Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Seong Sam-mun - trung thần khảng khái, chính trực

2013-07-18

<strong>Seong Sam-mun</strong> - trung thần khảng khái, chính trực
"Tử lục thần" - sáu vị trung thần tử tiết, biểu tượng của lòng trung thành

Danjong (Đoan Tông), vua đời thứ 6 của Joseon vốn là con của vua Munjong (Văn Tông), do đăng quang lúc còn nhỏ tuổi nên đã bị người chú là Suyangdaegun (Thủ Dương Đại quân) cướp đoạt ngôi vị. Sau sự kiện này, phong trào hoạt động nhằm khôi phục vương quyền cho vị vua bị phế truất cũng đã diễn ra nhưng cuối cùng đều thất bại. Tất cả những người liên quan đến phong trào, phần thì bị hành quyết, phần thì tự tử. Đó chính là kết cục của sáu viên quan nổi tiếng mà sau này được gọi là "Tử lục thần", nghĩa là sáu vị trung thần tử vì đạo. Họ đã trở thành biểu trưng cho lòng trung quân, tiết nghĩa của Joseon giai đoạn sau thời trung kỳ. Và trong số đó, nhân vật Seong Sam-mun đặc biệt là một tấm gương tiêu biểu, đại diện cho nhóm "Tử lục thần"…

Góp công lớn trong việc sáng tạo ra bộ chữ Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm)

Seong Sam-mun sinh ra tại Hongseong, tỉnh Nam Chungcheong ngày nay. Liên quan đến sự ra đời của ông, có một huyền thoại kể rằng, lúc ông chào đời, nghe như có tiếng từ trên không vọng xuống hỏi "đã sinh chưa?" tới 3 lần. Vì thế ông mới được đặt tên là Sam-mun, theo tiếng Hán là "tam vấn", có nghĩa là 3 lần hỏi.
Năm 1435, khi mới 18 tuổi Seong Sam-mun đã đỗ kỳ thi "sinh viên" do triều đình tổ chức và 3 năm sau đó ông được chọn vào làm học sĩ tại Tập Hiền điện, một cơ quan nghiên cứu khoa học của triều đình. Nguyên nghe tin đồn về trình độ học vấn uyên thâm và nhân cách cao đẹp của ông, vua Sejong (Thế Tông, vua đời thứ 4 của Joseon) đã đích thân chọn ông làm học sĩ trong Tập Hiền điện. Cùng các nhân vật được chọn vào lúc này còn có Park Paeng-nyeon, Ha Wi-ji và Yi Gae - 3 nhân vật về sau nằm trong nhóm "Tử lục thần".
Tại Tập Hiền điện, Seong Sam-mun đã dồn toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu kiến thức nên được vua Sejong rất đỗi sủng ái. Về sau, ông đã cùng với các học giả khác như Jeong In-ji, Choi Hang, Park Paeng-nyeon, Shin Suk -ju và Yi Gae đóng góp nhiều công lao, giúp cho vua Sejong tạo ra 28 chữ Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm, tên gọi của chữ Hangeul trước kia) nổi tiếng.

Seong Sam-mun, tấm gương của lòng trung nghĩa

Năm 1454, khi Suyangdaegun (Thủ Dương Đại quân) đe dọa cháu là vua Danjong, ép phải nhường ngôi, Seong Sam-mun đã ôm lấy ngọc tỉ, ấn triện tượng trưng cho quyền lực tối cao của vua để mà than khóc thảm thiết. Chính vì thế, khi Suyangdaegun lên ngôi, gọi là Sejo (Thế Tổ, vua đời thứ 7 của Joseon), vị vua này đã gạt ông ra mà không hề coi trọng. Seong Sam-mun sau đó lại bí mật nghe theo lời cha, cùng với các nhân vật như Park Jung-rim, Park Paeng-nyeon, Yu Eung-bu, Kwon Ja-shin, Yi Gae và Yu Seong-won lên kế hoạch khôi phục ngôi báu cho vua Danjong.
Nhân khi vua Sejo có ý định mở tiệc tiếp đãi sứ thần nhà Minh, Trung Quốc vào ngày 1/6/1456 tại cung Changdeok, Seong Sam-mun cũng đã quyết lấy đó làm thời điểm trọng đại để đoạt lại ngôi vua. Một ngày trước khi tổ chức yến tiệc, ông đã bí mật hội họp với các đồng nghiệp tại Tập Hiền điện để mưu đồ khởi sự. Tuy nhiên, sáng hôm sau yến tiệc bất ngờ bị hủy bỏ khiến cho mọi kế hoạch đều đổ bể. Ngay khi sự không thành, trong đám cùng hội cùng thuyền đã có kẻ phản bội, báo cho vua Sejo biết để cả nhóm Seong Sam-mun đều bị bắt. Trước mọi sự tra tấn tàn khốc của vua Sejo, ông vẫn không hề khuất phục, thậm chí còn gọi vua là bất nghĩa, mắng Shin Suk-ju, quan đại thần phò tá cho vua lúc bấy giờ là đồi bài, phản bội lại lời dặn dò của các vị vua đời trước như Sejong, Munjong... Vua Sejo càng tức giận, cho tra tấn nặng nề hơn, song vẫn không lung lạc được ý chí của ông. Kết cục, ông và những người đồng mưu đã bị đưa đi xử tử hình.
Sau khi Seong Sam-mun bị hành quyết, đến nhà ông người ta mới thấy, tất cả gạo được cấp làm bổng lộc kể từ sau khi vua Sejo lên ngôi đều được ông chất thành từng đồng, nguyên vẹn không hề dùng tới. Tấm lòng chính trực, khảng khái đó của ông cho đến nay vẫn luôn được người dân Hàn Quốc nhắc tới với một lòng tôn kính. Mặc dù bị kết tội phản nghịch do chống lại vua Sejo nhưng 200 năm sau, đến thời vua Sukjong (Túc Tông, vua đời thứ 19 của Joseon) mọi tội danh của ông đều đã được xóa bỏ. Lịch sử vẫn ghi nhận ông là một viên quan thời Joseon đã có đóng góp to lớn, giúp cho vua Sejong sáng tạo ra chữ Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm), đồng thời cũng là người biết giữ trọn tiết nghĩa, trung thành với duy nhất một vị vua mà mình thờ.

Lựa chọn của ban biên tập