Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yu Deuk-gong, học giả Joseon viết nên những trang sử về Balhae, vương quốc chìm trong lãng quên

2013-01-24

<strong>Yu Deuk-gong</strong>, học giả Joseon viết nên những trang sử về Balhae, vương quốc chìm trong lãng quên
Hồi sinh vương quốc bị diệt vong bằng tài liệu lịch sử

Trong tựa đề của cuốn "Balhaego" (Bột Hải khảo) ra đời vào năm thứ 8 triều vua Jeongjo (Chính Tổ, vua đời thứ 22 của Joseon) có đoạn viết:
"Khi họ Buyeo (của Baekje) và họ Go (của Goguryeo) bị diệt vong thì họ Kim (của Shilla) đã nắm giữ vùng đất phía Nam, còn học Dae (Dae Jo-yeong, người lập ra nước Balhae) cũng đã chiếm lấy vùng đất phía Bắc, gọi là Balhae (Bột Hải). Đúng ra phải có lịch sử của 2 quốc gia ở 2 miền Nam Bắc như vậy, nhưng triều Goryeo thật sai lầm khi đã không biên soạn tới nội dung này."
Quan điểm lịch sử mở rộng này đã làm lay chuyển cả giới sử học Hàn Quốc. Nó đã đặt các triều đại theo trình tự "thời Tam quốc -> thời kỳ phân chia Nam Bắc -> thời Goryeo" khác so với trình tự "thời Tam quốc -> thời Silla thông nhất -> thời Goryeo" vốn được ấn định bởi học giả Kim Bu-sik trong bộ "Tam quốc sử ký" soạn năm 1145, bộ sử thư đầu tiên miêu tả về lịch sử cổ đại của Hàn Quốc.
Nguyên năm 698, Dae Jo-yeong, một vị tướng của Goguryeo đã dẫn một số dân Goguryeo và tộc người Mạt Hạt đến định đô, sinh sống ở núi Dongmo (Đông Mâu), dựng nên nhà nước Balhae (Bột Hải). Quốc gia này tồn tại được 229 năm ở khu vực Mãn Châu, Đông Bắc châu Á và cùng với nhà nước Shilla thống nhất, nó đã mở ra thời kỳ phân chia 2 quốc gia ở 2 miền Nam Bắc trong lịch sử của Hàn Quốc. Năm 926, do bị hoàng đế của Khiết Đan là Da Luật A Bảo Cơ đem quân tấn công nên Balhae đã diệt vong, trở thành một vương quốc chìm vào lãng quên trong lịch sử. Tuy nhiên, sau đó đã xuất hiện một tài liệu lịch sử, một cuốn sách đầu tiên chủ trương ngược dòng lịch sử, tìm về các vùng lãnh thổ đã mất để mở rộng địa bàn lịch sử của dân tộc Hàn ra toàn bộ vùng Mãn Châu, nơi vốn là đất của nhà nước Balhae. Đó là tác phẩm "Balhaego" (Bột Hải khảo), một tài liệu mà sự ra đời của nó đã kéo theo nhiều cố gắng, nỗ lực tiếp nối nhằm khôi phục lại lịch sử của nhà nước Balhae và tác giả của cuốn sách này chính là Yu Deuk-gong, học giả của phái thực học thời Joseon.
a.

Người xây dựng nền tảng của học vấn

Yu Deuk-gong sinh ngày 5/11 âm lịch năm 1748. Do cả cụ và ông ngoại đều là con ngành thứ, nên ông đã phải sống với thân phận bị phân biệt đối xử. Mới lên 5 tuổi thì cha qua đời nên ông lâm vào cảnh vất vả, thiếu thốn, chật vật về kinh tế. Tuy vậy, mẹ của ông lại là người rất mạnh mẽ, luôn thực hiện theo đúng phương châm "Mạnh mẫu tam thiên chi giáo" (Giống như việc mẹ của Mạnh Tử 3 lần chuyển nhà để cho con có môi trường học tập tốt), mặc dù cuộc sống khó khăn, trở thành góa phụ ở tuổi 28, nhưng bà vẫn cố gắng cho con nối nghiệp học. Vì việc học của con mình, bà đã lên kinh thành Seoul, tìm đến khu có nhiều nhà quan cao chức trọng để kiếm tiền bằng nghề khâu vá thuế.
Yu Deuk-gong đã trau dồi, tích lũy được kiến thức học vấn trong tình cảm yêu thương đùm bọc vô bờ của người mẹ và chịu nhiều ảnh hưởng của người chú tên là Yu Ryeon, một học giả uyên thâm về lĩnh vực toán học và thiên văn học (tới mức đặt tên hiệu của mình là "Cơ Hà" với ý chỉ môn hình học). Chính vì vậy, Yu Deuk-gong đã bắt đầu quan tâm đến Silhak (thực học), một học phái thoát khỏi những quan điểm cứng nhắc của Nho giáo, chú trọng hơn đến lợi ích trong cuộc sống thực tiễn. Vào độ khoảng 20 tuổi, ông đã kết bạn với nhiều học giả theo "Bắc học phái" (những người của phái thực học giai đoạn cuối thời Joseon đi theo khuynh hướng Bắc học - chủ trương tiếp nhận văn hóa phát triển của nhà Thanh, Trung Quốc) như Park Ji-won, Park Je-ga, Lee Deok-mu... thậm chí còn cùng với họ tổ chức nên hội thơ mang tên "Bạch tháp đồng nhân".
Kể từ đó Yu Deuk-gong đã nổi tiếng, trở thành một nhà thơ. Năm 25 tuổi, ông đã sưu tầm tất cả các bài thơ chữ Hán được sáng tác trong nước suốt từ thời Gojoseon (Cổ Triều Tiên) đến thời hậu Baekje và soạn nên tập "Đông thi manh", thể hiện tài năng của một nhà thơ tự sự lấy lịch sử làm gốc. Năm 1773, ông đã cùng với các học giả Park Ji-won, Lee Deok-mu đi Gaeseong, Pyeongyang (Bình Nhưỡng), Gongju (Kinh đô xưa của Baekje) và trở nên quan tâm nhiều tới lĩnh vực địa lý, lịch sử. Đặc biệt chuyến đi này đã xây dựng nền tảng, giúp cho ông 5 năm sau sáng tác nên tác phẩm "Nhị thập nhất đô hoài cổ thi", một tác phẩm thơ tự sự theo thể thất ngôn tuyệt cú có nội dung miêu tả về 21 kinh đô trong lịch sử, từ thành Wanggeom của thời Dangun Joseon đến thành Gaeseong của thời Goryeo.
o.

Để lại dấu ấn của một sử gia làm sống lại lịch sử

Có tài văn thơ hơn người, năm 1774, Yu Deuk-gong thi đỗ kỳ "Tư Mã thi" và năm 1779 cùng với Park Je-ga, Lee Deok-mu, Seo Yi-su được bổ nhiệm làm quan kiểm thư ở Khuê Chương các. Công việc ông đảm nhận chủ yếu là chép văn thư và ghi lại các nội dung thảo luận giữa vua và quần thần hay nội dung trong các buổi đọc giảng hàng tháng của quan văn.
Nhờ sự ưu ái của vua Jeongjo và cũng một phần nhờ vào bối cảnh của thời đại, Yu Deuk-gong đã vượt qua được những rào cản về thân phận của kẻ sinh ra ở ngành thứ, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí quan lại địa phương như Huyện giám Pocheon, Thái thú quận Yanggeun... Ngoài ra ông còn 3 lần được phái đi Trung Quốc trong đó có 2 lần đến Bắc Kinh, 1 lần đến Thẩm Dương. Đây chính là cơ hội giúp ông trực tiếp thấy được mảnh đất xưa, vùng lãnh thổ của các quốc gia Balhae và Goguryeo nằm ở phía Bắc của bán đảo Hàn hay toàn bộ vùng Mãn Châu. Điều này đã trở thành động lực mang tính quyết định giúp ông sau này viết nên tác phẩm "Bột Hải khảo" (Khảo xét về Balhae) vào năm 1784.
Thật không may, vua Jeongjo, trụ cột tinh thần của "Bắc học phái" qua đời và vua Sunjo (Thuần Tổ, vua đời thứ 23 của Joseon) lên ngôi. Ngay khi đó, vào năm 1801, Yu Deuk-gong đã từ chức, thôi không làm chức Phủ sứ vùng Pungcheon nữa mà lui về nhà sống ẩn dật, tập trung cho việc sáng tác. Để viết được sách hay ông đã đầu tư thời gian vào đọc tất cả các loại tác phẩm văn học từ cổ tới kim, từ đông sang tây... Nhờ vậy, ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng tô đậm cho ý thức chủ thể của dân tộc Hàn. Đó là các tác phẩm như "Kinh đô tạp chí", tác phẩm đầu tiên ghi chép lại phong tục theo mùa của Hàn Quốc, trở thành một tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu phong tục thời Joseon, hay tác phẩm "Tứ quận chí" một tài liệu quý báu về lịch sử và địa lý thời cổ đại...
Mặc dù qua đời vào năm 1807, thọ 60 tuổi nhưng mối quan tâm, nhận thức đúng đắn của Yu Deuk-gong về lịch sử đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho kho tàng tư liệu lịch sử của Hàn Quốc. Tác phẩm của ông đã trở thành nền tảng quan trọng, mở đường cho sự ra đời của nhiều tác phẩm nổi tiếng khác sau này như "Ngã bang cương vực thảo", "Hải đông dịch sử" của các học giả Jeong Yak-yong và Han Chi-yun...

Lựa chọn của ban biên tập