Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Seong Hyeon, tác giả của "Nhạc học quỹ phạm" - cẩm nang âm nhạc của Hàn Quốc

2012-09-20

<b>Seong Hyeon</b>, tác giả của "Nhạc học quỹ phạm" - cẩm nang âm nhạc của Hàn Quốc
Biên soạn nên cuốn đại từ điển bách khoa về âm nhạc của Joseon

Joseon, vương quốc của Nho giáo vốn coi trọng, đề cao âm nhạc không thua kém gì so với những nghi lễ, phép tắc. Thời Joseon, người ta cho rằng âm nhạc đúng đắn sẽ giáo hóa được lòng người, tạo nên một thế gian tươi đẹp, còn như âm nhạc hỗn loạn thì lý do chính là ở sự cai trị sai lầm của nhà vua. Theo đó, đã xuất hiện cái gọi là "tư tưởng lễ nhạc", đất nước được cai quản bằng việc đưa "lễ" và "nhạc" lên trước, "hình" và "phạt" theo sau. Vì thế, triều Joseon đã lập ra nhiều cơ quan tầm cỡ quốc gia chuyên cai quản các sự vụ về âm nhạc, đào tạo nên các nhạc sĩ tài ba. Nhiều loại nhạc cụ được sản xuất và nhiều buổi biểu diễn âm nhạc được tổ chức vào dịp có các sự kiện như tế tự, liên hoan tiệc tùng... của quốc gia hay của hoàng thất.
Có một nhân vật lịch sử đã biên soạn nên đại từ điển bách khoa về âm nhạc, một cuốn cẩm nang tập hợp tất cả những điều cần biết về âm nhạc của Joseon, giải thích có hình ảnh minh họa đối với các vấn đề như đưa chữ Hangeul (chữ cái của Hàn Quốc) vào lời bài hát, lý luận về các loại âm nhạc như nhạc cung đình; "Đường nhạc" - âm nhạc của nhà Đường, Trung Quốc; "Hương nhạc" - nhạc cố hữu của Hàn Quốc hay trình bày về phép tắc, chế độ của âm nhạc Joseon v.v... Đó chính là Seong Hyeon, tác giả của cuốn "Nhạc học quỹ phạm" (Akhak Gwebeom) nổi tiếng thời Joseon.

Người thích hợp nhất để biên soạn nên cuốn "Nhạc học quỹ phạm"

Seong Hyeon sinh năm 1439, là con trai của Seong Yeom-jo, một viên quan nhị phẩm chức Tri trung xu phủ sự. Từ nhỏ đã thông minh sáng dạ, năm 1462, khi mới 23 tuổi Seong Hyeon đã thi đỗ kỳ thi "Văn khoa", năm 1466 đứng thứ 3 trong kỳ thi "Bạt anh thí", một kỳ thi đặc biệt dành cho các quan văn võ và các đại thần đương chức. Sau đó, ông đã nắm giữ một số vị trí trọng yếu của triều đình, lên các chức quan như quan cửu phẩm Hoằng Văn Quán Chính tự, quan bát phẩm Đãi Giáo v.v... Năm 1468, khi mới chuẩn bị bước sang tuổi 30, ông còn làm Kinh Diên quan, chức quan lo việc giảng kinh thư của Nho giáo cho nhà vua. Ông đã cho thấy tài văn chương của mình qua tác phẩm thơ "Quan quang lục" viết trên đường cùng anh trai là Seong Im đi sang nhà Minh, Trung Quốc.
Về sau, Seong Hyeon đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng khác như Công tào Phán thư (Phán thư của bộ Công), hay Lễ tào Phán thư (Phán thư của bộ Lễ) chức quan chính yếu của bộ Lễ, phụ trách các việc lễ nhạc, tế tự, yến tiệc, ngoại giao, giáo dục và khoa cử... Năm 1488, đương khi ông làm Quan sát sứ của tỉnh Pyeongan thì có 2 sứ thần Trung Quốc là Đổng Việt và Vương Sưởng đem chiếu thư của vua nhà Minh sang Joseon. Cùng với sự kiện này có chuyện kể lại rằng, trong buổi tiệc chiêu đãi, Seong Hyeon đã trao đổi thơ văn cùng 2 vị sứ thần và ông đã khiến họ phải thán phục về tài năng của ông.
Seong Hyeon là một học giả lớn, một nhà văn tài ba, đồng thời cũng là một vị quan trụ cột của triều đình. Vì thế, vua Seongjong (Thành Tông) vua đời thứ 9 của Joseon đã chọn ông làm người thích hợp nhất cho việc biên soạn bộ "Nhạc học quỹ phạm", một bộ sách nhằm mục đích sưu tầm, tập hợp lại tất cả các kiến thức về âm nhạc của giai đoạn đầu thời Joseon.

Người góp phần vào sự phát triển âm nhạc của thời Joseon

"Nhạc học quỹ phạm", đúng như cái tên bằng tiếng Hán của nó có nghĩa là quy phạm, phép tắc khuôn mẫu của "Nhạc học" - cơ quan trông coi việc về âm nhạc của giai đoạn đầu thời Joseon. Bộ sách chứa đựng tất cả nghệ thuật biểu diễn trong cung đình của Joseon, trọn bộ gồm 3 quyển 9 phần, dung lượng dày và nội dung đa dạng, có ghi chép đầy đủ về lý luận âm nhạc, trình tự biểu diễn và phối âm của nhạc cụ, chế tạo nhạc cụ và cách biểu diễn, nội dung của phần múa theo âm nhạc, tất cả các vấn đề về trang phục và đạo cụ sử dụng khi biểu diễn v.v...
Phần nhạc cụ có hình ảnh minh họa kèm theo, trình bày đầy đủ các nội dung về hình thức nhạc cụ, màu sắc và kích cỡ, nguyên liệu của từng bộ phận, cách chọn dây, cách biểu diễn v.v... Ngoài ra, khi giải thích về việc múa, sách còn miêu tả rất cụ thể và chi tiết, xem nhạc công và vũ công cần có bao nhiêu người, ở vị trí nào và hướng về phía nào cũng như trình tự múa ra sao v.v...
Đặc biệt, Seong Hyeon đã sáng tạo ra "Hợp tự phổ", ghi chép vào nhạc phổ vốn có trước đây cả những cách thức biểu diễn rất cụ thể, chi tiết. Ứng dụng theo phương pháp này, ông xuất bản ra "Huyền cầm hợp tự phổ" (cách trình bày như vậy cho nhạc cụ bộ dây) và nhờ đó ông đã giúp cho mọi người, bất cứ ai, chỉ cần xem và bắt chước theo "Nhạc học quỹ phạm" là có thể biểu diễn được nhạc truyền thống của Hàn Quốc.

" Dung Trai tùng thoại " (Yongjae chonghwa), một kiệt tác khác của Seong Hyeon

"Nhạc học quỹ phạm" đã trở thành chuẩn mực và kim chỉ nam mang tính thực tiễn cho hoạt động âm nhạc của thời Joseon. Vì thế, sau khi nhiều nhạc công, nhạc sĩ bị chết hay bị bắt sang Nhật, nhiều loại nhạc cụ và tài liệu âm nhạc bị đốt cháy trong chiến tranh với Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592), triều đình Joseon đã phải cho in lại bộ sách này vào năm 1610 nhằm khôi phục lại hoạt động âm nhạc của đất nước. Đây được xem là tư liệu lịch sử quan trọng không thể thiếu trong nghiên cứu các ngành khoa học ngữ văn, múa truyền thống, lịch sử trang phục, nghệ thuật biểu diễn và đạo cụ v.v... Với lối trình bày mang tính tổng hợp và có hệ thống, Seong Hyeon đã biên soạn nên bộ sách có mức độ hoàn thiện cao, cho đến nay vẫn được xem là đáng tin cậy. Vào năm 1504, ông lại tiếp tục sáng tác ra một tác phẩm nổi tiếng khác mang tên "Dung Trai tùng thoại" (Yongjae Chonghwa).
Tên của tập sách này là sự kết hợp giữa tên hiệu của Seong Hyeon là "Dung Trai" với chữ "tùng thoại" có nghĩa là "bộ sưu tầm các câu chuyện". Đây là tập sách ông mượn hình thức đối thoại để luận về những quan điểm, suy nghĩ của mình, bắt đầu từ các vấn đề chính trị, xã hội, luân lý, chẳng hạn như đạo quân thần, các vấn đề trọng yếu trong cai trị quốc gia v.v... Ông cũng sưu tầm, ghi chép lại tất cả các giai thoại các câu chuyện hài hước về hoàng thất, quý tộc, nhà thơ, nghệ sĩ âm nhạc từ thời Goryeo đến thời vua Seongjong (Thành Tông), vua đời thứ 9 của Joseon. Có thể nói ông đã để lại nguồn tư liệu quan trọng mà thông qua đó chúng ta có thể biết được về chính trị, xã hội, chế độ cũng như văn hóa của giai đoạn đầu thời Joseon.
Là một người ghi chép tư liệu của thời Joseon, Seong Hyeon đã góp phần to lớn trong việc giúp văn hóa truyền thống xưa được kế thừa trọn vẹn tới các thế hệ sau. Sau khi qua đời vào năm 1504, ông được truy tặng danh hiệu "Quan thanh liêm", một hình tượng quan lại lý tưởng của thời Joseon, kiêm toàn đầy đủ các phẩm chất như năng lực làm quan, thanh liêm, cần kiệm, đạo đức, kính hiếu, nhân nghĩa. Ông đã để lại tên tuổi mãi mãi rạng ngời trong lịch sử của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập