca, viết nên các tác phẩm đầu tay như "Xuân nhật" (Ngày xuân), "Phù thi" (Xác nổi). Tháng 4 năm 1939, ông đã đăng đàn, được giới thiệu trên tạp chí "Văn Chương" với tác phẩm "Cổ phong y thường" (Trang phục cổ), một tác phẩm thể hiện về hình tượng người phụ nữ của Hàn Quốc.

Công bố tác phẩm thơ kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và sức sống của tiếng Hàn

Jo Ji-hoon luôn ngợi ca văn hóa truyền thống của dân tộc Hàn một cách hết sức tao nhã và tinh tế. Tháng 11 năm 1939 ông công bố tác phẩm "Seungmu" (Tăng vũ), tiếp đó, năm 1940 cho ra đời tác phẩm "Phượng hoàng sầu". Những năm 1940, khi thực dân Nhật thực hiện chính sách thủ tiêu tiếng Joseon (tiếng Triều Tiên), ông đã thổi một luồng gió mới thật ấm áp vào tiếng quốc ngữ bấy giờ đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc.
Thực tế, tác giả Jo Ji-hoon từng bị cuốn hút vào nghiên cứu tiếng Hàn với việc sửa chữa bản thảo cho cuốn cuốn đại từ điển của Học hội tiếng Joseon (Triều Tiên ngữ học hội) vào năm 1942. Cũng trong năm đó, ông đã phải chịu nhiều nỗi khổ cực, bị bắt về điều tra trong sự kiện Học hội tiếng Joseon, một sự kiện đàn áp, bắt bớ các học giả nghiên cứu chữ quốc ngữ, thực hiện chính sách tiêu diệt tinh thần dân tộc Hàn của thực dân Nhật. Sau đó ông đã phải tránh về nông thôn ở một thời gian. Cũng nhờ vậy, ông gặp được thi nhân Park Mok-wol, được giao lưu và chia sẻ tâm sự để rồi đến năm 1946, ông cùng với Park Mok-wol và Park Du-jin xuất bản ra tập thơ Cheongrok (Thanh Lộc tập), tập thơ trữ tình tiêu biểu của Hàn Quốc.

Một nhà thơ của ý chí tiết tháo

Giai đoạn tiếp theo, Jo Ji-hoon xuất bản nhiều tập thơ như "Đoạn văn về lá cỏ", "Tuyển tập thơ Jo Ji-hoon" (Jo Ji-hoon thi tuyển). Bên cạnh đó, ông còn có nhiều hoạt động trên các lĩnh vực khác như làm thành viên ban biên soạn sách giáo khoa quốc ngữ của Học hội Hangeul, tham gia vào biên soạn nên các cuốn sách giáo khoa quốc ngữ, lịch sử đầu tiên của Hàn Quốc hoặc giảng dạy cho các thế hệ lớp sau tại trường Đại học Korea và đóng góp tích cực cho xã hội cũng như cho lịch sử của dân tộc v.v...
Giai đoạn cuối thời kỳ tồn tại của đảng Tự Do, chính trị Hàn Quốc trở nên hết sức hủ bại. Jo Ji-hoon đã viết bài "Chí tháo luận" (Bàn về chí khí tiết tháo) một bài xã luận kịch liệt lên án tính vô nguyên tắc của giới cầm quyền cũng như sự không biết hối cải trước quá khứ, dám tham gia vào các hoạt động chính trị hàng đầu của bè lũ thân Nhật... Ông đã cho thấy khí tiết vững vàng, cứng cỏi, lòng can đảm chống lại nền chính trị độc tài của mình.
Jo Ji-hoon đã sống cuộc sống của một nhà thơ, một vị học giả luôn có chí khí, không hề bị lung lạc hay khuất phục trước bất kỳ điều gì và ông đã từ trần vào ngày 17/5/1968. Mặc dù cuộc sống ngắn ngủi, qua đời khi mới chỉ 48 tuổi, nhưng ông đã khẳng định được vị trí của mình trong lịch sử văn học Hàn Quốc, được coi là "nhà thơ nhân dân" để lại nhiều tác phẩm quý báu được dân tộc Hàn yêu chuộng. Các tác phẩm của ông vẫn tinh tế như những hạt sương lung linh và có tầm vóc như những cây đại thụ, luôn tỏa sáng trên văn đàn Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập