Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Im Yunjidang, nữ học giả Nho học thời Joseon

2012-08-30

<b>Im Yunjidang</b>, nữ học giả Nho học thời Joseon
Nữ giới cũng có thể trở thành bậc thánh hiền

Khi Nho giáo với tư tưởng coi trọng nam giới ăn sâu cắm rễ vào xã hội Joseon, hiển nhiên người phụ nữ bị phân biệt đối xử, dù có tài cũng không được phát huy khả năng. Song, cũng chính thời kỳ này lại sản sinh ra một số nhân vật nữ giới bằng vào hành động cụ thể của mình đã vượt qua được bức rào cản đó. Đặc biệt, có một nữ học giả đã sớm theo quan điểm cho rằng "dù là phận nữ, nhưng phẩm chất trời ban thì nam nữ không có gì khác biệt." Đó chính là Im Yunjidang, người đã tháo bỏ xiềng xích trói buộc phụ nữ, tiến đến với lý tưởng, với ước mơ của một con người.

Cuộc đời của Im Yunjidang, ngôi sao sáng trong lịch sử của phụ nữ Hàn Quốc

Im Yunjidang là con gái của Im Jeok, một phán quan vùng Hamheung. Bà sinh năm 1721 tại Yangseong (nay là xã Yangseong, thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi) nhưng đến năm 1728, cha của bà mắc bệnh qua đời nên một năm sau đó bà đã theo gia đình chuyển về sống ở vùng Okhwa, thành phố Cheongju. Tại đây, bà được học kinh thư sử sách của Nho giáo từ người anh trai thứ hai của mình là Im Seong-ju, một học giả Tống Nho nổi tiếng giai đoạn cuối thời Joseon. Ngoài ra, bà còn có người anh cả là Im Myeong-ju cũng làm quan tới chức Chính ngôn, chức quan lục phẩm tại Ti Gián viện, cơ quan lo việc cố vấn, can gián cho nhà vua triều Joseon. Có lẽ nhờ sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống học vấn cao như vậy nên Im Yunjidang đã có tài năng khác người. Thủa cùng học Hán học với anh em trong nhà, bà luôn là người dẫn đầu với kiến thức vượt trội và lối lập luận rất logic. Chính vì thế, các anh em của bà thường hay than thở, tiếc cho bà sinh ra không phải một đấng nam nhi và cái tên hiệu Yunjidang (Doãn Chí Đường) của bà cũng được người anh thứ hai đặt ra từ đó. Tên hiệu này vốn lấy từ 3 chữ "Doãn tân chí" của Chu Hi với ý kêu người ta tôn sùng hai hình tượng phụ nữ được coi là mẫu mực nhất của phương Đông là Thái Nhâm và Thái Tự, mẹ và vợ của Chu Văn Vương nhà Chu, Trung Quốc.
Cuộc đời nếu xét theo thân phận của một người phụ nữ thì Im Yunjidang lại hết sức cô đơn. Năm 1739, khi 19 tuổi, bà đã kết hôn với Shin Gwang-yu là một học giả của vùng Wonju nhưng chỉ 8 năm sau đó, chồng của bà qua đời dù ít hơn bà 1 tuổi. Hơn thế, đứa con mang nặng đẻ đau của bà cũng chết yểu khiến bà trở thành một góa phụ không có con cái. Bà nhận con trai của gia đình nhà em chồng về nuôi nhưng người con nuôi này cũng chết sớm trước bà. Vì thế, Im Yunjidang chỉ còn biết thăng hoa, đưa cuộc sống đầy đau khổ của mình thành con đường phát triển học vấn.

Cả đời tập trung nghiên cứu học vấn

Có một câu chuyện ít ai biết đến mô tả về trình độ học vấn uyên thâm của Im Yunjidang. Đó là khi bà ở nhà người anh thứ của mình là Im Seong-ju. Một buổi tối, khi các con của anh chị vào chào, bà đã hỏi "Hôm nay các cháu học hành thế nào?" và nhận được câu trả lời là "vì trời nóng quá, không chịu được nên luôn phải quạt cho mát". Vừa nghe vậy, Im Yunjidang đã mắng ngay: "Nếu tập trung vào đọc sách thì tự nhiên sẽ thấy mát mẻ trong lòng. Hóa ra, trước nay các cháu vẫn chỉ tụng niệm suông ngoài miệng mà thôi."
Im Yunjidang hết mình nghiên cứu lời dạy của các bậc thánh hiền. Bà đi sâu vào nghiên cứu về lý thuyết "lý khí - tâm tính" là những hiểu biết về bản chất tự nhiên của con người và vũ trụ hay tìm hiểu về "tứ đoan - thất tình" là vấn đề xung quanh bản tính của con người. Đây đều là các tiêu điểm tranh luận của Tống Nho và cũng nhờ đó mà bà học được nhiều nguyên lý thâm sâu về con người và thiên nhiên vũ trụ.
Không chỉ có vậy, nhờ liên tục tu dưỡng và thực hiện theo đạo đức của Nho giáo, Im Yunjidang đã xây dựng cho mình một nhân cách cao quý, được nhiều người ca tụng cho đến khi bà qua đời vào năm 1793, thọ 73 tuổi. 3 năm sau khi bà mất, em ruột của bà là Im Jeong-ju và em chồng của bà là Shin Gwang-woo đã sắp xếp di cảo của bà lại và in ra thành tác phẩm "Di cảo của Im Yunjidang" (Doãn Chí Đường Di cảo". Đây được xem là tác phẩm tập trung toàn bộ mọi quan điểm tư tưởng của Im Yunjidang.

"Di cảo của Im Yunjidang", tác phẩm thể hiện tư tưởng của nữ học giả

"Di cảo của Im Yunjidang" bắt đầu bằng nghiên cứu kinh điển của Nho giáo và bao gồm trong nó cả các bài luận theo quan điểm Tống Nho cùng các bài phê bình, đánh giá nhiều nhân vật trong lịch sử của Trung Quốc, các đoạn văn vần có nội dung giáo huấn v.v... Đáng chú ý là các bài luận hay trước nay hiếm thấy và các câu danh ngôn hay cách ngôn theo thể văn vần rất có giá trị về mặt văn học. Đặc biệt hơn cả là tác phẩm này chứa đựng quan điểm của Im Yunjidang cho rằng "Tất cả mọi người đều mang bản tính đơn thuần và lương thiện, chỉ cần quay trở lại với bản tính vốn có này, bất kể ai cũng có thể trở thành thánh nhân." Như vậy, có thể thấy ở khía cạnh thể hiện nhân cách chung, phổ biến, Im Yunjidang đã không phân biệt về giới tính. Thay vào đó, bà nhận ra rằng sự tồn tại của nam giới và nữ giới là sự tồn tại mang tính bổ sung lẫn nhau giống như trật tự âm dương của vũ trụ. Đó là một suy nghĩ tiến bộ, không thua kém quan điểm về giới của ngày nay.
Im Yunjidang còn khác với hầu hết trí thức nữ giới thời Joseon ở điểm là bà không lấy tình yêu hay nỗi đau trong cuộc sống làm chủ đề để viết lách. Bà thường viết những nội dung chứa ý kiến của bản thân về kinh điển của Nho học hay về các nhà nho nổi tiếng. Mặc dù là một phụ nữ cô đơn nhưng nhờ trải qua khó khăn trong cuộc sống, Im Yunjidang đã có thể suốt đời dồn tâm huyết, bồi dưỡng cho học vấn. Bà chính là nữ học giả Tống Nho tiêu biểu của thời Joseon, một ngôi sao sáng trong lịch sử của phụ nữ Hàn Quốc biết vươn lên, thoát khỏi cuộc sống đầy bất hạnh và những trói buộc của thời đại.

Lựa chọn của ban biên tập