Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Ahn Yong-bok, người bảo vệ đảo Dokdo dưới thời Joseon

2012-08-09

<b>Ahn Yong-bok</b>, người bảo vệ đảo Dokdo dưới thời Joseon
Nhà ngoại giao nhân dân tỏa sáng hơn cả anh hùng

Vấn đề tranh chấp chủ quyền của đảo Dokdo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản thực tế đã diễn ra hết sức căng thẳng từ hơn 300 năm trước đây. Tuy nhiên triều đình Joseon khi đó đương bị cuốn vào cuộc xung đột chính trị trong nước nên đã không thể tập trung cho vấn đề đảo Dokdo. Giữa lúc này, có một nhân vật đã vượt biển sang Nhật để đem về quốc thư có nội dung công nhận đảo Dokdo là của Joseon. Người đã xác minh với Mạc phủ Nhật Bản về chủ quyền của đảo Dokdo và đảo Ulleung đó lại chỉ là một dân thường. Ông là Ahn Yong-bok, nhà ngoại giao nhân dân đã ghi một mốc mới trong lịch sử của triều Joseon, lịch sử vốn được tô điểm bởi những anh hùng quân sự hay nhà lãnh đạo nổi tiếng.

Ahn Yong-bok là ai?

Không phải là quý tộc (Yangban) cũng chẳng phải chính trị gia, đặc điểm về nhân thân của Ahn Yong-bok, ngoại trừ tên ra, bản thân năm sinh hay ngày mất của ông cũng không có ai biết. Tuy nhiên xem trong "Tinh hồ tái thuyết", một tập sách được viết bởi học giả Yi Ik vào cuối thời Joseon thì có đoạn viết rằng: "Ông xuất thân ở vùng Dongrae tỉnh Gyeongsang, vốn là lính chèo thuyền của thủy quân. Từ sớm đã hay ra vào thương quán của người Nhật nên nói tiếng Nhật rất giỏi." Trên thực tế ở Dongrae lúc bấy giờ đúng là có thương quán Oaegwan (theo chữ Hán gọi là Oa quán) là nơi ở và làm việc để giao lưu buôn bán của người Nhật nên rất có thể Ahn Yong-bok đã học được tiếng Nhật tại đây và ông đã phát huy khả năng ngoại ngữ lưu loát của mình để lập công vào năm 1693.

Chuyến đi Nhật lần thứ nhất

Năm 1693, năm thứ 19 triều vua Sukjong (Túc Tông, vua đời thứ 19 của Joseon), Ahn Yong-bok đã cùng với hơn 40 ngư dân đi đánh cá ở đảo Ulleung. Tại đây, họ đã gặp ngư dân đến từ tỉnh Hoki của Nhật Bản. Các ngư dân này đang tranh thủ chính sách bỏ trống đảo, di dân vào đất liền của triều đình Joseon để đánh bắt cá. Ahn Yong-bok đã gây khó dễ xung quanh vấn đề quyền đánh cá, nhưng do có số người ít hơn nên ông và một thuyền viên khác là Park Eo-dun đã bị bắt đi Nhật. Trong tình huống tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, Ahn Yong-bok đã dám đứng ra đấu lý với quan thái thú của tỉnh Hoki, Nhật Bản. Trên quan điểm coi Ulleung và đảo Dokdo thuộc chủ quyền của Joseon, ông đã nói rằng: "Khoảng cách từ Ulleung vào đất liền của Joseon mất một ngày đường, vào đất liền của Nhật Bản mất tận 5 ngày, cho nên Ulleung và đảo Dokdo là thuộc về Joseon. Người Joseon đi trên đất của Joseon thì làm sao phải bị giam cầm?" Đuối lý trước phản bác mạnh mẽ và hợp logic của Ahn Yong-bok, thái thú Nhật đã phải soạn công văn thể hiện quản điểm của ông trong đó và gửi về Mạc phủ Edo hỏi quyết định và cách xử lý. Sau khi tiến hành một loạt các cuộc điều tra, chính quyền Mạc phủ đã nhận định quan điểm của Ahn Yong-bok là đúng, cho thả ngay các thuyền nhân Joseon đồng thời cũng viết ước thư nói rõ: "đảo Ulleung và Dokdo không phải là đất của Nhật nên sẽ cấm ngư dân Nhật ra đó đánh cá". Tuy nhiên, trên đường Ahn Yong-bok trở về nước, ước thư này đã bị chúa đảo Tsushima cướp mất và thay vào đó là ước thư của chúa đảo Tsushima gửi triều đình Joseon có nội dung "yêu cầu cấm ngư dân Joseon đánh bắt cá ở đảo Ulleung".
Chính vì nguyên nhân này mà xoay quanh vấn đề chủ quyền và quyền đánh bắt cá tại đảo Ulleung cũng như đảo Dokdo, trong suốt 1 năm triều đình Joseon đã phải tổ chức bàn bạc, thảo luận với chúa đảo Tsushima, lúc này đã đứng ra đại diện cho Mạc phủ Nhật Bản. Kết quả là năm 1696, Mạc phủ của Nhật Bản đã phải công nhận đảo Ulleung và đảo Dokdo là lãnh thổ của Joseon. Có thể nói, quyết định đi đến xác nhận đảo Ulleung và đảo Dokdo thuộc lãnh thổ của Joseon vào nửa sau thế kỷ 17 này chính là xuất phát từ hành động của Ahn Yong-bok.

Chuyến đi Nhật lần thứ hai

Mặc dù việc tranh chấp về chủ quyền đảo Ulleung và đảo Dokdo tưởng chừng đã kết thúc, nhưng năm 1696, khi cùng với Park Eo-dun trở lại để đánh bắt cá, Ahn Yong-bok đã phát hiện người Nhật vẫn xâm phạm vào vùng đảo của đất nước mình và ông đã chuẩn bị để tiến hành đàm phán một lần nữa với phía Nhật. Treo cờ hiệu của quan thu thuế bên mạn thuyền và ăn mặc giống như quan lại của triều Joseon, Ahn Yong-bok đã vượt biển sang Nhật. Ông đã kháng nghị với thái thú tỉnh Hoki về việc ngư dân Nhật xâm phạm đường biên giới quốc gia và nhận được lời hứa rằng sẽ không để tình hình này tiếp tục tái diễn. Một năm sau, năm 1697, chính quyền Mạc phủ Nhật Bản đã một lần nữa thông qua chúa đảo Tsushima xác nhận vùng đảo Ulleung và Dokdo là thuộc địa phận của Joseon, đồng thời cũng cử sứ thần sang Joseon với các văn thư thể hiện việc cấm ngư dân Nhật ra khu vực này đánh cá.
Ahn Yong-bok như vậy đã có 2 lần thay mặt triều đình Joseon đứng ra bảo vệ lãnh thổ của đất nước, thế nhưng ông không những được thưởng mà còn phải chuốc vạ vào thân. Ông đã bị phạt vì tội mạo nhận quan viên và gây ảnh hưởng đến vấn đề quan hệ quốc tế của triều đình. Ahn Yong-bok bị giải về triều và xoay quanh hình phạt dành cho ông, thậm chí có ý kiến yêu cầu phải tử hình nhưng may nhờ có nhiều quan lại nói giúp, cho rằng ông đã làm được việc mà triều đình không làm, công và tội của ông như nhau v.v... nên rốt cuộc ông chỉ bị xử đày đi nơi khác.
Dù có hạn chế chỉ là một nhà ngoại giao nhân dân hoạt động đơn lẻ nhưng Ahn Yong-bok đã được đánh giá cao trong tác phẩm "Tinh hồ tái thuyết" của học giả Yi Ik. Tại đây, ông được coi là người đã chấp nhận hy sinh, vì đất nước dám đương đầu với kẻ thù mạnh hơn, từ bỏ lợi ích cá nhân để giải quyết, chấm dứt cuộc phân tranh đã qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, ông còn được ca ngợi là: "Tuy bất quá chỉ là lính tốt nhưng hành động thực đáng bậc hào kiệt anh hùng." Quả thật, nếu đứng trên phương diện bảo vệ lãnh thổ, bờ cõi của đất nước thì công lao của Ahn Yong-bok có thể so sánh, không thua kém gì Yi Sun-shin, một danh tướng thủy quân huyền thoại của Joseon, người từng có công đánh đuổi xâm lược Nhật Bản trong cuộc chiến tranh năm Nhâm Thìn (1592-1598).

Lựa chọn của ban biên tập