Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Nhà thơ Kim So-wol và những vần thơ trữ tình của người Hàn Quốc

2012-09-13

Nhà thơ <b>Kim So-wol</b> và những vần thơ trữ tình của người Hàn Quốc
Nhà thơ luôn được nhớ tới mỗi độ thu về

Ngày 7/9 dương lịch, khi những giọt sương trắng đọng lại trên cây cũng là lúc Hàn Quốc bước vào tiết Bạch lộ, tiết khí thứ 15 trong 24 tiết khí của năm. Nằm giữa Xử thử và Thu phân, Bạch lộ là tiết khí tỏ rõ sắc thu, đưa mùa thu về với tâm hồn của người dân Hàn. Đặc biệt, tiết Bạch lộ năm nay lại được đánh dấu bằng sự kiện kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà thơ Kim So-wol, người biến những nỗi buồn xưa thành lời ca đầy trữ tình và đậm chất quê hương. Kim So-wol chính là nhà thơ được yêu mến nhất ở Hàn Quốc.

110 năm trước, khi nhà thơ chào đời

Kim So-wol tên thực là Jeong-sik, sinh ngày 7/9/1902 tại Guseong tỉnh Bắc Pyeongan. Cha ông bị người Nhật đánh mà mắc bệnh thần kinh, mới 2 tuổi ông đã phải về sống với ông nội làm nghề khoáng sản. Tại đây ông được ông nội nuôi dưỡng và cho học Hán văn. Ông từng qua học trường tư lập Namsan rồi nhập học vào trường trung học cơ sở Osan. Sau đó, khi phong trào Độc lập chống thực dân Nhật 1/3 nổ ra, trường Osan bị đóng cửa, ông chuyển vào học và tốt nghiệp tại trường phổ thông trung học Baejae. Tuy nhiên, chính thời điểm học ở trường Osan mới là bước ngoặt, giúp cho Kim So-wol gặp được một nhân vật làm thay đổi cuộc đời, biến ông từ một cậu học sinh bình thường trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Đó là việc ông gặp được nhà thơ Kim Eok vào năm 1915, một người thầy về văn học trong suốt cuộc đời ông.
Kim Eok vốn là một nhà thơ nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành thơ cận đại của Hàn Quốc. Năm 1912, khi mới 20 tuổi nhà thơ này đã công bố tác phẩm của mình, năm 1921 ông dịch thơ của Verlaine và Baudelaire, cho ra đời tập thơ đầu tiên của Hàn Quốc mang tên "Vũ điệu của sự khổ não", năm 1923 xuất bản tập thơ tự sáng tác mang tên "Bài ca của con sứa" v.v... Khi Kim So-wol nhập học vào trường Osan cũng là lúc Kim Eok quay về trường cũ của mình để dạy học. Nhờ vậy, Kim So-wol đã được thầy Kim Eok chỉ bảo và bắt đầu viết thơ. Năm 1920, Kim So-wol đã có thể ra mắt văn đàn với các bài thơ như "Mùa xuân của kẻ lang thang", "Nhớ"... đăng trên tạp chí mang tên "Changjo" (Sáng tạo).

Người viết nên danh tác bất hủ mãi còn trong lịch sử văn học Hàn Quốc

Thi nhân bắt đầu sáng tác với bút danh là So-wol (Tố Nguyệt). Ông bắt đầu gây sự chú ý của giới văn học khi công bố trên số 1 của tạp chí "Haksaenggye" (Giới học sinh) bài thơ mang tên "Những ngày sau", một bài thơ thể hiện tình yêu bất diệt với những câu thơ da diết như:

"Sau này nếu người tìm đến, ta sẽ nói đã quên
Nếu người mắng trong lòng, ta sẽ nói quên vì quá nhớ.
Nếu người vẫn mắng, ta sẽ nói quên vì không tin được.
Chẳng phải hôm nay, cũng không phải hôm qua, mãi về sau, một ngày nào đó ta sẽ nói đã quên".


Sau này, khi vào học trường phổ thông trung học Baejae, năm 1922, Kim So-wol đã tiếp tục tỏa sáng với các bài thơ như "Thảm cỏ vàng", "Mẹ ơi, chị ơi" v.v... đăng trên tạp chí "Gaebyeok" (Khai Tịch). Đặc biệt, cũng ở tạp chí này, ông đã để lại một tác phẩm tiêu biểu, được nhiều người biết đến. Đó chính là bài "Hoa đỗ quyên" (Jindallae) với những vần thơ như:

"Khi chán ta mà bỏ đi, ta sẽ im lặng để người đi.
Ta sẽ hái bó hoa đỗ quyên Jindallae của núi Yaksan ở Yeongbyeon để rải trên con đường người đi.
Xin người hãy nhẹ nhàng nhón chân trên cánh hoa mỗi khi cất bước.
Khi chán ta mà bỏ đi, dù chết ta cũng không rơi lệ."


Đây được xem là bài thơ có nhịp điệu dễ ngâm, dễ đọc, hài hòa tự nhiên với lối gieo vần 3 âm tiết. Trong thơ, tình yêu và sự biệt ly được thể hiện qua tình cảm dồn nén tới mức trở nên thống thiết. Đó là tình yêu mang phong cách của Hàn Quốc, khó có thể thấy trong thơ của phương Tây. Thực tế, lúc bấy giờ Kim So-wol mới vừa tròn 20 tuổi, ông không phải một nhà tư tưởng hay chiến sĩ cách mạng đấu tranh kêu gọi khôi phục tinh thần dân tộc dưới thời Nhật thuộc. Song, một cách tự nhiên, ông đã kế thừa được truyền thống từ các làn điệu dân ca, khi trầm lúc bổng, dùng chính những ngôn từ và giai điệu Hàn Quốc để đem tình cảm của dân tộc cất lên thành lời ca. Giai điệu và tình cảm đó trong thơ Kim So-wol đã chạm đến tâm hồn của người Hàn Quốc và mọi người đã gọi ông là nhà thơ của dân tộc. Sự nghiệp sáng tác của Kim So-wol lên tới đỉnh cao khi năm 1925, ông xuất bản tập thơ "Hoa Đỗ quyên" (Jindallae) và tháng 5/1925 đăng bài luận về thơ mang tên "Thi hồn" trên tạp chí "Gaebyeok". Thế nhưng tiếng tăm có được trên văn đàn không hề mang lại cho ông một cuộc sống hạnh phúc.

Thi nhân thiên tài qua đời khi còn rất trẻ

Năm 1923, Kim So-wol vào học một trường đại học về thương mại ở Tokyo, Nhật Bản nhưng ngay tháng 9 năm đó ông đã phải bỏ học vì một trận động đất lớn xảy ra ở Kanto. Sau khi trở về nước, ông giúp việc kinh doanh khoáng sản cho ông nội của mình và định sống luôn ở quê nhưng việc kinh doanh thất bại, gia cảnh suy sụp, ông lại phải chuyển về sống nhờ nhà vợ ở Guseong. Tại đây, Kim So-wol kinh doanh một chi nhánh cho báo Dong-a Ilbo (Đông Á nhật báo) nhưng cũng không thành công và ông đã mất hết ý chí phấn đấu trong cuộc sống. Ngày 24/12/1934 người ta phát hiện thấy ông chết trong tình trạng được cho là tự sát bằng thuốc độc.
Tuy là một nhà thơ qua đời ở tuổi 32, khi còn rất trẻ và dù chỉ xuất hiện trên văn đàn có khoảng hơn 5, 6 năm nhưng Kim So-wol đã để lại được 154 tác phẩm thơ và bài viết lý luận về thơ. Các tác phẩm của ông đến nay vẫn luôn được yêu thích, trở thành bài ca của dân tộc, là niềm an ủi cho tâm tư của người Hàn những lúc phải trải qua nhiều sóng gió, thương đau.

Lựa chọn của ban biên tập