Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Su-gwang, người tiên phong cho phái Thực học của Hàn Quốc

2012-09-27

<b>Yi Su-gwang</b>, người tiên phong cho phái Thực học của Hàn Quốc
Cuốn từ điển bách khoa đầu tiên của Joseon

Từ điển bách khoa, cuốn sách tích lũy và giải thích tất cả mọi tri thức liên quan đến khoa học, tự nhiên và hoạt động của con người được tạo ra lần đầu tiên là từ khi nào? - Ở phương Tây, có thể xem cuốn "Naturalis Historiae" (Natural History) của tác giả Pliny (Pliny the Elder) thời La Mã là khởi nguồn của bách khoa từ điển. Trong khi đó ở phương Đông, từ điển bách khoa đầu tiên được cho là bộ sách "Loại thư" có từ thời nhà Tống – Trung Quốc, một bộ sách tóm tắt, chú giải, phân loại theo từng lĩnh vực các tác phẩm cổ điển, kinh thư của Nho giáo.
Riêng đối với Hàn Quốc, bộ từ điển bách khoa đích thực ra đời sớm nhất chính là "Chi phong loại thuyết" biên soạn vào năm 1614. Bộ sách này gồm 20 phần 10 quyển, giới thiệu về các sự vật, sự việc chính yếu của các nước từ châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia cho đến châu Âu như Pháp, Anh v.v... giúp cho người dân Hàn Quốc mở rộng tầm nhìn ra ngoài thế giới. Tác giả của bộ từ điển, người đã cống hiến cho triều Joseon một kho kiến thức vô cùng to lớn đó chính là học giả Yi Su-gwang, hiệu là Chi Phong.

Trải nghiệm, trở thành vị quan văn mẫu mực hàng đầu của Joseon

Yi Su-gwang sinh năm 1563 tại Jangdan tỉnh Gyeonggi, là con trai của quan Binh tào Phán thư (chức Phán thư ở bộ binh) Yi Hee-geom, một hậu duệ của hoàng tộc. Mặc dù sinh ra trong một gia đình quý tộc danh giá, nhưng Yi Su-gwang đã không hề dựa dẫm, ỷ lại mà luôn quyết chí lập nghiệp, rạng danh bằng chính thực lực của mình. Ông vốn được xem như một thần đồng, năm 16 tuổi đỗ kỳ thi Sơ thí, năm 20 tuổi qua kỳ thi Tiến sĩ và đến năm 23 tuổi đã đỗ kỳ thi tuyển chọn quan văn là Văn khoa.
Kể từ khi bước vào chốn quan trường, con đường thăng quan tiến chức của ông đã diễn ra hết sức chóng vánh. Ông bắt đầu với công việc tại Thừa văn viện - cơ quan đảm nhận trách nhiệm về văn thư ngoại giao của Joseon, sau đó nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong "Nghệ văn quán" - nơi phụ trách soạn chỉ dụ, mệnh lệnh cho vua hay "Thành quân quán" (Sunggyungwan) - cơ quan giáo dục đầu tiên của Joseon, rồi đến "Ti gián viện" - nơi phụ trách về ngôn luận v.v... Năm 28 tuổi, do có tài văn chương Yi Su-gwang được giao cho chức Tri chế giáo, chức quan lo việc thảo chỉ dụ, chiếu thư của nhà vua. Có thể thấy, ông đã đảm nhận đủ mọi vị trí làm quan trong triều, thậm chí từng có 3 lần làm sứ thần sang nhà Minh, Trung Quốc. Những lúc tình hình chính sự trong nước rối ren, phải trải qua các cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592), cuộc chiến với nước Hậu Kim ở Mãn Châu (về sau là nhà Thanh của Trung Quốc) năm Đinh Mão (1627), rồi lâm vào mâu thuẫn, xung đột chính trị dưới thời Gwanghaegun (Quang Hải Quân, vua đời thứ 15 của Joseon), hay đối mặt với vụ nổi dậy làm phản của võ quan Yi Gwal dưới thời vua Injo (Nhân Tổ, vua đời thứ 16 của Joseon) v.v... ông luôn tỏ ra là một vị quan cương trực, trung nghĩa và biết suy nghĩ, không hề can dự vào các cuộc tranh giành bè phái. Tuy nhiên, điều đặc biệt là trong con mắt người dân Hàn Quốc, hình tượng nhân vật Yi Su-gwang vẫn được nhắc đến ngày nay không phải là một viên quan mà là một nhà trí thức.

Vị học giả lớn mở ra một chân trời mới cho Joseon

Năm 1613, năm thứ 5 triều vua Gwanghaegun, nhằm mục đích loại bỏ hoàng tử Youngchangdaegun (Vĩnh Xương Đại quân, con út của vua Seonjo, vua đời thứ 14 của Joseon) và các thế lực chống đối, phái Daebuk (Đại Bắc phái) đã gây ra sự kiện bắt bớ năm Quý Sửu (1613), khiến cho tình hình trong nước trở nên hết sức hỗn loạn, trong lo ngoài ngại... Lúc này, Yi Su-gwang đã không chút vấn vương, từ quan để đến với cuộc sống ẩn dật. Sau đó 1 năm, năm 1614, khi 52 tuổi, ông đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng của mình mang tên "Chi phong loại thuyết".
"Chi phong loại thuyết" là bộ sách ghi những kinh nghiệm qua 3 lần đi sứ nhà Minh của tác giả và các nội dung được dẫn từ hơn 340 loại sách, một con số rất đồ sộ so với thời điểm bấy giờ. Bộ sách được xem là một rừng tri thức, tập trung lượng kiến thức khổng lồ, đạt tổng số tới 33 phần, 184 mục và 3435 tiểu mục. Đặc biệt, trong sách không chỉ có những lời răn dạy của các bậc thánh hiền mà còn chứa đựng nhiều nội dung rút ra từ các loại sách trên diện rộng với những thông tin và tri thức mới mẻ chưa từng được đề cập trong hệ thống quan niệm tri thức trước đó như vũ trụ và tự nhiên, địa lý thế giới, phong tục xã hội, công giáo, văn minh phương Tây, ngôn ngữ, những câu chuyện truyền kỳ, văn hóa ẩm thực v.v... Tất cả đều được phân loại theo chủ đề riêng biệt và được trình bày theo hình thức độc đáo, có gắn thêm phần bình của chính tác giả. Đây cũng chính là một đặc trưng xuất phát từ thái độ về học vấn, luôn coi trọng thực tế của phái "Thực học" (Silhak).
Trong "Chi phong loại thuyết" có nhiều bài viết về văn minh phương Tây vốn thu hút sự chú ý của giới trí thức lúc bấy giờ. Đó là nhờ qua mấy lần thăm viếng nhà Minh, Yi Su-gwang đã đem về các loại sách của phương Tây được dịch qua chữ Hán như cuốn "Thiên chú thực nghĩa" của nhà truyền giáo Matteo Ricci và vì thế, ông thành người giới thiệu cho Thiên chúa giáo và văn minh phương Tây vào Joseon. "Chi phong loại thuyết" chính là một kiệt tác chứa đựng tính ham đọc sách, sự cần cù chăm chỉ và dấu ấn cuộc đời của Yi Su-gwang, một học giả luôn tận tâm với nghiên cứu.

Vượt qua thời của kinh thư Nho giáo để đến với thực học

Yi Su-gwang đã biên soạn nên bộ từ điển bách khoa về văn hóa, tổng hợp tất cả mọi thông tin, tri thức có được vào thời điểm lúc bấy giờ. Năm 1616, sau 4 năm ẩn cư, ông được bổ nhiệm làm chức Phủ sứ vùng Suncheon. Tại đây, kết thúc nhiệm kỳ 3 năm làm một viên quan mẫu mực, được dân chúng hết lòng ca tụng ông tiếp tục quay về chú tâm vào nghiên cứu học vấn, kiến thức. Nhưng rồi, sau khi triều đình xảy ra sự kiện phế vua Gwanghaegun đưa vua Injo (Nhân Tổ) lên ngôi, ông lại ra làm quan, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Đô thừa chỉ, Đại ti hiến, Lại tào tham phán (chức Tham phán ở bộ Lại), Lại tào phán thư (chức Phán thư ở bộ Lại).
Năm 1628, Yi Su-gwang qua đời, thọ 66 tuổi, kết thúc chặng đường của một người tiên phong, mở đường cho sự phát triển phái Thực học giai đoạn giữa thời Joseon. Sau khi ông qua đời, Joseon đã chuyển từ giai đoạn của nghiên cứu kinh thư, luôn chú trọng vào tứ thư ngũ kinh sang một giai đoạn mới, giai đoạn của "Thực học", tìm hiểu kiến thức ở ngay trong cuộc sống thường ngày.

Lựa chọn của ban biên tập