Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Choi Yeong-eui, người sáng lập "Cực Chân không thủ đạo"

2013-06-27

<strong>Choi Yeong-eui</strong>, người sáng lập "Cực Chân không thủ đạo"
Được biết đến nhiều hơn với tên gọi Choi Baedal

"Không thủ đạo" là võ thuật sử dụng tất cả các bộ phận trên cơ thể để ngăn chặn các đòn tấn công, đồng thời chế áp đối phương. Theo một số ý kiến thì môn võ thuật này vốn bắt nguồn từ Ấn Độ thời cổ đại, truyền tới nhà Đường Trung Quốc sau đó vào Hàn Quốc giai đoạn thời Tam Quốc (Goguryeo, Baekje, Silla). Đến thế kỷ 14, môn võ thuật này mới sang Nhật Bản và từ những năm 1920 nó bắt đầu phát triển ở đây với tên gọi "Karate".
Trong "Không thủ đạo" lại có một lưu phái mang tên "Cực Chân không thủ đạo" (Geukjin Gongsudo) hay "Cực Chân Karate" là loại võ thuật có cách thức tấn công với những đòn trí mạng có tính sát thương cao nhiều hơn so với "không thủ đạo" thông thường. Hiện nay trên toàn thế giới môn võ thuật này có tới hơn 130 chi nhánh hoạt động với con số 14 triệu người tập luyện.
Người sáng lập ra võ thuật "Cực Chân không thủ đạo" chính lại là một võ sư Hàn Quốc mang tên Choi Yeong-eui, hay còn được biết đến với một cái tên thân thuộc khác là Choi Baedal.

Đam mê võ thuật từ thủa nhỏ

Choi Yeong-eui sinh năm 1923 tại Gimje tỉnh Bắc Jeolla. Từ nhỏ ông đã quan tâm nhiều tới võ thuật, năm lên 9 tuổi đã thông thạo một loại võ thuật được gọi là Chabi. Sau đó, năm 16 tuổi, ông vào học một trường đào tạo quân sự của Nhật Bản và bắt đầu theo học Không thủ đạo (Karate). Năm 1948, tên tuổi của ông được mọi người biết đến khi ông giành chiến thắng tại "Giải vô địch Karate toàn quốc" của Nhật Bản. Ông đã tự đặt cho mình cái tên theo kiểu Nhật là Oyama Masutatsu, trong đó Masutatsu chính là phiên âm tiếng Hàn của từ Baedal, tên nhà nước đầu tiên trong thần thoại dựng nước của Hàn Quốc. Cái tên chứa đựng quyết tâm sắt đá: "dù có sống trên đất Nhật cũng không bao giờ quên mình là người Hàn" và đây cũng chính là lý do mà sau này mọi người gọi ông là Choi Baedal.
Năm 1952, Choi Yeong-eui sang Mĩ biểu diễn và dạy võ thuật trong vòng 11 tháng. Ông đã quảng bá cho hình ảnh của Không thủ đạo, cho thấy uy lực của môn võ này với các màn trình diễn như chặt sừng bò bằng cạnh bàn tay, một đòn hạ gục một con bò hung dữ...
Không thủ đạo của Nhật quy định dừng đòn tấn công trước khi chạm vào cơ thể đối phương, nhưng Choi Yeong-eui lại không thích điều này. Vì thế ông đã sáng lập ra môn võ mới mang tên "Cực Chân không thủ đạo", một môn võ mà trừ đòn tay tấn công vào mặt ra, tất cả các đòn tấn công khác đều không bị giới hạn.

Đưa võ thuật "Cực Chân không thủ đạo" đến với thế giới

Bắt đầu bằng việc thi đấu với các cao thủ của Judo (Nhu đạo) và Kendo (Kiếm đạo) vào tháng 3 năm 1951 tại Tokyo, Nhật Bản, Choi Yeong-eui đã lần lượt đi vòng quanh thế giới, quyết đấu với cao thủ võ thuật của rất nhiều nước. Ông đã có tới hơn 100 trận đấu với nhiều cao thủ của các loại võ thuật như Savate - quyền thuật của Pháp, quyền Anh, quyền Thái (Thái Boxing), đấu vật hay võ Capoeira của Bali... Xoay quanh ông còn có một giai thoại nổi tiếng về việc ông một mình đấu với hơn 100 cao thủ của võ Judo và đặc biệt để lại tiếng tăm trong làng võ là việc ông chưa từng thất bại một lần trong tất cả các trận đấu.
Sau đó, Choi Yeong-eui bắt đầu tiến hành phổ cập "Cực Chân không thủ đạo" hay còn gọi là "Cực Chân Karate" của mình ra ngoài thế giới. Ông tự đứng tên, mở một võ đường riêng tại Tokyo, Nhật Bản, chính thức đào tạo và truyền bá võ thuật do mình khai sáng. Tuy nhiên việc toàn cầu hóa cho "Cực Chân không thủ đạo" phải nói là bắt đầu từ Mĩ. Tháng 3 năm 1953 Choi Yeong-eui đã giới thiệu môn võ này tại Chicago và hơn 30 thành phố lớn khác của Mĩ. Năm 1958 ông còn trở thành người huấn luyện Không thủ đạo cho Cục Điều tra Liên bang FBI và Học viện quân sự West Point của Mĩ…
Từ năm 1959, các giải đấu vô địch môn "Cực Chân không thủ đạo" lần lượt được tổ chức ở tất cả các khu vực Hawaii, Bắc Mỹ, Israel, Úc, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Pakistan và Hungary. Sau đó năm 1975, Giải vô địch thế giới lần thứ nhất của môn thể thao này đã được tổ chức, thu hút tới hơn 120 vận động viên từ 36 quốc gia tham dự, lôi cuốn sự quan tâm của giới võ thuật thế giới.



Choi Yeong-eui được giới võ thuật gọi là "Bàn tay của thần". Thường ngày ông vẫn luôn nói rằng "hoàn thiện về võ thuật chính là hoàn thiện nhân cách". Hơn nữa ông cũng cho rằng "Tất cả võ thuật trên thế giới đều cùng tồn tại và phát triển, không có thứ võ thuật nào mang quan hệ đối địch ". Mỗi khi truyền thụ "Cực Chân không thủ đạo" cho học viên, ông cũng luôn dạy cho họ tinh thần là "đầu phải cúi thấp, mắt phải nhìn cao, miệng thì hẹp lại, lòng thì rộng ra, lấy chữ hiếu, chăm sóc cha mẹ làm gốc để từ đó luôn làm điều tốt cho mọi người khác." Từ những lời nói và suy nghĩ của ông, chúng ta có thể thấy "Cực Chân không thủ đạo" đã hướng đến được tinh thần của võ học chân chính, không còn chỉ đơn thuần là một môn thi đấu.
Choi Yeong-euim, vị võ sư sáng lập, phát triển và phổ cập ra "Cực Chân không thủ đạo" trên thế giới đã qua đời vào tháng 4 năm 1994 do mắc bệnh ung thư phổi, thọ 71 tuổi. Ông được đánh giá là võ sư cả đời hoàn toàn không sử dụng vũ khí hay công cụ nào khác, chỉ phát huy uy lực võ thuật tuyệt diệu của mình bằng vào sức mạnh của thân thể và tinh thần.

Lựa chọn của ban biên tập