Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Han Yong-un và lời kêu gọi cho độc lập tổ quốc với "Sự im lặng của người hằng mong nhớ"

2013-07-11

<strong>Han Yong-un</strong> và lời kêu gọi cho độc lập tổ quốc với "Sự im lặng của người hằng mong nhớ"


Han Yong-un, nhà thơ kháng chiến hết lòng vì độc lập của tổ quốc

Đã xa rồi,
Người tôi yêu nay đã xa rồi!
Người dứt áo ra đi trên con đường nhỏ,
Hun hút lao về rừng phong, cho sắc tàn heo úa.
-Trich "Sự im lặng của người hằng mong nhớ" - Han Yong-un-
Trên đây là trích đoạn tác phẩm nổi tiếng "Sự im lặng của người hằng mong nhớ" của tác giả Han Yong-un, nhà thơ cận đại của lịch sử văn học Hàn Quốc, một trong số nhà thơ kháng chiến tiêu biểu của giai đoạn Hàn Quốc bị thực dân Nhật thống trị.
"Sự im lặng của người hằng mong nhớ" là tác phẩm nằm trong tập thơ cùng tên, tập thơ đầu tiên gồm 88 bài thơ của nhà thơ Han Yong-un, xuất bản vào năm 1926. Tuy "người hằng mong nhớ" xuất hiện trong thơ Han Yong-un không chỉ vào một đối tượng cụ thể nào, song nhìn vào bối cảnh thời đại lúc bấy giờ, có thể phân tích đó chính là tổ quốc và dân tộc của tác giả. Han Yong-un vốn là một nhà cách mạng trong thời kỳ Nhật thuộc, thơ của ông thường chứa đựng những nỗi niềm mong ngóng tới ngày độc lập của tổ quốc. Bên cạnh đó, với tên hiệu Vạn Hải, ông cũng còn được biết đến là một nhà tu hành luôn luôn hô hào cải cách, canh tân cho Phật giáo của Hàn Quốc.

Đại diện cho giới tăng ni Phật tử, đi đầu trong phong trào vận động độc lập của Hàn Quốc

Han Yong-un sinh tháng 8/1879 tại Hongseong, tỉnh Nam Chungcheong. Ông lớn lên và được chứng kiến các cuộc đấu tranh của nghĩa binh cũng như khởi nghĩa của phong trào Donghak (Đông học) - một phong trào đấu tranh cách mạng của nông dân. Vì thế, khi vận nước nghiêng ngả, Han Yong-un đã đặt quyết tâm phải làm cho được một điều gì đó cống hiến cho đất nước. Năm 1896 ông đã vào am Ose (Ngũ Tuế am) ở núi Seorak, tỉnh Gangwon để tu đạo. Sau đó, ông tiếp tục đến chùa Baekdam (Bách Đàm tự) cũng ở núi Seorak để xuất gia, cắt bỏ duyên nợ với thế tục.
Năm 1910, đương khi Phật giáo Hàn Quốc xuất hiện và ngày càng lan rộng những mâu thuẫn, hủ bại, Han Yong-un đã rất buồn tiếc và luôn trăn trở, nghĩ tới cải cách. Ông đã soạn nên một phương án hành động thực tiễn cụ thể, đó chính là tác phẩm "Triều Tiên Phật giáo duy tân luận". Năm 1918, ông lại tiếp tục cho ra tạp chí Phật giáo mang tên "Duy Tâm", thông qua đó muốn đại chúng hóa Phật giáo, cố gắng đề cao ý thức dân tộc trong giai đoạn u ám của đất nước dưới thời Nhật thuộc.
Thời điểm chuẩn bị nổ ra phong trào đấu tranh giành độc lập 1/3/1919, Han Yong-un đã đại diện cho giới Phật giáo tham gia với vai trò chủ đạo, lên kế hoạch cho phong trào. Ông chính là một trong 33 đại biểu đại diện cho dân tộc Hàn đưa ra tuyên ngôn độc lập và được giao trách nhiệm in ấn, phát tờ tuyên ngôn độc lập trong giới Phật tử. Tuy nhiên sau lễ tuyên ngôn độc lập ngày 1/3, tất cả các đại biểu tham gia đều bị quân Nhật bắt và Han Yong-un cũng nằm trong số đó. Ông đã cho thấy hình ảnh hiên ngang, kiên cường của một chiến sĩ cách mạng ở trong tù.
Sau ngày được phóng thích 21/12/1921, Han Yong-un vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh của dân tộc. Một năm sau đó ông đã tích cực ủng hộ cho phong trào phong trào khuyến khích sản phẩm sản xuất trong nước, một phong trào lúc bấy giờ đang lan rộng trên toàn quốc nhằm chống lại sự áp bức về kinh tế của Nhật. Đồng thời, ông cũng còn là người đi tiên phong cho phong trào xây dựng đại học tư lập vì nền giáo dục của dân tộc.
Khi nhóm hơn 20 tín đồ Phật giáo bí mật xây dựng nên tổ chức đấu tranh kháng Nhật mang tên "Vạn Đảng", Han Yong-un đảm nhận vai trò đứng đầu đại diện và đã liên tục tiến hành nhiều hoạt động chống Nhật. Tổ chức "Vạn Đảng" đã lấy chùa Dasol (Đa Suất tự) ở Sacheon, tỉnh Nam Gyeongsang làm căn cứ, tổ chức các hoạt động đấu tranh vì độc lập tự chủ của dân tộc, tuy nhiên đến cuối năm 1938 không may họ đã bị thực dân Nhật phát hiện.

Qua đời khi vẫn chưa gặp được "người mình hằng mong nhớ"

Đến nay, mỗi khi tới quận Seongbuk, thành phố Seoul chúng ta sẽ thấy có một ngôi nhà mang tên Simujang (Tầm Ngưu trang). Đây chính là nơi Han Yong-un đã sống quãng thời gian 10 năm cuối đời. Khi mới xây nhà, những người giúp ông đã khuyên rằng nên cất móng, hướng nhà về phía Nam cho mát mẻ và có nhiều ánh sáng, thế nhưng rốt cuộc ông lại đặt nhà theo hướng Đông Bắc. Lý do của ông chỉ đơn thuần là tòa nhà phủ Tổng đốc của Nhật khi đó nằm ở phía Nam và ông không muốn suốt ngày phải nhìn thấy nó.
Khi đã qua tuổi 60, Han Yong-un vẫn luôn tiên phong, đi đầu trong các phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Năm 1940 ông đã đứng ra tổ chức phong trào phản đối việc thực dân Nhật đổi tên họ của người Hàn, năm 1943 ông đứng đầu phong trào phản đối việc bắt lính, đưa học sinh người Joseon ra trận... Tiếc thay, ông đã viên tịch vào ngày 29/6/1944, thời điểm ngày độc lập của tổ quốc đang đến gần. Han Yong-un - nhà sư, nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng đã ra đi mà vẫn chưa có cơ hội gặp được "người mình hằng mong nhớ".

Lựa chọn của ban biên tập