Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Tiểu thuyết gia Kim Dong-ni, cây đại thụ của văn học hiện đại Hàn Quốc

2013-06-20

<strong>Tiểu thuyết gia Kim Dong-ni</strong>, cây đại thụ của văn học hiện đại Hàn Quốc
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Kim Dong-ni

Gần đây, giới văn học Hàn Quốc đang có nhiều hoạt động sôi nổi để kỷ niệm, tưởng nhớ và nhìn nhận lại về tiểu thuyết gia Kim Dong-ni. Tiểu thuyết gia này vốn là lãnh tụ trên văn đàn của phe cánh hữu sau ngày Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, đồng thời cũng là người có nhiều tác phẩm mang đậm tính bảo thủ, lấy văn hóa truyền thống làm chất liệu, chẳng hạn như "Bức họa nữ pháp sư", "dịch mã" (ngựa ở trạm dịch), "Đẳng Thân Phật"... Vì thế, Kim Dong-ni còn được người Hàn gắn cho cái tên là "tác giả mang phong cách Hàn Quốc nhất" và năm nay người ta đang tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Đưa thời niên thiếu của mình vào tác phẩm

Kim Dong-ni tên thật là Kim Si-jong, sinh năm 1913 tại Gyeongju tỉnh Bắc Gyeongsang. Mẹ của ông vốn không đủ sữa nuôi ông vì mãi đến năm 42 tuổi mới sinh con, phần lại do việc đồng áng vất vả nên thường phải để chị dâu của ông thay mẹ hòa bột ngũ cốc hay hạt dẻ vào nước, đun lên cho ông ăn.
Hoàn cảnh gia đình của Kim Dong-ni không được dư dả cho lắm. Vì thế, thủa nhỏ ông chỉ chơi đùa, chạy nhảy trên núi hay ngoài cánh đồng mà ít được chú tâm vào việc học. Song, cũng chính nhờ vậy mà sau này ông đã tạo ra được không gian thân thiện, thấm đượm chất thiên nhiên trong các tác phẩm của mình.
Khi còn học tiểu học, Kim Dong-ni được biết đến là cậu bé viết văn rất hay. Mặc dù sau này ông còn được học qua các trường trung học Gyeseok ở Daegu, rồi lên tiếp trường cao đẳng Gyeongshin ở Seoul v.v... nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông đã buộc phải thôi học. Tuy nhiên sau đó ông dồn tâm huyết vào việc đọc sách, bổ sung kiến thức, bù đắp cho những thiếu hụt về đào tạo của mình. Ông đã đọc được một số lượng lớn sách, bắt đầu từ những cuốn triết học, văn học thế giới, các tác phẩm cổ điển của phương Đông… Kể ra, quá trình tiếp cận với sách vở để có thể trở thành nhà văn lớn của Kim Dong-ni có vai trò rất lớn của người anh cả của ông. Người anh này chính là Kim Beom-bu, một nhà Hán học và đồng thời cũng là một nhà triết học của Hàn Quốc.

Tác giả tiêu biểu của diễn đàn văn học Hàn Quốc

Năm 1929 Kim Dong-ni ra mắt tác phẩm thơ "Cô độc" và bắt đầu được nhiều người biết đến. 5 năm sau, năm 1934, tác phẩm thơ "Bạch lộ" (cò trắng) của ông được bình chọn là tác phẩm thơ hay trên báo Chosun Ilbo (Triều Tiên nhật báo). Một năm sau đó tiểu thuyết "Hậu duệ của Hwarang" của ông cũng đoạt giải thưởng văn nghệ hàng năm "Tân xuân văn nghệ" do tờ Jungangilbo (Trung ương Nhật báo) tổ chức. Tính đến năm 1940, ông đã liên tục cho ra mắt một loạt các tác phẩm như "Hoàng thổ kí", "Thuyết thặng dư", "Hoa tường vi" v.v...
Sau ngày đất nước được giải phóng, Kim Dong-ni về sống tại phường Donam, thành phố Seoul. Năm 1946, ông cùng với các nhà văn khác như Jo Ji-hun, Hwang Sun-won, Park Mok-wol, Park Du-jin, Kim Dal-jin và Seo Jeong-ju lập nên "Hội Nhà văn thanh niên Joseon" và đảm nhận cương vị chủ tịch hội.
Tác phẩm tiêu biểu của ông mang tên "Bức họa nữ pháp sư" (Vu nữ đồ) là một tiểu thuyết chứa đựng những mâu thuẫn về vấn đề gia đình và tôn giáo, có nội dung xoay quanh cuộc sống của một nữ pháp sư với hai người con là hai anh em cùng mẹ khác cha. Thực tế, Kim Dong-ni từng đi nhà thờ do chịu ảnh hưởng từ mẹ của ông là người theo đạo Cơ-đốc và tất cả những trải nghiệm của ông trong giai đoạn này đều đã được phản ánh đầy đủ trong tác phẩm "Bức họa nữ pháp sư".
Tác phẩm "Bức họa nữ pháp sư" xuất hiện cùng tập với 8 trong số 21 truyện ngắn khác mà Kim Dong-ni viết được kể từ sau khi tác phẩm "Hậu duệ của Hwarang" ra mắt cho đến ngày đất nước được giải phóng. "Bức họa nữ pháp sư" cũng đã qua mấy lần chỉnh sửa và đến năm 1978 bản cuối cùng mới được hoàn thành, chuyển sang hình thức của một trường thiên tiểu thuyết với tên gọi "Ất hỏa" (Eulhwa).

Kim Dong-ni, tác giả mang phong cách Hàn Quốc nhất

Nửa sau những năm 1940, Kim Dong-ni đã không ngừng sáng tác suốt quãng thời gian ông làm trưởng ban biên tập của một tờ báo. Giai đoạn này tác phẩm của ông phản ánh việc trở về nhà của người dân sau ngày giải phóng và nỗi buồn của những người bị mất nhà, mất cửa.
Các tác phẩm ra đời cùng thời với Kim Dong-ni lúc này chủ yếu lấy đề tài từ những khó khăn mà dân tộc Hàn phải gánh chịu dưới thời Nhật thuộc và sau đó là cái nghèo đói hay khổ đau do chiến tranh gây ra. Các tác phẩm này thường hướng nguyên nhân tới các vấn đề của xã hội, của chế độ và gửi tới độc giả thông điệp, kêu gọi sự khai thông cho những số phận bế tắc. Tuy nhiên, Kim Dong-ni lại hoàn toàn khác. Với những khó khăn người dân phải gánh chịu, ông không đổ lỗi cho thời đại hay kêu gọi phải đứng lên phá vỡ thế bế tắc, thay đổi số phận… Các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm của ông đa phần đều hoàn toàn chấp nhận nỗi buồn chung của thời đại, thể hiện những hình ảnh kiên trì, chịu đựng nhờ dựa vào tín ngưỡng dân gian hay niềm tin tôn giáo. Chính vì đặc điềm này mà đã xuất hiện nhiều đánh giá khác về Kim Dong-ni bên cạnh quan điểm cho ông là "tác giả mang phong cách Hàn Quốc nhất" - người tô vẽ rõ nét nhất hình ảnh của dân tộc Hàn sau ngày giải phóng. Đó là những đánh giá cho rằng tác phẩm của ông mang tính phi hiện thực, thể hiện hình ảnh cuộc sống phụ thuộc vào thuật bùa chú, thần thoại...
Cả cuộc đời Kim Dong-ni đã để lại vô số các tác phẩm văn học. Ở tuổi 75 ông vẫn cho ra mắt những tác phẩm của mình, thể hiện lòng nhiệt huyết luôn dành cho sáng tác. Ông đã tiếp tục viết nên trường thiên tiểu thuyết "Lịch sử của tự do" và tập tùy bút "Nguồn tình yêu tuôn trào khắp nơi". Đến năm 1990 ông bị đột quỵ do bị tai biến mạch máu não và đã qua đời sau 5 năm vật lộn cùng bệnh tật.

Lựa chọn của ban biên tập