Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Chae Eung-eon, lãnh tụ nghĩa quân cuối cùng của Joseon thời hậu kỳ

2012-08-16

<b>Chae Eung-eon</b>, lãnh tụ nghĩa quân cuối cùng của Joseon thời hậu kỳ
Sống chết đến cùng với nghĩa quân

Giai đoạn cuối thời Joseon, khi thực dân Nhật xâm lược bán đảo Hàn đã xuất hiện rất nhiều nhân vật lịch sử lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy kháng chiến. Đó là những tấm gương tướng lĩnh tài ba như Jeon Bong-jun nổi tiếng với biệt danh "Tướng quân đậu xanh" (Nokdu) hay lão tướng Choi Ik-hyeon, một chí sĩ yêu nước dấy binh khi đã 74 tuổi, hoặc Shin Dol-seok, anh hùng áo vải xuất thân từ tầng lớp thường dân v.v... Tuy nhiên, tướng khởi nghĩa của Joseon giai đoạn cuối, khi đất nước lấy quốc hiệu là Đại Hàn Đế quốc thì chẳng mấy ai biết đến dù rằng thực tế, phong trào khởi nghĩa sau này cũng đã diễn ra hết sức quyết liệt, không kém gì lúc mở màn. Trong số lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa kháng Nhật, vị tướng cuối cùng, người đã sống chết với phong trào khởi nghĩa giai đoạn sau chót đó chính là Chae Eung-eon. Vì tổ quốc, Chae Eung-eon đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, tham gia kháng chiến từ lúc 25 tuổi và kéo dài cho đến khi 33 tuổi, trở thành nghĩa quân hoạt động lâu nhất trong lịch sử của Hàn Quốc.

Cất bước tham gia phong trào khởi nghĩa bảo vệ đất nước

Chae Eung-eon sinh năm 1879 tại Seongcheon, tỉnh Nam Pyeongan. Gia đình ông vốn rất nghèo, phải chuyển đến vùng Goksan tỉnh Hwanghae để đốt nương làm rẫy. Tuy vậy, Chae Eung-eon lại là người thông minh, khỏe mạnh hơn người và có đầy lòng nghĩa hiệp. Mỗi khi nông dân nghèo bị bọn địa chủ giàu có cướp đoạt, ức hiếp ông đều đứng ra bênh vực, lên tiếng giúp họ. Ông đã sống như một hiệp sĩ và rồi nhập ngũ, làm hạ sĩ quan bộ binh của nhà nước Đại Hàn Đế quốc. Nhưng rồi, xảy ra sự kiện quân đội Joseon bị thực dân Nhật ép phải giải tán vào ngày 1/8/1907, chỉ huy đại đội 1 thuộc trung đoàn bảo vệ hoàng gia Seoul là Park Seung-hwan phản kháng và đã tự sát. Vì vậy, Chae Eung-eon đã theo làm phó tướng cho nhóm nghĩa quân do nhà hoạt động độc lập Lee Jin-ryong lãnh đạo, triển khai vũ trang kháng chiến chống Nhật trên khắp các vùng của 2 tỉnh Pyeongan và Hamgyeong.
Đặc biệt, năm 1908, Chae Eung-eon đã nổi tiếng với các vụ tập kích, đánh đồn tuần tra và đội hiến binh của Nhật tại tỉnh Hwanghae và Hamgyeong. Vũ khí chiếm được sau các trận đánh này của ông đã tạo nên nền tảng, giúp đỡ nhiều cho hoạt động của nghĩa quân.

Tiếp tục khởi nghĩa sau Điều ước sáp nhập Nhật-Hàn 1910

Năm 1910, thực dân Nhật ép nhà nước Đại Hàn Đế quốc ký Điều ước sáp nhập Nhật-Hàn, biến Joseon thành thuộc địa của mình. Đất nước mất chủ quyền, song Chae Eung-eon đã chống lại yêu cầu giải tán quân kháng chiến, vẫn tích cực hoạt động và đứng ra làm phó tướng cho đội nghĩa quân của tướng Kim Jin-muk. Ông đã vận dụng hiệu quả lối đánh du kích với một số ít quân tinh nhuệ, di chuyển nhanh gọn trên khắp các tỉnh Gyeonggi, Gangwon, Hwanghae, Pyeongan, Hamgyeong để đánh phá các đồn bốt và trang thiết bị thông tin của thực dân Nhật.
Năm 1913, Chae Eung-eon đã chỉ huy đột kích vào sở hiến binh ở Seonam và Daedong thuộc tỉnh Hwanghae, lập công giết nhiều lính Nhật. Cứ như vậy, với lối đánh du kích ông đã tung hoành khắp các vùng đồi núi trên một địa bàn rộng khiến thực dân Nhật phải treo một khoản tiền lớn để bắt ông. Ngày 12/11/1914, cảnh sát Nhật công bố thưởng 280 won cho bất cứ ai bắt Chae Eung-eon giải tới đồn cảnh sát hoặc thưởng tiền tùy theo công cho người báo nơi ẩn náu hay có đóng góp trong việc bắt ông. Tuy nhiên, Chae Eung-eon có tài xuất quỷ nhập thần tới mức chính thực dân Nhật phải thừa nhận rằng "ông tài ba, thoắt ẩn thoắt hiện khiến đội cảnh vệ và hiến binh khám xét, lùng sục rất kỹ mà không thu được kết quả gì." Nhưng cuối cùng, đến năm 1915, một sự kiện diễn ra đã không cho Chae Eung-eon cơ hội được tiếp tục tham gia kháng chiến.

Hy sinh đến cùng vì tổ quốc

Năm 1915, Chae Eung-eon chọn núi Baeknyeon huyện Seongcheon tỉnh Nam Pyeongan làm căn cứ, tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích chống thực dân Nhật. Nhưng ngày 5/7, đương khi tìm đến một phú hộ ở Seongcheon để quyên tiền cho nghĩa quân, Chae Eung-eon đã bị bắt do có chỉ điểm. Tháng 9 năm đó, ông bị Tòa án Phúc thẩm Pyeongyang (Bình Nhưỡng) tuyên án tử hình và đã qua đời tại nhà tù Pyeongyang vào ngày 4/11, kết thúc quãng đời khởi nghĩa chống Nhật kéo dài 8 năm, từ năm 1907 đến năm 1915.
Sự kiện Chae Eung-eon bị bắt khiến cho phong trào khởi nghĩa vốn đã mất khí thế kể từ sau Điều ước sáp nhập Nhật-Hàn 1910 được ký kết lúc đó hoàn toàn như sụp đổ. Có thể nói, Chae Eung-eon chính là người đồng hành đến những giây phút cuối cùng, kết thúc hơn 20 năm bền bỉ chiến đấu vì tổ quốc của nghĩa quân Hàn Quốc. Vì thế, ông được mọi người gọi là "vị tướng nghĩa quân cuối cùng" có thời gian chiến đấu dài nhất của Hàn Quốc. Ông cũng trở thành tấm gương tiêu biểu cho chính nghĩa, sự trong sạch và lòng can đảm, là nhân vật lịch sử đã đứng lên, xuất hiện ở khắp mọi vùng miền của đất nước để chống ngoại xâm, thậm chí cả khi bán đảo Hàn mất chủ quyền về tay thực dân Nhật. Ghi nhận công lao của Chae Eung-eon, người đã một lòng lựa chọn con đường hy sinh vì tổ quốc, năm 1962 chính phủ Hàn Quốc đã truy tặng cho ông Huân chương Kiến quốc cấp Độc lập (huân chương cấp 3) của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập