Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jo Shik, người biến trí tuệ thành hành động dưới thời Joseon

2012-07-26

<b>Jo Shik</b>, người biến trí tuệ thành hành động dưới thời Joseon
Biểu tượng của người trí thức luôn hành động

Thế kỷ 16 ở Hàn Quốc, nhân vật lịch sử Jo Shik, hiệu Nam Minh cùng với nhà Nho học nổi tiếng Thối Khê Yi Hwang là 2 ngọn thái sơn của phái Yeongnam, học phái Nho học truyền thống tiêu biểu của tỉnh Gyeongsang. Jo Shik luôn yêu cầu mọi người rằng dù ông còn sống hay đã chết cũng chỉ nên gọi ông là cư sĩ. Sở dĩ, cả đời ông không muốn làm quan, mà chỉ muốn sống ẩn dật nơi thôn dã để mà trau dồi học vấn. Mặc dù có kiến thức uyên thâm, là một nhà nho lớn, cùng với nhà nho Yi Hwang là 2 viên ngọc sáng của Joseon, nhưng Jo Shik đã từ chối tất cả mọi chức tước quan lại để không ngừng tu dưỡng, giữ cho mình trong sạch.
Tuy nhiên, Jo Shik không phải là học giả chỉ tìm kiếm những con đường trên sách vở. Ông luôn mang theo hạt chuông để mỗi bước chân đi nghe thấy tiếng chuông mà tự giác ngộ, kiểm điểm lại bản thân hay cũng luôn đeo dao bên mình phòng khi nảy lòng tham ích kỷ thì chặt xuống cho tiêu tan. Ông chính là trí tuệ suốt đời đứng lên đả phá sự hủ bại của những kẻ có quyền lực.

Từ bỏ quan tướcơ

Sinh năm 1501 tại Todong, huyện Samga nay là địa phận thuộc huyện Hapcheon tỉnh Nam Gyeongsang, Jo Shik vốn là con trai thứ hai của Jo Eon-hyeong, một quan văn của triều Joseon. Năm ông lên 5 tuổi cha của ông đã thi đỗ trạng nguyên trong kỳ thi văn khoa và ra làm quan nên gia đình ông đã chuyển về Seoul. Sau đó, cha ông làm quan ở đâu thì ông đều đi theo và vẫn luôn tập trung vào việc học hành. Đặc biệt, năm 15 tuổi, ông theo cha đi làm thái thú huyện Dancheon tỉnh Hamgyeong và tại đây ông đã học được nhiều kiến thức như kinh điển của Nho giáo, thiên văn, địa lý, y học, binh pháp v.v... Trong quá trình sống ở quan nha địa phương ông thấy được nỗi khổ của dân chúng và bắt đầu tìm cách vận dụng tri thức để giải quyết khó khăn cho họ.
Jo Shik học tập rất chăm chỉ và năm 20 tuổi ông đã đỗ cả 2 kỳ thi Sinh viên và Tiến sĩ của triều Joseon. Tuy nhiên, năm 1519, xảy ra sự kiện "thảm họa của kẻ sĩ năm Kỉ Mão" với việc phái công thần thủ cựu (huân cựu phái) thanh trừng giới nho sĩ cấp tiến đứng đầu là Jo Gwang-jo. Lúc bấy giờ cả gia đình người chú của Jo Shik là Jo Eon-gyeong cũng gặp họa diệt vong, bản thân cha của ông cũng bị bãi chức nên ông chỉ còn biết than trách thế sự đảo điên mà bỏ về quê. Thế rồi ông đọc được lời của học giả Hứa Hành của nhà Nguyên, Trung Quốc viết trong cuốn "Tính lí đại điển" (Sách về Tống Nho) rằng "Đại trượng phu ra làm quan mà không làm gì, ở nơi thảo dã mà không giữ được ý chí tiết tháo thì lập chí và trau dồi học vấn để mai sau làm gì?" Từ đó ông mới hiểu ra, năm 25 tuổi thay vì tham dự kỳ thi để tiến thân làm quan ông đã dồn toàn tâm cho việc học các tư tưởng căn bản của Nho học.

Một nhà Nho đem dao bên mình

Năm 1526, cha Jo Shik đột nhiên qua đời. Sau 3 năm để tang cha, ông đã cùng gia đình chuyển về Gimhae, nơi có gia đình đằng nhà vợ ông sinh sống. Tại đây ông đã xây dựng một nhà đọc sách gọi là Sanhaejeong (Sơn Hải Đình). Năm 48 tuổi, ông trở về quê, xây Noeryongjeong (Lôi Long Đình) để vừa dạy học trò vừa học tập, nghiên cứu.
Nếu như danh nho Yi Hwang (Thối Khê) là người đã nhấn mạnh và gắn kết vũ trụ luận trong Tống Nho (còn gọi là Lý học) của Trung Quốc vào các vấn đề tâm tính của con người thì Jo Shik lại hoàn toàn khác. Ông là người coi trọng thực tiễn, khắc phục cho những gì chỉ mang tính quan niệm của Tống Nho. Với ông, chỉ biết nhiều kiến thức thì chưa đủ, phải xây dựng được một thái độ học tập trong sáng, nhất định không thỏa hiệp với điều bất nghĩa, coi việc "phản cung thể nghiệm" - trải nghiệm qua cái nghèo khổ và "trì kính thực hành" - thực hiện cung kính đối với người lớn, bề trên là những việc quan trọng và phải có sự điều chỉnh triệt để, thực hiện nhất quán những điều này trong cuộc sống đời thường.
Lấy việc phê phán hiện thực và tư tưởng "kinh thế tế dân" làm căn bản, Jo Shik đã vạch ra đường hướng, lối đi cho các học giả của Joseon vào thế kỷ 16. Tên tuổi của ông đã lan đi khắp nơi và tin đồn "có một học giả có khả năng xuất chúng nhờ lâu năm toàn tâm trau dồi, tích lũy kiến thức" cũng đã khiến triều đình Joseon phải đặc biệt quan tâm, bổ nhiệm ông vào nhiều chức quan như "Điển sinh thự chủ bộ", "Tạo chỉ thự ti chỉ" v.v... Tuy nhiên, lần nào Jo Shik cũng chối bỏ. Năm 1555 khi được đề nghị làm huyện giám của vùng Danseong, ông cũng đã dâng sớ xin rút lại việc phong chức quan. Bản sớ khi đó được gọi là "Danseong sớ" (Đan Thanh sớ) đã làm rung chuyển cả triều đình Joseon. Sở dĩ, trong bản sớ ông đã đả phá vào hệ thống quyền lực thối nát, có những biểu hiện coi vua Myeongjong (Minh Tông, vua đời thứ 13 của Joseon) là cô nhi, coi thái hậu Munjeong (Văn Trinh vương hậu) người thay con nhiếp chính, cai trị đất nước là quả phụ v.v... Bản sớ của ông đã khiến ông trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi và tên tuổi của ông cũng theo đó ngày càng bay xa.

Truyền thụ lại cho đời sau một kho kiến thức sống động

Năm 1551 đã có nhiều học giả như Oh Geon, Jeong In-hong, Ha Hang, Choi Yeong-gyeong v.v... tìm đến học Jo Shik. Khi đó, ông đã chuyển nhà về Sancheong dưới chân núi Jiri, xây dựng nên "Sơn Thiên Trai" để dồn tâm huyết cuối đời vào việc đào tạo nhân tài. Năm 1572, Jo Shik qua đời ở tuổi 72. Do chỉ chú tâm, coi trọng tinh thần thực tiễn trong Nho học nên ông không để lại nhiều tác phẩm. Tuy nhiên, học trò ông dạy đều theo hướng hiện thực hóa kiến thức của thầy và nhiều người đã đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động học thuật, chính trị dưới thời vua Seonjo (Tuyên Tổ, vua đời thứ 14 của Joseon). Khi xảy ra cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản năm Nhâm Thìn (năm 1592), có tới 50 người là học trò của ông đã đứng lên lãnh đạo nghĩa quân kháng chiến. Các nhân vật lịch sử như Jeong In-hong, Gwak Jae-u, Kim Myeon đều là tướng lĩnh giỏi của nghĩa quân. Họ chính là những người đã tiếp nối cho tinh thần thực tiễn của Jo Shik, không bao giờ im lặng trước điều bất công, phi nghĩa.

Lựa chọn của ban biên tập