Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Park Shi-choon, người tiên phong cho ca nhạc đại chúng Hàn Quốc

2012-10-25

<b>Park Shi-choon</b>, người tiên phong cho ca nhạc đại chúng Hàn Quốc
Liên hoan âm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Park Shi-choon

Ngày 9/10/2012 tại khu biểu diễn Olympic Hall thuộc công viên Olympic ở phía Nam thành phố Seoul một buổi diễn âm nhạc đặc biệt đã được tổ chức, quy tụ tất cả các gương mặt ca sĩ tiêu biểu của Hàn Quốc, từ nữ hoàng huyền thoại của những khúc hát bi thương Lee Mi-ja cho đến các ngôi sao dẫn đầu K-POP như BoA hay Super Junior... Tất cả các nghệ sĩ cùng nhau cất tiếng hát những ca khúc nổi tiếng của Park Shi-choon, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc nổi tiếng này. Dù rằng khác nhau về thế hệ, thể loại nhạc nhưng tất cả mọi người đều tham gia nhiệt tình, một lòng bày tỏ sự kính trọng trước Park Shi-choon, người thầy có sức ảnh hưởng lớn trong âm nhạc Hàn Quốc.

Tố chất nghệ sĩ nảy nở trong môi trường âm nhạc

Park Shi-choon tên thật là Park Sun-dong, sinh ngày 28/10/1913 tại Miryang tỉnh Nam Gyeongsang. Cha của ông, Park Nam-po vốn là một địa chủ giàu có ở vùng Miryang, đồng thời còn là người điều hành "Gwonpeon", một loại trung tâm kĩ viện nuôi dạy các ca kỹ nghề múa hát ca nhạc, vì thế cũng là người có tài uyên thâm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, thường xuyên qua lại với các danh ca nổi tiếng lúc bấy giờ như Song Man-gap, Lee Hwa Jungseon, Lee Dong-baek v.v...
Park Sun-dong từ nhỏ đã được tiếp xúc với âm nhạc nhưng khi mới vào học lớp một thì cha của ông mắc bệnh qua đời khiến cho gia cảnh trở nên sa sút. Năm 12 tuổi ông đã rời quê, để từ đây đến với con đường làm âm nhạc rất dài và gian khổ. Khi đó, ông vốn hay thả mình vào những bài hát phát ra từ một quán cà-phê trong thị trấn cho vơi đi nỗi buồn đau, sự suy sụp trước cái chết bất ngờ của người cha và cảnh nghèo khó mà mình phải gánh chịu. Nhưng rồi chủ quán cà-phê chuyển đi Suncheon, tỉnh Nam Jeolla nên ông cũng đã theo tới đó, làm các công việc tạp vụ và bắt đầu cất bước đến với thế giới âm nhạc.
Sun-dong làm cậu bé đánh trống theo giúp việc trong các đoàn biểu diễn văn nghệ và đoàn chiếu phim lưu động. Từ năm 14 tuổi ông đã đi khắp cả nước, ngày đánh trống tối chiếu phim, tranh thủ lúc rảnh thì học cách biểu diễn nhiều loại nhạc cụ như kèn trôm-pét, kèn xắc-xô, vi-ô-lông... Sau đó, ông trở thành thành viên của Đoàn Ca múa Arirang mới thành lập tại Seoul. Tại đây ông được đạo diễn thiết kế chương trình Hong Gae-myeong (sau này là đạo diễn điện ảnh) đặt cho nghệ danh là "Shi-choon", theo tiếng Hán có nghĩa là "Thị Xuân" - lúc nào cũng như mùa xuân. Ngoài ra, ông còn được nữ ca sĩ nổi tiếng Na Seon-gyo tiến cử, giới thiệu với Lee Seo-yeong, trưởng ban văn nghệ của công ty thu âm Chieron, một trong những công ty băng đĩa nổi tiếng của Seoul. Từ đó, với cái tên Park Shi-choon, ông đã trở thành một nhà soạn nhạc có triển vọng và cuộc đời nhạc sĩ cũng bắt đầu tỏa sáng.

Nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc được ưa chuộng

Bắt đầu với tác phẩm mang tên "Bài ca hy vọng", Park Shi-choon đã sáng tác ra một loạt tác phẩm, trong đó có tác phẩm "Eo biển của nước mắt" là ca khúc ra mắt của ca sĩ Nam In-soo (tên thật là Gang Moon-soo, nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng ở thể loại ca nhạc đại chúng của Hàn Quốc), một giọng ca hay hiếm thấy vào thời điểm năm 1936. Tiếp theo, cùng trong năm ông được nhà soạn lời bài hát Gang Sa-rang giới thiệu vào làm việc tại công ty thu âm O.Keh và năm 1937 đã sáng tác nên tác phẩm "Quán rượu bến cảng", một bài hát được đánh giá cao trong đĩa nhạc đầu tay của ca sĩ Kim Jeong-gu. Sau đó, trong lần gặp lại ca sĩ Nam In-soo, Park Shi-choon đã kết hợp lời bài hát của nghệ sĩ Lee Boo-poong vào giai điệu của ca khúc "Eo biển của nước mắt" mà công ty thu âm Chieron từng công bố trước đây, tạo ra một phiên bản mới vào năm 1938. Đó chính là tác phẩm "Dạ khúc buồn" đạt thành công kỷ lục chưa từng có lúc bấy giờ.
"Khóc cũng không đem được tình yêu xưa trở lại
Đêm nay buồn, an ủi mình bằng những giọt nước mắt
Lặng lẽ ngắm sao bên cửa sổ
Ai là người huýt sáo thổi bên tai"

Bài hát có giai điệu cuốn hút, đầy ấn tượng, ngôn từ gợi tả, thể hiện tình cảm mãnh liệt chất chứa trong lòng này đã mở ra một giai đoạn mới cho ca nhạc đại chúng Hàn Quốc thời cận đại. Sau đó, Park Shi-choon đã liên tục cho ra mắt công chúng nhiều tác phẩm đa dạng, từ những giai điệu trữ tình trong "Seogwipo 70 dặm" cho đến các bài dân ca truyền thống như "Thế gian là ống kính vạn hoa" hay các bài dân ca kiểu mới như "Lời than của ánh san hô" v.v... Ông đã đến với thời đại hoàng kim của sáng tác và được coi là một trong 3 nhà soạn nhạc lớn của công ty thu âm O.Keh, bên cạnh 2 tên tuổi nổi tiếng là Sohn Mok-in và Kim Hae-song.

Vừa là gốc rễ vừa là trụ cột của ca nhạc đại chúng Hàn Quốc

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực soạn nhạc, Park Shi-choon còn từng tổ chức nên hội "Arirang Boys" trong Đoàn Nhạc kịch Joseon thuộc công ty Okeh quản lý. Tại đây, ông đã thể hiện là một nghệ sĩ đa tài, biểu diễn ngẫu hứng các tiết mục hát bè, kịch câm và chơi nhạc cụ trên sân khấu. Đồng thời ông vẫn tiếp tục sáng tác, thể hiện sinh động từng thời điểm, hoàn cảnh lịch sử của Hàn Quốc qua các bài hát của mình. Đó chính là các tác phẩm như "Lucky Seoul" thể hiện niềm vui sau ngày đất nước được giải phóng khỏi ách độ hộ của thực dân Nhật, "Hãy đi đi, vĩ tuyến 38" bày tỏ nỗi đau chia cắt hai miền Nam-Bắc, hay các tác phẩm như "Geum-sun ơi, hãy mạnh mẽ lên", "Bến xe Busan biệt ly" v.v... đem lại dũng khí và niềm hy vọng cho người dân đương gặp nạn chiến tranh.
Qua những công lao đóng góp đó, sự xuất hiện của Park Shi-choon đã mở ra một trang sử mới cho ca nhạc đại chúng, ông được đánh giá vừa là gốc rễ, vừa là trụ cột của ca nhạc Hàn Quốc. Năm 1982, ông được nhận Huân chương Văn hóa của chính phủ Hàn Quốc và trở thành nhà soạn nhạc đại chúng đầu tiên được trao tặng tấm huân chương này.
Park Shi-choon hiến dâng cả cuộc đời để tìm tòi, sáng tạo nên những giai điệu chứa đựng tình cảm của con người Hàn Quốc và đã qua đời do mắc bệnh nan y vào ngày 30/6/1996. Cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn không ngừng sáng tác, để lại tới hơn 3.000 bài hát và đến nay, không có người dân Hàn Quốc nào chưa từng hát ca khúc của ông. Park Shi-choon - cái tên đó đã trở thành một danh từ biểu trưng cho lịch sử âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập