Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Gang Gam-chan, danh tướng thời Goryeo

2012-12-06

<strong>Gang Gam-chan</strong>, danh tướng thời Goryeo
Vị anh hùng cứu quốc bất diệt trong lòng người Hàn

Bán đảo Hàn Quốc nằm ở mũi phía Đông của lục địa Á-Âu, lục địa lớn nhất trên thế giới và đồng thời cũng là cửa ngõ tiến ra Thái Bình Dương. Do có vị trí địa chính trị quan trọng như vậy, nên lịch sử Hàn Quốc luôn phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh và cứ mỗi khi tổ quốc lâm nguy lại xuất hiện những vị anh hùng cứu quốc sáng danh trong sử sách. Đó chính là những Eulji Mundeok, vị tướng chỉ huy có tài thao lược, đánh bại quân xâm lược nhà Tùy, Trung Quốc trên sông Salsu (Tát Thủy, nay là sông Cheongcheon), hay Yi Sun-sin, vị đô đốc hải quân đã liên tiếp chiến thắng trong cuộc chiến với Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592), hoặc đó là Kim Jwa-jin, nhà cách mạng của phong trào vận động độc lập, người đóng vai trò chủ đạo trong thắng lợi ở Cheongsanri (1920), thắng lợi rực rỡ nhất của quân độc lập trong công cuộc kháng chiến chống ách đô hộ của thực dân Nhật v.v...
Tuy nhiên, còn có một nhân vật vĩ đại không thể không nhắc đến trong lịch sử bảo vệ đất nước của Hàn Quốc. Đó chính Gang Gam-chan, người anh hùng đã làm nên chiến thắng huyền thoại ở Gwiju, đánh tan 10 vạn quân Khiết Đan xâm nhập vào lãnh thổ của Goryeo năm 1018-1019.

Sự ra đời ứng vào sao Văn Khúc

Gang Gam-chan sinh năm 948 tại Geumju, nay là phường Bongcheon, quận Gwanak thành phố Seoul. Sự ra đời của ông gắn liền với một huyền thoại rất đặc biệt. Nơi ông sinh ra được người ta gọi là "Nakseongdae" (Lạc Tinh đài) với ý nghĩa chỉ vào đêm ông chào đời có một vì sao lớn từ trên trời rơi xuống. Tương truyền, cái tên này xuất hiện là bởi mẹ của ông đã mơ thấy có ngôi sao rơi vào bụng mà sinh ra ông.
Trong "Lịch sử Goryeo" (Cao Ly sử) phần "Liệt truyện" cũng có ghi chép như sau: "Theo lời xưa truyền lại, có vị sứ thần Trung Quốc ban đêm nhìn thấy một ngôi sao lớn rơi xuống mới cho người đi tìm hiểu thì thấy trùng hợp là ở chỗ đó có gia đình sinh hạ được một bé trai. Đứa bé đó chính là Gang Gam-chan. Về sau, lại có vị sứ thần nhà Tống khi gặp Gang Gam-chan, tự nhiên tiến tới làm lễ và nói rằng, lâu rồi không nhìn thấy sao Văn Khúc, thì ra là đang ở đây."
Sao Văn Khúc (Văn Khúc tinh) là sao thứ tư trong chòm sao Bắc Đẩu, còn có tên gọi khác là sao Thiên Quyền (Thiên Quyền tinh), được cho là vị tinh tú chủ quản việc công danh, văn chương học vấn. Gang Gam-chan sinh ra ứng vào sao Văn Khúc nên từ nhỏ đã giỏi văn võ, học được nhiều điều từ cha của mình là Gang Gung-jin, người đã có công giúp Thái Tổ Wanggeon xây dựng nên nhà nước Goryeo. Tuy nhiên, năm Gang Gam-chan 17 tuổi, cha của ông qua đời nên ông đã bỏ đi khắp nơi để tìm học đạo, dày công tu dưỡng cả về tâm hồn và thể chất. Mãi đến năm 983, khi đã 36 tuổi ông mới tham gia kỳ khoa cử của triều đình, đỗ trạng nguyên và bắt đầu ra làm quan.

Tiến ra chiến trường

Gang Gam-chan vốn đến với quan trường là một vị quan văn. Trên thực tế, năm 1010, khi vua Thánh Tông (Liêu Thánh Tông) kéo 40 vạn quân Khiết Đan đánh Seogyeong (Tây Kinh), ông đã đưa vua Goryeo là Hyeonjong (Hiển Tông) đi lánh nạn ở Naju, góp phần bảo vệ non sông xã tắc. Sau đó, theo lệnh của vua, ông đã trải qua một loạt các vị trí quan chức như làm Hàn lâm học sĩ, soạn thảo các văn thư ngoại giao, rồi làm Trung xu viện sứ, chức quan tam phẩm của "Trung xu viện" (như Xu mật viện), cơ quan coi việc quân cơ, việc bảo vệ và truyền đạt chiếu lệnh của vua hay đảm nhận chức Lại bộ thượng thư, đứng đầu bộ Lại...
Năm 1018, Gang Gam-chan được cử làm chức Nội sử thị lang, đứng vị trí thứ hai ở "Nội sử tỉnh", một cơ quan trung ương của triều đình và đồng thời kiêm nhiệm chức quan địa phương là Tây Kinh lưu thú. Chức Tây Kinh lưu thú lúc bấy giờ không đơn thuần là chức quan hành chính địa phương, nó được coi là một chức vụ quan trọng, bao gồm cả quyền chỉ huy quân đội, được đặt ra để đối phó với việc tái xâm chiếm của người Khiết Đan.
Người Khiết Đan vốn cảm thấy bị đe dọa trước chính sách Bắc tiến và thân Tống của triều đình Goryeo nên đã từng 2 lần tiến đánh Goryeo vào năm 993 và 1010. Thời điểm tháng 9 năm 1014 khi đó, Tiêu Địch Liệt của Khiết Đan lại tiếp tục dẫn quân vào đánh vùng Tongju và Heunghwajin của Goryeo, báo hiệu mở màn cho đợt xâm lược lần thứ 3 của mình. Cũng chính lúc này, triều đình Goryeo đã cử Gang Gam-chan lên làm Thượng nguyên soái, chức quan chỉ huy quân đội cao nhất để đối đầu với 10 vạn quân tinh nhuệ của Khiết Đan.

Trận Gwiju với chiến thắng vang dội

Mặc dù đã trên 70 tuổi nhưng Gang Gam-chan lúc này vẫn cho thấy ông là người có phép dùng binh và tài năng trí tuệ xuất chúng. Ông đã cho khâu da bò thành các tấm ngăn nước, chặn dòng suối chảy ở phía trước Heunghwajin lại (nay là Euiju thuộc tỉnh Bắc Pyeongan), đợi khi quân Khiết Đan vượt qua suối thì nhất tề tháo nước, khiến chúng bị thiệt hại nặng nề, phải bỏ chạy. Tiếp đó, ông lại bố trận đánh lớn ở Gwiju, tận diện hầu hết tàn quân Khiết Đan. Với trận đánh này, người Khiết Đan đã chịu thảm bại, số quân sống sót tính ra chỉ còn lại được vài nghìn và kết quả là phải từ bỏ, không dám yêu cầu Goryeo hoàn trả lại 6 tỉnh vùng Gangdong (Tây Bắc của Goryeo) nữa.
Năm 1030, nhờ có công lớn trong việc đẩy lùi Khiết Đan, Gang Gam-chan được đưa lên chức "Môn hạ thị trung", chức quan cao nhất của Goryeo. Về sau, ông xin thôi làm quan vì lý do tuổi già nhưng vua triều Goryeo vẫn tín nhiệm, vời ông vào cung 3 ngày 1 lần, mãi đến nửa năm sau mới cho ông được nghỉ hẳn.
Gang Gam-chan sống bình lặng lúc về già và qua đời năm 1032, thọ 84 tuổi. Vua triều Goryeo đã bỏ triều kiến 3 ngày để tổ chức quốc tang cho ông. Đó là sự đền đáp xứng đáng để tôn vinh cho vị tướng tài ba, văn võ kiêm toàn hiếm có trong lịch sử Hàn Quốc, vị anh hùng sẵn sàng xả thân cứu quốc vào thời điểm nguy nan của dân tộc.

Lựa chọn của ban biên tập