Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kim Byeong-yeon, nhà thơ phiêu lãng cùng chiếc mũ satgat

2012-10-18

<b>Kim Byeong-yeon</b>, nhà thơ phiêu lãng cùng chiếc mũ satgat
Khi như mây lúc như gió...

"Chim có tổ, thú có hang
Mà sao ta, cả cuộc đời đơn độc, không nhà không cửa,
Nghìn dặm lang thang với đôi giày rơm và thanh gậy trúc,
Như mây trôi nước chảy, trời đất bốn phương đều là nhà."

Đó là đoạn thơ tự họa về cuộc sống của một thi nhân, một người suốt đời phiêu bạt, lang thang khắp nơi với hành trang là chiếc mũ nan, cây gậy trúc và đôi giày cỏ. Cũng vì vậy mà khắp nơi thiên hạ đều gọi ông là "Kim satgat". Sở dĩ, thi nhân vốn có tên thật là Kim Byeong-yeon, nhưng do ông thường xuyên đội mũ satgat, một loại mũ nan xưa của Hàn Quốc để phiêu du, đi lại khắp nơi như một kẻ lang thang buồn chán cho nên mới có cái biệt danh này. Ông còn được biết đến với cái tên bằng chữ Hán là "Kim lạp" cũng cùng có ý nghĩa là "người họ Kim đội nón".
Kim Byeong-yeon là người có phong cách thơ táo bạo, phá cách, kết hợp với sự trào phúng, hài hước và trí tuệ sắc sảo. Ông luôn thoắt ẩn thoắt hiện với những hành động kỳ lạ, chẳng thể ai ngờ và để lại nhiều truyền thuyết ở mỗi nơi ông qua.

Đội mũ lang thang vì không dám ngửa mặt nhìn trời

Kim Byeong-yeon sinh ra tại một miền quê bên bờ sông Bukhan, huyện Yangju tỉnh Gyeonggi vào năm 1807, năm thứ 7 triều vua Sunjo (Thuần Tổ, vua đời thứ 23 của Joseon). Tháng 12 năm 1812, cuộc khởi nghĩa nông dân của Hong Gyeong-rae nổ ra ở tỉnh Pyeongan đã làm thay đổi số phận của ông, dù rằng lúc đó ông mới 5 tuổi. Nguyên do vì ông nội của ông là Kim Ik-sun bây giờ đang làm chức Phủ sứ của huyện Seoncheon nhưng rồi bị buộc tội phản nghịch và xử chết cả nhà vì đã đầu hàng nghĩa quân và cướp công của người khác.
Kim Byeong-yeon, lúc này lên 6 tuổi, được một người hầu là Kim Seong-su cứu giúp và đã cùng với anh của mình là Kim Byeong-ha lánh về Goksan, tỉnh Hwanghae, khó khăn lắm mới giữ được mạng sống. Sau này, khi được xá tội, gia đình của Kim Byeong-yeon vãng lai, sống ở khắp các địa phương như Gwangju, Icheon, Gapyeong v.v... rồi mới về Pyeongchang, định cư ở vùng Yeongwol. Năm 20 tuổi, sự kiện tham gia cuộc thi viết thơ văn tại Dongheon, huyện Yeongwol một lần nữa đã thay đổi con đường đời của Kim Byeong-yeon.
Đầu bài trong cuộc thi lần đó là ca ngợi Jeong Si, tri huyện Gasan đã tuẫn tiết bảo toàn danh dự và luận tội Phủ sứ Kim Ik-sun vào thời điểm xảy ra cuộc nổi dậy của Hong Gyeong-rae. Không biết Kim Ik-sun chính là ông của mình, Kim Byeong-yeon đã viết nên những lời mắng nhiếc cay độc và được đỗ đầu bảng. Sau khi thi đỗ, được nghe kể về lai lịch, gốc gác của gia đình mình, ông mới chìm trong hối hận, tự trách mình là kẻ tội nhân, dám mắng chửi tổ phụ. Từ đó, ông luôn xem mình có tội, không còn mặt mũi nào để nhìn trời xanh và luôn đội mũ nan satgat, chống gậy trúc đi lang thang khắp nơi. Đây cũng chính là thời điểm đã làm ông thay đổi con người, trở thành nhân vật "Kim satgat" nổi tiếng sau này.

Thế giới thơ của Kim Byeong-yeon

Bắt đầu với việc du ngoạn trên núi Geumgang, Kim Byeong-yeon lần lượt tới thăm nhiều trường học ở khắp các địa phương trên cả nước. Bốn năm sau ông trở về quê, ở lại đây hơn 1 năm rồi sau đó lại tiếp tục lên đường phiêu du. Cuộc đời của ông đã trở thành yếu tố quan trọng mở ra một chân trời mới riêng biệt trong lịch sử văn học Hàn Quốc.
Kim Byeong-yeon làm thơ mô tả và chế nhạo hiện thực đương thời bằng những lời thơ châm biếm, chỉ trích thói hám của, hám lợi và bạc bẽo của quý tộc địa phương. Chẳng hạn ông viết nên những bài như:
"Ở khu từ đường hỏi nhà giữ từ đường mới biết,
Hóa ra đây là họ Gang giữ tới chức Phụ quốc Đại khuông
Tổ tiên họ theo đạo Phật mà con cháu lại học thói của người rợ
Chủ thì dòm xuống, xem kẻ khất thực có còn dưới mái hiên,
Lãng khách thì chỉ còn biết thở than với trời chiều trước cửa
Các chức Tọa thủ, Biệt giám đều không hợp với họ,
nên chăng chỉ đi làm kẻ lính tốt."

Lối chơi chữ, phát huy tối đa cái sắc sảo mang tính gợi tả về mặt âm thanh của chữ Hangeul với cái biểu trưng tinh tế của chữ Hán trong thơ của Kim Byeong-yeon chính là một lời thách thức với hình thức thơ truyền thống trước đó. Ông đã viết nên những bài như:
"Lục nguyệt viêm thiên điểu tọa thụy (Trời tháng sáu nóng bức, chim phải ngủ ngồi)
Cửu nguyệt lương phong dăng tận tử (Gió tháng chín lạnh, ruồi đều chết hết)
Nguyệt xuất đông lĩnh văn chí (Mặt trăng mọc ở phía núi đằng Đông khiến muỗi ở đâu kéo đến)
Nhật lạc tây san ô hướng sào (Mặt trời lặn ở núi đằng Tây, khiến quạ về tìm ổ)"

Thi nhân theo ngọn sóng làn gió, cứ lang thang khắp nơi như vậy. Và mỗi khi gặp điều bất chính hay phi nghĩa ông lại sáng tác ra những bài thơ trào phúng, dí dỏm, còn khi gặp được cảnh đẹp, người đẹp thì ông lại ngâm lên những bài thơ rất trữ tình. Kim Byeong-yeon để lại tổng số tới hơn 1000 tác phẩm và đến năm 1863, ở vùng Hwasun, tỉnh Nam Jeolla ông đã qua đời nơi đất khách quê người, thọ 57 tuổi.

Một "người di-gan của Hàn Quốc"

Giai đoạn cuối triều Joseon, trong bối cảnh của thời đại hỗn loạn, nhà thơ Kim Byeong-yeon đã vượt qua khỏi được sự chán nản, tuyệt vọng, luôn cô độc một mình, không dừng bước trên khắp mọi nẻo đường cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù vướng vào bi kịch gia đình và gặp nhiều điều bất hạnh nhưng cuộc đời ông vẫn trở thành thơ, như làn mây, làn sóng, ngọn gió bay đi khắp nơi, ngâm lên những vần thơ vừa hay vừa sâu sắc. Kim Byeong-yeon mãi là vị khách phong lưu trong lịch sử của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập