Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Vua Jinheung, người xây nền tảng thống nhất 3 vương quốc cổ trên bán đảo Hàn

2012-09-06

Vua <b>Jinheung</b>, người xây nền tảng thống nhất 3 vương quốc cổ trên bán đảo Hàn
Phát hiện bia tuần thú của vua Jinheung

Kim Jeong-hui là một học giả có trình độ học vấn cao, nổi tiếng về thư pháp với thể chữ độc đáo đặt theo tên hiệu của ông là "Chusache" (Thu Sử thể), đồng thời cũng là một chuyên gia về chữ khắc trên kim loại và đá, một trong những lĩnh vực nghiên cứu của sử học. Năm 1816, ông chính là người đã phát hiện ra một tấm bia đá có từ lâu đời nằm ở phía sau chùa Seungga (Tăng Già tự) trên núi Bukhan. Bề mặt của tảng đá bám rêu dày đặc, tưởng chừng như không có chữ khắc, song Kim Jeong-hui đã xem xét tỉ mỉ và phát hiện ra một điều thật bất ngờ. Bia đá có chữ viết dù nét chữ đôi chỗ không rõ ràng và được mở đầu bằng hàng chữ "Chân Hưng vương tuần thú bi hưng thái vương". Đây chính là tấm bia được dựng lên để kỷ niệm việc vua Jinheung (Chân Hưng vương) của nước Silla đi tuần thú qua núi Bukhan sau khi chiếm được vùng lưu vực sông Hàn từ tay vương quốc Baekje vào năm 555. Bia tuần thú của vua Jinheung được xem là tấm bia tượng trưng cho sự phát triển rực rỡ của vương triều Silla trên bán đảo Hàn.

Vị vua kế thừa ngôi báu từ khi 7 tuổi

Vua Jinheung (Chân Hưng vương) sinh năm 534 vốn họ Kim tên là Sammaekjong hay còn gọi là Simmaekbu. Ông là con của vua Galmun (Cát Văn vương) là cháu của vua Jijeung (Trí Chứng vương), người đã đem quân chinh phục vương quốc Usan (Nay là địa phận của đảo Ulleung và Dokdo). Năm 540, do vua Beopheung, người anh của cha ông qua đời mà không có con nối dõi nên mới 7 tuổi ông đã được đưa lên làm vua. Vì còn ít tuổi nên trong hơn 10 năm, mẹ của ông là Jiso (Chỉ Triệu phu nhân) đã phải nhiếp chính, thay ông quản lý thực tế các công việc của đất nước. Lúc này bà Jiso đã giao cho tướng quân Yi sa-bu, người từng có công trong việc đánh chiếm nước Usan làm Binh bộ lệnh, phụ trách toàn bộ binh quyền của Silla và thông qua đó chuyển giao quyền lực từ chế độ Hwabaek – chế độ tham vấn ý kiến của hội đồng quý tộc sang tay nhà vua. Cũng trong thời gian này, Phật giáo được khuyến khích phát triển với việc cho phép thường dân xuất gia làm tăng sư và việc hoàn công xây dựng chùa Heungryun (Hưng Luân tự), ngôi chùa tầm cỡ quốc gia đầu tiên của nhà nước phong kiến. Được người mẹ tạo dựng cho nền tảng trong suốt 12 năm, đến năm 551, khi đã 18 tuổi vua Jinheung mới trực tiếp đứng ra quản lý, trông coi việc triều chính.

Vị vua của sự chinh phục

Sau khi chính thức nắm quyền cai trị, vua Jinheung đã đổi niên hiệu thành "Khai quốc" với ý nghĩa tái sinh, xây dựng Silla thành một vương quốc mới. Ông cũng tiến hành thị sát khắp các địa phương, tỏ rõ thái độ tích cực quan tâm tới vấn đề lãnh thổ quốc gia.
Năm 551, ông đã làm một việc mà lúc bấy giờ chưa một vị vua Silla nào làm được. Đó là việc liên kết đồng minh với nước Baekje để tấn công Goguryeo, tranh thủ việc Goguryeo còn đương mải chống đỡ lại sự xâm lược của tộc người du mục Đột Quyết, không có thời gian chú ý tới Baekje và Silla ở phía Nam. Nhờ vậy, quân Baekje chiếm được khu vực hạ lưu sông Hàn còn Silla cũng đã thâu tóm được 10 thành quách ở vùng thượng lưu của con sông này.
Vua Jinheung là người có đầu óc phán đoán tài giỏi, nắm bắt được yếu điểm của Goguryeo để tấn công rồi sau đó 2 năm lại quay sang đánh Baekje. Ông đã chấp nhận đề nghị của Goguryeo, công nhận những vùng đất mà Silla chiếm đóng trước đây với điều kiện không đánh Goguryeo nữa mà hợp sức với nước này để quay sang tấn công Baekje. Rốt cuộc, do bị suy yếu sau khi chiến đấu với quân Goguryeo, Baekje đã không ngăn nổi các đợt tấn công của Silla và quân Silla đã chiếm được toàn bộ vùng Gyeonggi nằm ở hạ lưu sông Hàn của Baekje. Vua Seong (Thánh Vương) của Baekje trực tiếp dẫn quân tiên phong đánh lại Silla. Nhưng năm 554, khi kết hợp với quân đội của quốc gia cổ đại Daegaya tấn công thành Gwansan nằm ở Okcheon, tỉnh Bắc Chungcheong vị vua này đã bị bắt và giết chết do mọi đường đi nước bước đều bị quân Silla đoán biết được.
Gặp thuận lợi liên tục với nhiều tin chiến thắng, năm 555, vua Jinheung cho lập khu vực hành chính địa phương gọi là Haju (Hạ châu) ở Changnyeong thuộc tỉnh Nam Gyeongsang ngày nay, nơi vốn thuộc đất của liên minh các quốc gia Gaya. Một năm sau đó, ông tiếp tục mở rộng địa bàn ra tỉnh Nam Hamgyeong, xây dựng khu vực hành chính địa phương gọi là Biyeolholju (Tỉ liệt hốt châu) ở Anbyeon. 6 năm sau, ông lại tiêu diệt được vương quốc Daegaya, sáp nhập toàn bộ vùng lãnh thổ của các quốc gia Gaya vào Silla.

Xây dựng nền tảng cho việc thống nhất 3 quốc gia cổ đại

Vua Jinheung có thành tích lớn sánh ngang cùng vị vua Gwanggaeto của Goguryeo trước đây khi ông mở rộng được bờ cõi của Silla rộng lên gấp 3 lần. Năm 568, ông đã đổi niên hiệu thành "Thái Xương" với ý nghĩa là "thịnh vượng to lớn" và đích thân đi thăm các vùng lãnh thổ mới được mở mang, đồng thời cho dựng nên tấm bia tuần thú, ghi lại công lao của mình.
Năm 572, vua Jinheung tiếp tục đổi niên hiệu thành "Hồng Tế" với ý nghĩa là "cứu tế, cứu giúp lớn lao", đứng ra chăm lo cho đời sống của dân chúng. Ông cũng tổ chức "Bát quan diên hội" để cầu siêu cho linh hồn của các binh tướng tử trận trong chiến tranh và năm 574 đã cho đúc một bức tượng Phật cao tới 5 mét tại chùa Hwangryong (Hoàng Long tự). Năm 576, ông sáng lập ra chế độ Hwarang (Hoa Lang chế độ) với mục đích đào tạo, nuôi dưỡng nên lớp thanh niên tài giỏi, văn võ kiêm toàn phục vụ cho đất nước.
Vua Jinheung qua đời đúng vào năm 576, khi mới 43 tuổi. Mặc dù sớm băng hà, nhưng tổ chức Hwarang mà ông lập ra sau này đã trở thành nguồn động lực giúp cho Silla thống nhất 3 vương quốc cổ trên bán đảo Hàn là Silla, Goguryeo và Baekje. Nhờ vậy, tuy nổi tiếng là nhân vật của các cuộc chinh phục bờ cõi song người đời sau nhắc đến vua Jinhueng nhiều hơn cả vẫn là vai trò của một nhà lãnh đạo, người đã có công xây dựng nền móng để thống nhất đất nước.

Lựa chọn của ban biên tập