Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Lee Do-young, họa sĩ truyện tranh đầu tiên của Hàn Quốc

2012-11-08

<b>Lee Do-young</b>, họa sĩ truyện tranh đầu tiên của Hàn Quốc
Nhân kỷ niệm "Ngày truyện tranh" nhớ về người đi tiên phong

Ngày 3/11 được coi là "Ngày truyện tranh", với mục đích để phục hưng cho truyện tranh, tìm đến sự hội tụ, hòa nhập của tất cả những người làm truyện tranh ở Hàn Quốc. Năm nay (2012) là năm thứ 12 "Ngày truyện tranh" được tổ chức, tập trung tới hơn 300 họa sĩ tiêu biểu trên lĩnh vực này hội tụ, cùng hướng đến một tương lai mới của 100 năm truyện tranh Hàn Quốc. Và trong bầu không khí đó, không thể không nhắc đến nhân vật đã đi tiên phong, người đầu tiên đã vẽ nên những cuốn truyện tranh trên đất nước này.

Sự ra đời của truyện tranh Hàn Quốc

Có thể xem truyện tranh đầu tiên của Hàn Quốc là phần tranh vẽ được gọi với tiêu đề là "tranh minh họa" trên số ra đầu tiên vào ngày 2/6/1909 của tờ "Daehanminbo" (Đại Hàn dân báo). Bức tranh vẽ một người đàn ông mặc Âu phục, từ miệng nói ra 4 dòng thơ, mỗi dòng lần lượt bắt đầu bằng các chữ "Dae" (Đại), "Han" (Hàn), "min" (dân), "bo" (báo). Đây là bức tranh hoạt họa hài hước nói về vai trò của một tờ báo, chẳng hạn như phải theo dõi kỹ tình hình thế cuộc, tập trung sức mạnh tinh thần của dân tộc, lắng nghe tiếng nói của người dân và truyền đạt tin tức, sự kiện chính xác... Người vẽ nên tác phẩm tranh hoạt họa đầu tiên này của Hàn Quốc chính là họa sĩ Lee Do-young, tên hiệu là "Quán Trai".
Trên thực tế, họa sĩ Lee Do-young vốn không phải là người quan tâm nhiều đến tranh hoạt họa. Ông sinh năm 1884 trong một gia đình danh giá, ông cha đời đời làm các chức quan lớn như quan nhất phẩm Tả nghị chính, quan nhị phẩm Đại đề học v.v... Đến năm 18 tuổi, ông theo học với các thầy An Jung-sik, Jo Seok-jin là những họa sĩ nổi tiếng hàng đầu lúc bấy giờ, vì thế mới học được nhiều họa pháp truyền thống của Hàn Quốc.
Đặc biệt, thừa hưởng phong cách vẽ của họa sĩ An Jung-sik, Lee Do-young đã phát huy được nét bút rất hài hòa mà tự do phóng khoáng ở các chủ đề tranh như tranh vẽ người, chim muộng động vật hay tĩnh vật. Ông bắt đầu bước trên con đường trở thành một họa sĩ vẽ tranh truyền thống, và phải nói nhà thư pháp nổi tiếng Oh Se-chang đã có công rất lớn trong việc khiến ông chuyển sang thành họa sĩ của tranh biếm họa về các vấn đề thời sự.

Thời kỳ của sự đấu tranh thể hiện qua tranh trào phúng

Oh Se-chang là một trong 33 nhà cách mạng đại diện cho dân tộc Hàn đưa ra tuyên ngôn độc lập trong phong trào 1/3/1919, đồng thời cũng là một nhà thư pháp, một người có kiến thức hết sức sâu rộng trong cảm nhận thư họa. Năm 1902, đảng phái cách tân tiến bộ bị buộc tội mưu phản và do có dính líu nên Oh Se-chang đã phải chạy trốn sang Nhật. Tại đây, Oh Se-chang đã gặp được Son Byeong-hee, giáo chủ của Thiên đạo giáo, một tôn giáo theo tư tưởng của phái Đông học và đã có cách nhìn nhận mới về phong trào vận động độc lập của đất nước. Sau 4 năm ở Nhật, năm 1906, Oh Se-chang đã trở về nước, làm giám đốc cho tờ Mansebo (Vạn tuế báo), một tờ báo ngày do giáo chủ Son Byeong-hee mở, và đồng thời cũng tổ chức thực hiện phong trào vận động trả nợ quốc trái. Năm 1909, khi tờ "Daehanminbo", báo của Hiệp hội Daehan phát hành số đầu tiên, Oh Se-chang lại ra làm giám đốc quản lý cho tờ báo này, triển khai phong trào dân tộc tự cường. Lúc đó Oh Se-chang đã nhờ Lee Do-young vẽ truyện tranh biếm họa cho báo của mình bởi lẽ đây là học trò hàng đầu của An Jung-sik và Jo Seok-jin là hai họa sĩ mà ông rất đỗi kính trọng.
Kể từ đó cho đến khi tờ "Daehanminbo" bị buộc đóng cửa vào ngày 31/8/1910, với thể loại truyện tranh in bằng bản khắc gỗ, Lee Do-young đã công bố nhiều tác phẩm cổ vũ cho tinh thần kháng Nhật cứu quốc của người dân Hàn. Các tác phẩm của ông đã thức tỉnh độc giả về thực trạng của những căn bệnh xã hội dẫn đến mất nước, những khó khăn của quốc gia cũng như trào phúng, đả kích thực dân Nhật và bè lũ phản quốc thân Nhật.

Trở về với hội họa truyền thống

Năm 1910, sau khi thực dân Nhật xâm lược và điều ước sáp nhập Hàn Quốc vào Nhật Bản xảy ra, Lee Do-young đã trở về với thể loại tranh thủy mặc. Năm 1911, ông hướng dẫn cho học sinh vẽ tranh ở các lớp học mở tại Hội Mỹ thuật thư họa do 2 người thầy của ông là Jo Seok-jin và An Jung-sik đứng đầu. Năm 1918, khi người bạn vẽ cùng lứa với ông là họa sĩ Ko Hee-dong, một họa sĩ từng học hội họa phương Tây ở trường Mỹ thuật Tokyo khởi xướng ra việc thành lập Hiệp hội Thư họa, ông đã tham gia, trở thành một trong những người đi đầu ủng hộ và sau đó tham gia lãnh đạo hiệp hội.
Lee Do-young rất tích cực trong các hoạt động sáng tác. Năm 1921, ông tổ chức triển lãm đầu tiên của Hiệp hội thư họa, đồng thời ông cũng viết ra nhiều tác phẩm như "Nguồn gốc của hội họa phương Đông", "Nghiên cứu hội họa phương Đông" v.v... đăng tải nhiều kỳ trên tờ báo của hiệp hội mang tên "Thư họa hiệp hội báo". Lee Do-young đã phát huy hết khả năng, đóng góp nhiều công lao cho hội họa Hàn Quốc và qua đời vào năm 1933, thọ 50 tuổi.

Người mở đường cho 100 năm truyện tranh của Hàn Quốc

Sau khi Lee Do-young, họa sĩ đầu tiên của thể loại truyện tranh qua đời, truyện tranh Hàn Quốc đã chính thức bước vào con đường phát triển. Ngay từ khi ra đời, các báo như "Chosun Ilbo" (Triều Tiên nhật báo) và "Dong-A Ilbo" (Đông Á nhật báo) đều đã giới thiệu tới công chúng thể loại truyện tranh biếm họa và đăng tải nhiều kỳ các truyện tranh biếm họa liên quan đến các vấn đề thời sự. Năm 1924, truyện tranh bốn khung đăng tải dài kỳ mang tên "Truyện xôi hỏng bỏng không của chàng ngốc" của họa sĩ theo phong cách hội họa phương Đông Roh Su-hyun đã gây tiếng vang và trở thành cuốn truyện tranh đầu tiên được chuyển thể thành phim truyện.
Sau ngày đất nước được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật 15/8/1945, truyện tranh Hàn Quốc đã bước sang giai đoạn phát triển thành những tác phẩm dài, in trên toàn trang giấy, chứ không chỉ giới hạn là những mẩu truyện ngắn hay tranh minh họa trong một vài khung, cột của báo hay tạp chí như trước đây nữa. Sau những năm 1960, nhiều tác giả truyện tranh như Shin Dong-woo, Ko Woo-young, Kim Won-bin đã nghiên cứu, tìm đến với thể loại truyện tranh mang phong cách Hàn Quốc, cho thấy những tiềm năng mới của truyện tranh. Tiếp đó, vào những năm 1980-1990, xuất hiện thêm nhiều tài năng truyện tranh mới như Lee Hyeon-se, Lee Du-ho, Hur Young-man, Kim Su-jeong, Hwang Mi-na, Shin Il-suk... Truyện tranh cũng được các họa sĩ khai thác, khám phá và phát triển đa dạng hơn về thể loại. Trên nền tảng đó, vào những năm 2000, nhiều tác giả truyện tranh trực tuyến, tiêu biểu là tác giả Kang Pool đã có những hoạt động nổi bật, đem lại sự phát triển của truyện tranh Hàn Quốc. Ngày nay, nhắc đến lịch sử trường tồn và những thành công có được của truyện tranh Hàn Quốc, không thể không kể đến Lee Do-young, người đã đi tiên phong, khơi nguồn cho lĩnh vực sáng tác này.

Lựa chọn của ban biên tập