Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yu Su-won, học giả thời Joseon, người chiến thắng khuyết tật

2013-06-13

Viết nên những trang sách đi trước thời đại

Có một bộ sách được viết ra dưới thời Joseon mang tên gọi là "Vu thư" (Useo). Đây là bộ sách so sánh văn hóa của Joseon với Trung Quốc, đồng thời vạch ra một cách có hệ thống những điều mà triều Joseon lúc bấy giờ cần phải thay đổi về mọi mặt như chính trị, kinh tế, xã hội hay văn hóa... Bộ sách được viết vào năm 1737, năm thứ 13 triều vua Yeongjo (Anh Tổ, vua thứ 21 của Joseon), phản ánh rằng sự nghèo đói của đất nước, của bá tính là xuất phát từ chỗ mọi người dân đều không thể hết lòng với công việc của mình. Để giải quyết vấn đề này, "Vu thư" cũng giải thích là cần phải xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp để mỗi người đều có thể làm việc theo năng lực và sở thích của mình… Có thể nói, bộ sách này là tài liệu rất quan trọng cho việc nghiên cứu về tư tưởng thực học (silhak) giai đoạn cuối thời Joseon và tác giả của bộ sách đi trước thời đại này cũng chính là Yu Su-won, một viên quan văn, một học giả của phái thực học.

Vị học giả Joseon vượt lên trên khuyết tật

"Thái thú quận Danyang là Yu Su-won, dù tai không nghe được nhưng viết văn rất hay. Ông đã viết một quyển sách có ghi chép kế hoạch xây dựng đất nước."
-Anh Tổ thực lục, ngày 24 tháng 10 năm 1737-
Trên đây là nội dung tiến cử Yu Su-won của các quan lại tâu lên khi vua Yeongjo ra lệnh tìm người hiền tài giúp nước. Lúc này Yu Su-won còn đang làm thái thú ở quận Danyang, nghe nói sách "Vu thư" của ông rất hay nên vua Yeongjo cũng đã cho người tìm bộ sách này về. Tài liệu lịch sử "Anh Tổ thực lục" có ghi chép lại rằng, đọc sách xong, nhà vua đã vời gọi Yu Su-won đến để trao đổi nhưng vì ông khiếm thính, không nghe được nên khi nói chuyện đã phải viết ra thành chữ.
Yu Su-won sinh tại Chungju tỉnh Bắc Chungcheong, từ lúc mới chào đời đã khiếm thính, vì thế ngay cả các tên hiệu của ông là "Lung Am", "Lung Khách"... cũng đều mang ý nghĩa chỉ việc "không nghe được". Yu Su-won bước vào chốn quan trường từ khi 25 tuổi nhưng bộ sách "Vu thư" của ông thì được viết vào độ ông 40 tuổi, lúc ông đương còn làm quan ở địa phương. Dù tai không nghe được, suốt ngày phải vật lộn với bệnh tật, nhưng với vốn kinh nghiệm có được khi làm quan ở nhiều địa phương, Yu Su-won đã dốc tâm huyết viết nên được một bộ sách nổi tiếng.

Phải chú trọng vào phát triển công thương nghiệp

"Vu thư" là bộ sách đúc kết lại tất cả mọi vấn đề lúc bấy giờ như nên thay đổi chế độ phân biệt đẳng cấp và chế độ khoa cử ra sao, đồng thời sách cũng đưa ra một cách có hệ thống những đối sách cần thiết giúp cho đất nước trở nên giàu có. Ở đây, Yu Su-won đã chỉ ra rằng, đa phần người nghèo khổ đều là nông dân và vấn đề cần phải giải quyết trước nhất chính là phải xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp để cho bá tính được sinh sống bình đẳng.
Một trong những đề án cải cách được chú ý tới nhiều nhất của "Vu thư" chính là nội dung lấy công thương nghiệp chứ không phải nông nghiệp làm nòng cốt. Sách viết rằng nên để cho các học giả, những người vốn chỉ đọc sách đi vào làm công nghiệp hay thương nghiệp, và như vậy, tất cả học giả cũng như người làm nông nghiệp, công nghiệp hay thương nghiệp đều được đối xử bình đẳng như nhau.
Riêng đối với nông nghiệp, Yu Su-won cho rằng điều quan trọng là phải phát triển kỹ thuật làm nông nghiệp để tăng hiệu quả sản xuất chứ không phải là tăng diện tích đất trồng lên một cách vô tội vạ. Đặc biệt, Yu Su-won đề nghị trường hợp thương nhân buôn bán lớn, kiếm được nhiều tiền thì phải làm các việc giúp đỡ cho sự phát triển của xã hội ở các địa phương như xây dựng trường học hay cầu cống v.v... Tư tưởng này của ông có thể xem cũng giống như việc đầu tư vốn gián tiếp xã hội hay tham gia tích cực vào phát triển xã hội ở những vùng miền còn lạc hậu của các tập đoàn hay doanh nghiệp kinh tế lớn ngày nay vậy.

Cố gắng để người dân có cuộc sống no đủ hạnh phúc

Thông qua tác phẩm "Vũ thư", Yu Su-won đã đưa ra chủ trương "lợi dụng hậu sinh", có nghĩa là hướng tới mục tiêu kinh tế giàu có, bá tính ăn mặc, sinh sống hạnh phúc. Phương pháp mà ông đề ra cho chủ trương này là nhà nước phải tạo ra được môi trường phù hợp cho người dân có thể dồn sức, hết mình vào công việc của họ. Bên cạnh đó, Yu Su-won cũng theo đuổi một chủ trương là làm cho đất nước giàu mạnh. Tư tưởng tăng cường cho "quốc phú" mà ông đề cập tới, thực tế chính là sự kế thừa từ các học giả của phái Bắc học trước đây như Park Ji-won, Park Je-ga, Hong Dae-yong và nó đã nổi lên như một luồng tư tưởng chủ đạo, tiêu biểu của giai đoạn cuối thời Joseon. Tuy nhiên, khác với Park Ji-won và Park Je-ga, Yu Su-won chưa từng tới Trung Quốc. Ông chỉ đánh giá các vấn đề của xã hội Joseon lúc bấy giờ bằng vào kinh nghiệm làm quan ở địa phương của mình. Từ đó, ông đưa ra phương thức lấy công thương nghiệp làm nòng cốt để làm cho quốc gia giàu có về tài chính, người dân được sinh sống tiện nghi, thoải mái hơn.
Mặc dù phải hy sinh trong cuộc tranh giành quyền lực của các đảng phái giai đoạn cuối thời Joseon và có một kết cục đầy bất hạnh, nhưng cho đến nay, trải qua bao năm tháng, Yu Su-won và chủ trương tiến bộ của ông vẫn được người Hàn Quốc đánh giá rất cao. Ông chính là người đã khắc phục, vượt lên trên khuyết tật để vạch ra được những vấn đề cần thiết trong việc mở ra một thời đại mới, một con đường mới hướng tới tương lai của đất nước.

Lựa chọn của ban biên tập