Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yun Sim-deok, ca sĩ Soprano đầu tiên của Hàn Quốc

2012-08-23

<b>Yun Sim-deok</b>, ca sĩ Soprano đầu tiên của Hàn Quốc
Người phụ nữ tân tiến mở màn cho ngành kinh doanh âm nhạc của Joseon

Năm 1926 đánh dấu mốc khởi đầu cho nghệ thuật đại chúng của Hàn Quốc. Tác phẩm "Truyện Xuân Hương" (Chunhyangjeon), tác phẩm được coi là nổi tiếng nhất của nghệ thuật truyền thống đã được chuyển thể thành 1 bộ ca kịch gồm 18 chương, ra mắt công chúng bởi các danh ca như Lee Dong-baek, Kim Chu-wol v.v... Bên cạnh đó, tác phẩm điện ảnh "Arirang" của đạo diễn Na Un-gyu cũng đã gây tiếng vang trong làng điện ảnh Hàn Quốc, thổi ngọn lửa của tinh thần dân tộc vào lòng công chúng. Đặc biệt, ca sĩ Yun Sim-deok đã đưa lời hát vào điệu van-xơ (waltz) "Sóng sông Danube" của nhà soạn nhạc người Ru-ma-ni Ivanovici, tạo ra tác phẩm "Sự ca ngợi cái chết", một tác phẩm nhạc bán rất chạy với cái giá tương đương hàng trăm nghìn won Hàn Quốc hiện nay cho 1 album. Bài hát này là sự báo hiệu mở màn cho một ngành công nghiệp mới, ngành công nghiệp ghi âm của Hàn Quốc.

Lưu học sinh người Joseon đầu tiên học tại trường Âm nhạc Tokyoc

Yun Sim-deok sinh năm 1897 tại Pyeongyang (Bình Nhưỡng), là con gái thứ hai trong một gia đình có 1 con trai, 3 con gái. Cha cô làm nghề bán rau, mẹ cô làm tạp vụ ở bệnh viện, cuộc sống vốn rất vất vả. Tuy nhiên, nhờ cha mẹ đều là tín đồ Cơ Đốc giáo nên cả 4 anh chị em cô đều được giáo dục theo kiểu hiện đại. Đặc biệt, Yun Sim-deok đã cho thấy tố chất nổi trội về âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học phổ thông nữ sinh Gyeongseong, cô làm giáo viên dạy học trong khoảng hơn 1 năm rồi trở thành lưu học sinh đầu tiên được nhận học bổng của Phủ Tổng đốc để sang Nhật học. Tại Nhật, cô từng học ở Trung tâm đào tạo Aoyama Gakuin rồi nhập học vào khoa Thanh nhạc trường Âm nhạc Tokyo. Yun Sim-deok chính là người Joseon đầu tiên học ở trường Âm nhạc Tokyo.

Gặp nhà biên soạn kịch Kim Woo-jin

Tại Tokyo, Yun Sim-deok giao lưu, quan hệ rộng rãi với rất nhiều lưu học sinh. Cô luôn vui vẻ, năng động hoạt bát và rất nam tính đúng như biệt danh "Cô gái tinh ranh" mà mọi người đặt cho cô, vì thế cô cũng không ngại nói chuyện với các nam sinh dù chỉ sau vài lần gặp gỡ. Tuy nhiên, cũng chính bởi vậy, cô đã để lại nhiều tin đồn về chuyện tình cảm trai gái, thậm chí có người đeo đuổi cô rồi mắc bệnh tương tư khi bị chối từ. Thế rồi, đến năm 1921, Yun Sim-deok đã cùng 30 thanh niên thực hiện một chuyến công diễn tại Hàn Quốc để quyên tiền cho hoạt động của hội người lao động Joseon cư trú tại Nhật. Trong lần công diễn này, cô đã gặp được nhà soạn kịch Kim Woo-jin khi đó đang học tại khoa Anh văn của trường đại học Waseda, Nhật Bản. Kim Woo-jin vốn là con một nhà giàu ở tỉnh Jeolla, Hàn Quốc và anh cũng đã có vợ con ở quê. Tuy nhiên, khi tham gia cùng đoàn diễn kịch lưu động và gặp được Yun Sim-deok, sau hơn 2 tháng ở Hàn Quốc, hai người đã phát triển một mối quan hệ rất gần gũi. Thực tế, đây cũng là điều dễ hiểu bởi lúc bấy giờ, nhiều người đàn ông Hàn Quốc do lệ tảo hôn mà phải lấy những cô vợ kiểu xưa cũ, cổ điển, sống trong những gia đình danh giá nhưng rồi đến khi trở thành trí thức, được học theo hệ thống giáo dục tiến bộ ở nước ngoài về, họ mới chìm đắm vào tình yêu cùng các cô gái hiện đại, phù hợp với họ về trình độ và nhận thức tình cảm.

Thời hoàng kim của ca sĩ thanh nhạc lại đối diện với một hiện thực phũ phàng...

Năm 1923, Yun Sim-deok hoàn tất việc học ở Tokyo và quay về nước, đến với thời hoàng kim của một ca sĩ thanh nhạc. Ngay khi trở lại Hàn Quốc, cô đã có buổi diễn riêng tại Trung tâm Thanh niên Trung ương ở Jongro - thủ đô Seoul, ra mắt công chúng với tư cách là một ca sĩ giọng nữ cao (soprano) chuyên nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc. Sau đó, cô còn biểu diễn sô-lô trong nhiều nhạc hội, song hoạt động này không đảm bảo được thu nhập cho cô. Ngoài ra, lúc đó có lệ là học sinh du học bằng học bổng của cơ quan nhà nước thì khi quay về sẽ được tuyển dụng làm giáo viên tại các trường công lập nên Yun Sim-deok cũng đã chờ đợi song không thấy tin tức gì cả. Cô bị dồn vào cảnh khó khăn, phải lo kế sinh nhai, ổn định cuộc sống dù rằng đã nổi danh là ca sĩ thanh nhạc hàng đầu của Joseon.
Không thoát được cảnh khốn khó của một ca sĩ thanh nhạc dòng phương Tây chính thống, Yun Sim-deok đã quyết định trở thành ca sĩ đại chúng và đồng thời hoạt động như một diễn viên trong đoàn kịch hiện đại mang tên Hội Towol. Cũng từ lúc này cô dính phải một số vụ tai tiếng, trong đó có những lời đồn đại cho rằng cô sẽ lấy đại gia nhà giàu của vùng này, tỉnh nọ v.v...
Trong khi đó, với nhà soạn kịch Kim Woo-jin thì hoàn cảnh lại khác. Anh trở về nước cùng quãng thời gian với Yun Sim-deok, song do bị gia đình phản đối việc theo đuổi con đường văn học và nghệ thuật kịch nên anh đã phải bỏ nhà sang Nhật vào năm 1926.

"Sự ca ngợi cái chết"

Yun Sim-deok cũng đã sang Nhật cùng lúc với Kim Woo-jin. Tháng 7 năm 1926, cô được công ty ghi âm Nitto ở Osaka mời thu đĩa. Đến ngày 1 tháng 8 năm đó, sau khi hoàn thành công việc, Yun Sim-deok đã xin với giám đốc công ty ghi âm cho cô được thu riêng thêm một bài hát. Đó chính là bài hát mang tên "Sự ca ngợi cái chết", một bài hát do cô trực tiếp đưa lời vào kết hợp với giai điệu nhạc phương Tây "Sóng sông Danube".
Thời điểm trước đó, Yun Sim-deok đã đánh một bức điện cho Kim Woo-jin yêu cầu anh đến Osaka và rằng sẽ tự tử nếu anh không đến. Nhận được điện, Kim Woo-jin từ Tokyo đã tìm đến với Yun Sim-deok. Hai người lên tàu thủy từ Simonoseki - Nhật đi Busan - Hàn Quốc và giữa chừng đã nhảy xuống biển tự tử, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi ở tuổi 29. Kết cục được cho là một phụ nữ tân tiến chưa chồng với một người đàn ông có vợ cùng nhau tự vẫn vì đau khổ bởi tình yêu tuyệt vọng đã khiến mọi người sửng sốt, làm xôn xao dư luận. Album bài hát để lại cuối cùng của Yun Sim-deok đã được bán chạy tới 100 nghìn bản, một con số chưa từng có vào thời điểm bấy giờ. "Sự ca ngợi cái chết" được cất lên bằng giọng ca ai oán về cái hư vô của cuộc sống với lời lẽ như "Này hỡi cuộc sống đang chạy trên cánh đồng hoang rộng bao la, nơi ngươi đến sẽ là đâu?" và người Hàn Quốc cho rằng đây cũng chính là lời trăng trối cuối cùng của Yun Sim-deok, một nghệ sĩ có ước mơ xây dựng nghệ thuật cho nước nhà đã phải chịu đắng cay trước thành lũy kiên cố và cổ hủ của Nho giáo.

Lựa chọn của ban biên tập