Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Thương gia Yi Gwang-hyeon, người Balhae đi tìm đạo

2013-06-06

<strong>Thương gia Yi Gwang-hyeon</strong>, người Balhae đi tìm đạo
CNgười được gọi với biệt danh "Hải khách"

Balhae (Bột Hải), một quốc gia tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 698 đến năm 926, nằm ở phía Bắc của bán đảo Hàn và miền duyên hải phía Đông Bắc của Trung Quốc ngày nay. Quốc gia này vốn đã bỏ rất nhiều công sức cho việc giao lưu với các nước lân bang. Theo ghi chép của "Tân Đường Thư" soạn năm 1044∼1060 của nhà Tống, Trung Quốc thì Balhae đã thông qua các tuyến đường riêng để giao lưu với các nước lân bang như Nhật Bản, Silla và nhà Đường Trung Quốc (đường Triều Cống và đường đi Doanh Châu, nay là Triều Dương tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Đằng sau mối quan hệ giao lưu này cũng đồng thời là các hoạt động trao đổi thương mại và thời điểm bấy giờ đã nổi lên một nhân vật có tên là Yi Gwang-hyeon, con trai của một thương gia người Balhae. Yi Gwang-hyeon là người vừa theo nghề kinh doanh buôn bán vừa trau dồi theo học Đạo giáo và do thường xuyên đi lại giữa biển đảo và đất liền nên ông được mọi người đặt cho biệt danh là "Hải khách" - vị khách đến từ biển cả.

Tìm đường học đạo

Yi Gwang-hyeon mặc dù sinh ra trong một gia đình thương gia rất giàu có ở Balhae nhưng cha mẹ qua đời từ khi còn nhỏ nên ông chỉ sống cùng với các anh em và đám người hầu trông coi việc trong gia đình. Ông chính thức vào nghề buôn bán từ năm 20 tuổi với những chuyến đi thuyền vượt biển Hwanghae (Hoàng Hải) đến các vùng bán đảo Sơn Đông, tỉnh Giang Tô, Chiết Giang... của Trung Quốc. Lúc bấy giờ đang diễn ra nhiều hoạt động thương mại của người Balhae với Nhật Bản, Silla và nhà Đường, Trung Quốc, song Yi Gwang-hyeon lại khác với các thương gia khác, ông không giao dịch để mưu cầu lợi nhuận mà chủ yếu hướng tới con đường học đạo.
Vào năm ông 24 tuổi, một lần, sau khi kết thúc việc buôn bán trên đất nhà Đường và đang trên thuyền trở về Balhae thì tình cờ ông gặp được một đạo sĩ già tới hơn 100 tuổi. Yi Gwang-hyeon đã nói chuyện, kể về việc đi lại khắp các quốc gia của mình với vị đạo sĩ. Khi được đạo sĩ hỏi "Cậu đi lại khắp các nước đó để thu về cái gì?" thì ông trả lời rằng "Tôi đi như vậy là để tìm người đắc đạo và những người thông hiểu đạo lí, không bị ràng buộc bởi thế tục." Bấy giờ đạo sĩ mới biết ông là người say mê Đạo giáo, luôn mong được giác ngộ đạo nên đã chỉ cho ông mấy bí quyết để tu luyện. Mừng rỡ, Yi Gwang-hyeon liền tìm đến một hòn đảo mang tên Undo để tu luyện theo những cách thức đó trong suốt 10 năm.
Sau khi kết thúc quá trình tu đạo, Yi Gwang-hyeon trở về nhà, trông dáng vẻ ông lúc này đã thay đổi hoàn toàn khác nên mọi người mới gọi ông là "Hải khách". Mặc dù phép tự thân tu luyện mà ông học được chính là một trong những phép trường sinh, nhưng ông vẫn không cho rằng đó là phương pháp có thể giúp mình trở thành thần tiên.

Để lại dấu ấn trong lịch sử của Đạo giáo

Thấy còn nhiều hạn chế trong việc tự tu luyện, Yi Gwang-hyeon đã sang Trung Quốc và có hơn 20 năm đi khắp các ngọn núi nổi tiếng tại đây để tìm học đạo. Thế rồi ông cũng gặp được một đạo sĩ và được vị đạo sĩ này truyền cho những lời dạy của Cát Hồng - nhà triết học nổi tiếng, người từng biên soạn sách về lịch sử và lý thuyết của đạo thần tiên ở Trung Quốc.
Theo bộ sách mang tên "Bão Phát Tử" của Cát Hồng thì chỉ đắc đạo vẫn chưa đủ mà phải uống "tiên dược" mới có thể trở thành thần tiên. Quá trình luyện thuốc "tiên dược" này cũng chính là những bài học để hướng tới sự giác ngộ. Nhân đó, Yi Gwang-hyeon đã viết nên bộ sách mang tên "Kim dịch hoàn đơn bách vấn quyết", ghi chép lại toàn bộ nội dung đối thoại của mình với vị đạo sĩ. Sách cũng chứa đựng các câu chuyện về phương pháp và nơi thích hợp cho việc luyện thuốc để trở thành thần tiên và về sau nó đã được tóm lược lại thành cuốn "Hải khách luận" để công bố rộng rãi.
Hơn 300 năm sau, bộ sách "Đạo Xu", một bộ sách thu thập toàn bộ các phương pháp tu luyện trong lịch sử của Đạo giáo ra đời (Sách do tác giả Tằng Tháo của nhà Tống, Trung Quốc biên soạn) và trong đó cũng có phần tóm lược nội dung công trình của Yi Gwang-hyeon. Điều này cho thấy tác phẩm của Yi Gwang-hyeon đã để lại một dấu ấn rất rõ ràng trong lịch sử phát triển của Đạo giáo.
Có thể nói Yi Gwang-hyeon là người Balhae đầu tiên đã để lại cho đời sau những ghi chép của chính mình. Từ sau những năm 1990, khi giới học thuật Trung Quốc điều tra, tìm hiểu về kinh điển của Đạo giáo, Yi Gwang-hyeon mới bắt đầu được biết đến và trở thành nhân vật được chú ý để tiếp tục nghiên cứu thêm. Có thể xem Yi Gwang-hyeon là người đã để lại tác phẩm lâu đời nhất trong lịch sử Đạo giáo của Hàn Quốc. Ông không những lấp đầy khoảng trống cho lịch sử Đạo giáo của Balhae, mà nhờ có ông người ta mới tìm hiểu và biết được về nhiều hoạt động thương mại sôi động ở nước ngoài của thương gia Balhae vào thế kỷ thứ 9 sau công nguyên.

Lựa chọn của ban biên tập