Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Seo Gyeong-deok, học giả dày công nghiên cứu kiến thức của riêng mình

2013-07-04

<strong>Seo Gyeong-deok,</strong> học giả dày công nghiên cứu kiến thức của riêng mình
Một trong "Tam tuyệt" của thành Songdo

Songdo vốn là tên trước đây của Gaeseong, nay thuộc tỉnh Nam Hwanghae, Bắc Triều Tiên. Kinh thành này vốn được biết đến với 3 thứ nổi tiếng gọi là "Tam tuyệt của Songdo". "Tam tuyệt" này gồm có: thứ nhất là thác Bakyeon - một trong 3 thác nước lớn nhất của Joseon, thứ hai là danh kỹ Hwang Jini tài sắc vẹn toàn ai ai cũng biết và thứ ba là Seo Gyeong-deok - nho gia nổi tiếng giai đoạn trung kỳ thời Joseon.
Seo Gyeong-deok vốn dựng thư trai gần vùng Hwadam của Songdo, toàn tâm trau dồi học vấn nên thường được nhiều người biết đến với tên hiệu là Hwadam (Hoa Đàm). Suốt cuộc đời vị học giả này không hề ra làm quan mà chỉ sống ở Songdo để nghiên cứu kiến thức và dạy dỗ học trò. Seo Gyeong-deok được đánh giá là học giả nổi tiếng của Joseon đã không đi theo con đường công danh mà chỉ chú trọng vào kiến thức học thuật tự mình tìm hiểu, khám phá.

Từ nhỏ đã đặc biệt quan tâm tới quy luật của vạn sự thế gian

Seo Gyeong-deok sinh năm 1489 trong gia đình của một võ quan cấp thấp. Gia cảnh không thuộc loại khá giả, nên hàng ngày, thậm chí ông phải ra ngoài để hái rau. Tuy nhiên ông thường về muộn mà chẳng có mấy rau cỏ trong giỏ. Cha mẹ ông lấy làm lạ, gặng hỏi nguyên do thì ông trả lời rằng: "Con ra ngoài đồng hái rau thấy con chim chiền chiện nhỏ đang bay. Ngày hôm kia nó bay cách mặt đất được một tấc, hôm qua nó cách được hai tấc còn hôm nay là ba tấc. Không ngờ lại lạ đến vậy. Mỗi ngày thấy chim non bay cao hơn một chút, con đã gắng tìm hiểu xem tại sao mà vẫn không thể biết được."
Trên đây là một đoạn ghi chép về thời thơ ấu của Seo Gyeong-deok xuất hiện trong bộ sách có tựa đề "Namgyejip" do các học giả Joseon biên soạn. Đoạn văn cho thấy lòng hiếu kỳ và tìm tòi nghiên cứu đối với cuộc sống của sinh vật mà Seo Gyeong-deok theo đuổi từ khi còn ít tuổi.
Lại có những câu chuyện kể rằng, mãi đến năm 14 tuổi Seo Gyeong-deok mới được học chữ viết, nhưng sau đó cứ mỗi lần đọc sách mà có sự vật, hiện tượng nào không hiểu ông lại viết tên chúng ra và dán lên tường để liên tục suy ngẫm. Từ năm 20 tuổi, trong suốt 3 năm liền ông có thói quen đắm chìm vào suy tư, nghiền ngẫm nghiên cứu các vấn đề đến quên ăn, quên ngủ... Những câu chuyện đó cũng cho thấy Seo Gyeong-deok là người không bao giờ tiếp nhận toàn bộ những gì có trong sách và ông cũng không hoàn toàn tin hẳn vào lời dạy của các bậc thánh hiền. Ông chỉ luôn dồn tâm, cố sức để mà tự nghĩ, tự khám phá ra tất cả mọi điều.

Những ý kiến đánh giá trái ngược...

Seo Gyeong-deok cũng đã bị một bộ phận các học giả Joseon phê phán. Danh nho Yi Hwang (hiệu Thối Khê) đã chỉ trích ông là "đi theo hướng khác với suy nghĩ của bậc thánh hiền". Thánh hiền mà nhà triết học Yi Hwang nói ở đây chính là Chu Hi, một triết gia thời Nam Tống, Trung Quốc. Trong con mắt của học giả Yi Hwang, việc Seo Gyeong-deok theo đuổi những kiến thức học thuật tự mình giác ngộ chính là vượt ra khỏi "con đường của Chu Hi". Tuy nhiên, với Seo Gyeong-deok điều chính yếu lại không phải là tính chính thống về học thuật hay uy quyền theo kiểu truyền thống. Ông luôn coi trọng những triết lý tự mình khám phá ra và thấy tính độc lập, tính tự chủ và cái chủ thể mới là cần thiết trong học thuật. Mặc dù chịu sự phê phán từ các học giả Tống nho đi theo hệ "Chủ lý luận" - chủ trương đề cao cái "lý" trong thuyết lý học mà đứng đầu là Thối Khê Yi Hwang nhưng Seo Gyeong-deok cũng lại có ảnh hưởng rất lớn tới các học giả theo hệ "Chủ khí luận" - khẳng định cho cái "khí", yếu tố vật thể hình thành nên vạn vật của vũ trụ. Nhà nho nổi tiếng Yi Yi (hiệu Lật Cốc) đã đánh giá kiến thức học vấn của Seo Gyeong-deok là mang tính sáng tạo, đặc biệt thể hiện ông là người hiểu biết sâu sắc về những mặt tinh tế của cái "khí" theo thuyết "lý - khí" của Tống nho.

Chôn chân nơi thảo dã, tránh xa thế gian hỗn loạn

Thực tế vào năm 1531, trước những lời yêu cầu khẩn thiết của mẹ, Seo Gyeong-deok cũng đã từng thi khoa cử. Song, dù được nhận quan chức ông vẫn từ chức ngay vì ông đã hạ quyết tâm theo con đường của một học giả ẩn mình nơi thảo dã. Việc Seo Gyeong-deok không dấn thân vào chốn quan trường cũng có lý do liên quan đến tình hình chính trị hỗn loạn của thời điểm lúc bấy giờ. Bắt đầu với việc xảy ra cuộc thanh trừng nho sĩ năm Mậu Ngọ 1498 (Mẫu Ngọ sĩ họa), tiếp đến là trận phong ba mang lại cái họa cho kẻ sĩ năm Kỉ Mão 1519 (Kỉ Mão sĩ họa), học giả Joseon liên tục gặp nhiều nạn lớn. Bối cảnh đó của xã hội đã càng khiến cho Seo Gyeong-deok quyết tâm ẩn dật, tập trung vào nghiên cứu học tập để đạt tới cảnh giới của sự tự giác ngộ.
Năm 1546, khi 57 tuổi, Seo Gyeong-deok có linh cảm về cái chết của bản thân mình bởi ông đã vật lộn với bệnh tật trong quãng thời gian gần 2 năm. Ông đã tắm rửa lần cuối và chờ tới lúc ra đi. Khi được học trò hỏi về tâm trạng trước giờ phút lâm chung, ông đã trả lời rằng: "Từ lâu ta đã hiểu được triết lý của sự sống và cái chết nên bây giờ lòng ta rất thoải mái." Seo Gyeong-deok - vị học giả cả đời luôn tự nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc, căn nguyên của sự vật đã tiếp nhận cái chết một cách bình thản như vậy.

Lựa chọn của ban biên tập