Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Gil Jae và tấm lòng trung nghĩa

2012-12-13

<strong>Gil Jae</strong> và tấm lòng trung nghĩa
Như ngọn núi Chỉ Trụ không khuất phục trước sóng gió sông Hoàng Hà

Con người dù thực sự có đạo lý làm người, cũng hiếm ai giữ được tiết nghĩa.
Song, học giả họ Gil của chúng ta lại là người đạt đến gần cảnh giới đó. Ông xem công danh, quan chức nhẹ tựa mây hồng, lui về ẩn dật nơi xa xôi hẻo lánh, trên mảnh đất quê hương chỉ được độ mươi luống cày, với nhà tranh và phên cửa kết bằng cỏ cây.
Nhân đức của nhà Chu có cao đến tận trời xanh cũng không làm nguôi được việc anh em Bá Di, Thúc Tề bỏ lên núi Tây Sơn hái rau vi ăn. Hoặc như nhà Hán khi trung hưng, cũng vẫn phải chịu Nghiêm Tử Lăng, để ông ẩn cư, ngồi câu cá bên bến Đông Giang.
Dù ngàn năm có trôi qua, cũng chẳng ai thay đổi được tấm lòng của những con người này.
Trên đây là phần dịch đoạn văn tưởng nhớ về nhà nho Gil Jae với đầy lòng tôn kính của học giả Kwon Woo giai đoạn cuối thời Goryeo, đầu thời Joseon. Thực tế, sau khi xây dựng đất nước, vua Taejong (Thái Tông, tên thật là Yi Bang-won, vua đời thứ 3 của Joseon) có ban chức cho Gil Jae ra làm quan nhưng vị nho sĩ này đã tỏ rõ ý chí cương nghị "Bất sự nhi quân" - nhất định không thờ 2 vua, giữ lòng tiết nghĩa với triều Goryeo mà bỏ về ở ẩn nơi thôn dã. Nhờ vậy, người đời mới ví Gil Jae như núi Chỉ Trụ (DiZhu) ở Trung Quốc không bao giờ cúi đầu trước phong ba của sông Hoàng Hà và tôn ông lên thành một biểu tưởng của lòng trung liệt.

Bề tôi của triều Goryeo

Gil Jae hiệu là Dã Ẩn, sinh tại Gumi vào năm 1353, năm thứ 3 triều vua Gongmin, giai đoạn Goryeo đã trở nên suy tàn. Ông vốn là con trai của thái thú huyện Geumsan là Gil Won-jin. Năm ông 8 tuổi, cha của ông được phong làm "Đại phán" vùng Boseong, phải lên đường đi Boseong, tỉnh Jeolla để nhậm chức. Mặc dù vậy, do ở đây bổng lộc ít, không đủ cho cả gia đình cùng chuyển đến sống nên Gil Jae bị gửi về nuôi ở nhà ngoại và đã phải sống những tháng ngày ấu thơ trong cô đơn, nghèo khổ. Tuy nhiên, Gil Jae lại có tính ôn hòa và rất đỗi thông minh nên năm 1363 ông được cho đi học ở chùa Dori (Đào Lý tự) núi Naeng, sau đó được học về "Luận ngữ", "Mạnh Tử", bắt đầu tiếp cận với Tống nho.
Đặc biệt, trong lần đến thăm cha ở kinh thành Gaegyeong (tên gọi xưa của Gaeseong hiện nay), Gil Jae đã được học kiến thức từ các thầy Yi Saek, Jeong Mong-ju và Kwon Geun là những người đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển Tống nho giai đoạn cuối thời Goryeo. Ông tỏ rõ tài năng của mình đến mức thầy Kwon Geun phải thốt lên "người đến học chữ với ta thì có nhiều, nhưng chỉ mỗi Gil Jae là vượt trội". Năm 22 tuổi, Gil Jae đã thi đỗ khóa thi "Sinh viên" (Sinh viên thí), năm 31 tuổi thi đỗ "Đại khoa" (khoa thi tuyển quan văn) và bắt đầu đến với cuộc sống quan trường.
Gil Jae thường làm việc ở các bộ phận liên quan đến giáo dục như làm ở ban "Học chính", "Bác sĩ", "Giáo thụ" trong trường đào tạo quan lại Sungkyunkwan (Thành Quân Quán). Năm 1389, ông được bổ nhiệm vào làm "Môn hạ chú thư", chức quan phụ trách về tài liệu của triều đình. Tuy nhiên, khi thấy Yi Seong-gye (Thái Tổ, vua đời thứ nhất của Joseon) có biểu hiện sắp sửa xây dựng nên một triều đại mới, ngay năm sau, ông đã lấy cớ là chăm sóc mẹ già để từ chức, về quê.

"Bất sự nhi quân" - lòng trung nghĩa không thờ hai vua

Sau khi ẩn cư, mặc dù triều đình liên tiếp nhiều lần phong quan tước nhưng Gil Jae không nhận. Song, khi vua Gongyang (Cung Nhượng vương), vị vua cuối cùng của triều Goryeo qua đời, ông vẫn để tang vua 3 năm.
Về sau, vua Taejong (Thái Tông) của triều Joseon vốn thủa nhỏ sống gần nhà Gil Jae, lớn lên lại học cùng với ông ở trường Sungkyunkwan nên muốn bổ nhiệm ông vào chức "Bác sĩ" ở "Phụng Thường Tự", cơ quan đảm nhận các việc về tế tự nhưng ông đã thẳng thắn chối từ, nói rằng mình không thờ hai vua.
Việc Gil Jae sinh ra trong giai đoạn lịch sử giao thời của hai triều đại Goryeo và Joseon nhưng vẫn giữ lòng tiết nghĩa, trung với chủ cũ đã lan đi khắp nơi, được nhiều người biết tới. Nhiều văn sĩ đã nối nhau, xếp hàng xin được làm môn sinh của ông. Các nhân vật nổi tiếng như Kim Jong-jik, Kim Goeng-pil, Jeong Yeo-chang, Jo Gwang-jo, những người được coi là khởi nguồn của phái "Sarim" (Sĩ lâm) - học phái sau này đóng vai trò chủ đạo về chính trị và xã hội của Joseon giai đoạn trung kỳ đều đã suy tôn Gil Jae làm thầy.
Gil Jae từng dựng một thư trai ở chân núi Geumo để dạy cho học trò nhiệm vụ, trách nhiệm và kinh nghiệm của một viên quan làm giáo dục. Nhiều nhân tài dưới bàn tay đào tạo của ông đã ra làm quan chức của triều đình trung ương. Vì thế, núi Geumo nơi ông dạy học đã rất được đề cao vào thế kỷ 15, trở thành một "thánh địa" của Tống nho. Đặc biệt, học giả Yi Hwang hiệu là Thối Khê, một cây đại thụ, đỉnh cao của Tống nho thời Joseon cũng đã coi Gil Jae như một người thầy của mình.
Cả cuộc đời của Gil Jae, cho đến khi mất vào năm 1419 đã luôn chỉ tu dưỡng, trau dồi kiến thức, chưa bao giờ chạy theo chức tước, danh vọng hay giàu sang, phú quý. Người đời sau, ai nấy đều ca ngợi, tôn vinh trình độ học vấn xuất chúng cũng như đạo đức cao quý và lòng trung nghĩa của ông.

Lựa chọn của ban biên tập