Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Bae Jung-son, tướng chỉ huy đội quân đặc biệt Sambyeolcho

2012-10-04

<b>Bae Jung-son</b>, tướng chỉ huy đội quân đặc biệt Sambyeolcho
Jindo - hòn đảo quý của Goryeo

Jindo nằm ở cực nam vùng bờ biển Tây của bán đảo Hàn, là hòn đảo lớn thứ 3 ở Hàn Quốc, sau đảo Jeju và đảo Geoje. Đảo Jindo như một người anh cả, đứng đầu trong vô vàn các hòn đào của một vùng quần đảo, tuy nằm giữa biển nhưng lại có đất đai rộng lớn, phì nhiêu nên còn được gọi bằng cái tên là "Ốc Châu" có nghĩa là vùng đất màu mỡ. Bản thân tên đảo Jindo theo tiếng Hán cũng là "Trân đảo" nghĩa là hòn đảo quý báu, bao hàm trong nó một sự giàu có, sung túc và có lẽ nhờ vậy mà vào thời Goryeo, một kinh đô đã được xây nên tại đây. Người đã có công xây dựng kinh đô này không ai khác chính là Bae Jung-son, vị tướng chỉ huy đội quân tinh nhuệ Sambyeolcho trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Cổ giành độc lập tự chủ của triều Goryeo. Trong cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào năm 1231, cũng chính nhờ có tướng quân Bae Jung-son mà triều Goryeo mới có được một trang sử mới.

Tuyên bố kháng chiến

Thành Cát Tư Hãn (Chingiz Khan) thống nhất các bộ lạc Mông Cổ sau đó bành trướng sang đại lục Á-Âu, chinh phục toàn bộ các vùng Trung Quốc, Trung Á, Đông Âu, vào thế kỷ 13 đã xây dựng nên một đế quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử của nhân loại. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, đế quốc Mông Cổ vẫn tiếp tục công cuộc chinh phục thế giới, từ năm 1231 đến năm 1258, đã có tới 7 lần đem quân xâm lược Goryeo.
Trước những đợt tấn công mãnh liệt của quân Mông Cổ, năm 1232 triều đình Goryeo đã phải dời kinh đô từ Gaegyeong (nay là Gaeseong) ra đảo Ganghwa bao quanh bốn bề là biển cả. Tại đây, trong suốt 40 năm, quân dân Goryeo đã lấy biển đảo làm lá chắn, quyết liệt kháng chiến chống ngoại xâm. Tuy nhiên, do mệt mỏi, kiệt quệ bởi cuộc chiến tranh kéo dài liên miên, vào năm 1270, triều đình Goryeo cuối cùng cũng đã tuyên bố đầu hàng đế quốc Mông Cổ. Triều đình cũng ra lệnh giải tán đội quân Sambyeolcho, một đội quân đặc biệt luôn đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ, được thành lập từ giai đoạn nắm chính quyền của các võ quan Goryeo trước đây.
Mặc dù vậy, Sambyeolcho với ý nghĩa tên gọi là một đội quân tinh nhuệ được tuyển chọn, thành lập bởi các dũng sĩ anh hùng nên họ đã không chấp nhận đầu hàng. Ngày 1/6/1270, Bae Jung-son, tướng chỉ huy tối cao của Sambyeolcho đã tuyên bố kháng chiến, dương cao ngọn cờ chống ngoại xâm giành độc lập tự chủ.

Từ đảo Ganghwa ra đảo Jindo

Cuộc chiến lịch sử này vốn được gọi là "Kháng chiến Sambyeolcho". Lúc bấy giờ, Bae Jung-son muốn xây dựng nên một vương triều Goryeo mới, ông đã suy tôn Seunghwahu On, một người trong hoàng tộc của Goryeo lên làm vua. Sau đó, ngày 3/6/1270 ông đã huy động hơn 1000 chiếc thuyền trở đầy người và của cải từ đảo Ganghwa đi ra đảo Jindo.
Sở dĩ đảo Jindo được lựa chọn là nhờ đặc điểm có đoạn đường biển nối với đất liền của nó có tốc độ dòng chảy lớn nhất ở phương Đông, lên tới 13 hải lí/1giờ, bên cạnh đó đảo lại có đất đai màu mỡ, 1 năm canh tác nông nghiệp có thể ăn đủ trong vòng 3 năm. Ngoài ra, đây còn là căn cứ thích hợp nhất để sử dụng chiến thuật "tránh vào đảo để đảm bảo an toàn", tận dụng được nhược điểm của quân Mông Cổ là quen sống trên thảo nguyên chỉ thiện chiến về kỵ binh mà kém về thủy chiến.

"Triều đình của Sambyeolcho", một triều đình khác của Goryeo

"Triều đình của Sambyeolcho" tự cho mình là triều đình chính thống của Goryeo và giai đoạn đầu thành lập đã có nhiều hoạt động sôi nổi. Sau khi kéo đội quân Sambyeolcho lên đảo Jindo, Bae Jung-son đã cho đắp một dải thành lũy có tổng chiều dài tới hơn 12km trên núi Yongjang của đảo, đồng thời cũng xây nên một cung điện để khuếch trương thanh thế với vẻ uy nghiêm, hoành tráng không thua kém Mãn Nguyệt Đài - hoàng cung ở Gaegyeong của triều đình Goryeo đầu hàng Mông Cổ. Một mặt, Bae Jung-son cũng thâu tóm, nắm giữ quyền kiểm soát vùng biển phía Nam, xây dựng nên tại đây một kiểu "vương quốc trên biển". Vùng quần đảo bao gồm đảo Jindo và các đảo nhỏ vệ tinh quanh nó nằm ngay ở khu vực cửa ngõ của đường biển trong nước, nơi tất cả các tàu bè trở hàng đều phải đi qua, do đó toàn bộ lương thực, ngũ cốc nộp làm tô thuế chuyển đến Gagyeong đều đã bị giữ hết lại tại đây. Triều đình của Sambyeolcho cũng gửi riêng sứ thần sang Nhật, tạo nên một chiến tuyến phối hợp, liên kết với Nhật để chống lại đế quốc Mông Cổ.
Có thể nói, tướng quân Bae Jung-son là người được lòng dân. Dân chúng Goryeo gọi triều đình Sambyeolcho của ông là quân giải phóng, là những người đứng lên kháng chiến chống Mông Cổ giành quyền độc lập. Họ đã đổ dồn về đảo Jindo để gia nhập vào Sambyeolcho chiến đấu với quân Mông Cổ. Vương quốc mới ở Jindo tưởng chừng sẽ có sự phát triển không ngừng nhưng không ai ngờ, chỉ sau 9 tháng nó đã sớm bị diệt vong.

Dù chỉ một ngày sống cũng nguyện làm người Goryeo

Để trấn áp quân Sambyeolcho, liên quân Mông Cổ và triều đình tay sai đầu hàng ngoại xâm đã mở ra một cuộc chiến tổng lực. Tháng 5 năm 1271, liên quân đã huy động 400 chiến thuyền và 10 nghìn quân triển khai đổ bộ vào đảo Jindo, đưa hỏa lực mạnh lên trước, tấn công quân Sambyeolcho từ 2 bên sườn đảo. Bae Jung-son và quân đội của ông đã anh dũng chiến đấu, cầm cự được trong 10 ngày nhưng cuối cùng, do liên quân được trang bị các loại vũ khí mới như hỏa pháo, hỏa thương nên tất cả thành lũy trên núi Yongjang và cung vua đều thất thủ, Bae Jung-son oanh liệt hy sinh vào năm 1271.
Đội quân Sambyeolcho mất sự chỉ huy của tướng Bae Jung-son phải bỏ đảo Jindo dời căn cứ ra đảo Jeju, tiếp tục chiến đấu được 2 năm, sau đó bị liên quân Mông Cổ và triều đình Goryeo tay sai tấn công vào năm 1273, chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mông Cổ. Goryeo rơi vào cảnh làm thuộc địa cho Mông Cổ, chịu để người Mông Cổ cai trị trong suốt hơn 100 năm cho đến tận lúc bị diệt vong.
Cho đến nay, chẳng ai biết rõ Bae Jung-son đã sinh ra khi nào, ở đâu và cuộc đời riêng tư của ông ra sao, chỉ biết rằng ông là người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của đội quân Sambyeolcho, không hề khuất phục trước thế lực ngoại xâm đang rất mạnh lúc bấy giờ. Tên tuổi của ông đã khắc sâu trong lòng người dân Goryeo và con cháu, tỏa sáng, trở thành một vì sao biểu trưng cho hoạt động quốc phòng, giành độc lập tự chủ của đất nước.

Lựa chọn của ban biên tập