Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kang Jeongildang, nữ học giả thời Joseon

2013-07-25

<strong>Kang Jeongildang,</strong> nữ học giả thời Joseon
Người phụ nữ Joseon am hiểu về Tống Nho

Tống Nho hay còn gọi là Đạo học, Lý học, Tân Khổng giáo là hệ thống kiến thức, học thuyết do các nhà Nho thời nhà Tống, nhà Minh, Trung Quốc xây dựng nên. Đối với triều Joseon, triều đại mà tôn ti trật tự rất được coi trọng, thì việc phụ nữ được học kiến thức đã là khó, đừng nói tới tiếp cận với sách vở Nho học cao xa này của Khổng Tử, Mạnh Tử. Tuy vậy, ngay chính vào thời Joseon, Hàn Quốc lại xuất hiện một Kang Jeongildang – nhân vật thân sinh ra là nữ nhi nhưng lại vừa là học giả Tống Nho, đồng thời vừa là một văn nhân có cuộc đời hết sức khác biệt.

Kêu gọi bình đẳng nam nữ ngay vào thời của triều đại phong kiến Joseon

Thời Joseon là thời kỳ mà tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, người phụ nữ bị hạn chế nhiều trong các hoạt động về văn hóa, xã hội... Những gì có thể gọi là giáo dục mà người phụ nữ nhận được trong giai đoạn này, tất cả đều chỉ liên quan đến lễ nghĩa và việc nội trợ trong gia đình. Hơn nữa, ngay cả sự giáo dục này cũng chỉ là để dành cho các phụ nữ trong hoàng thất hoặc gia đình quý tộc mà thôi. Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng nói ở đây chính là một xã hội như vậy lại đã sản sinh ra các trang nữ kiệt nổi tiếng trong lịch sử của Hàn Quốc.
Bước sang thế kỷ 17, bắt đầu xuất hiện một số phụ nữ nhà quý tộc được tiếp cận với kinh điển Nho học, làm thơ, làm văn và để lại nhiều tác phẩm quý báu. Đó chính là các tên tuổi như Shin Saimdang, Yim Yunjidang, Seo Youngsuhap, Yi Sajudang, Yi Bingheogak và đặc biệt có Kang Jeongildang là nữ học giả tiêu biểu. Kang Jeongildang đã đi sâu vào nghiên cứu Tống Nho, một công việc phải nói là tương đối khó khăn, thậm chí đối với cả các đấng mày râu lúc bấy giờ. Kang Jeongildang còn là nhân vật nổi tiếng vì đã sớm đề ra chủ trương "không có gì khác biệt về bản chất giữa nam giới và nữ giới" vào thời điểm lúc bấy giờ.

Người sinh ra cùng chữ "đức"

Kang Jeongildang sinh năm 1772 tại Jecheon, tỉnh Bắc Chungcheong ngày nay. Bà vốn xuất thân trong gia đình danh giá, tổ tiên đời đời làm quan lại, song do ông nội và cha của bà đều sớm qua đời nên gia cảnh trở nên hết sức khó khăn.
Câu chuyện ra đời của Kang Jeongildang cũng có điều đặc biệt. Nguyên khi mang thai bà, mẹ của bà đã mơ thấy bà ngoại đã mất trước đây trở về, tay dắt theo một bé gái và nói: "đây là người có đức, ta gửi gắm lại cho con." Sau giấc mơ này, Kang Jeongildang đã chào đời và vì thế tên hồi nhỏ của bà còn được đặt là Jideok (Chí Đức), có nghĩa là người mang đạo đức, đức hạnh. Theo "Hành trạng", sách viết về cuộc đời của Kang Jeongildang thì bà là người có tính tình trầm lặng, điềm đạm, có khả năng kiểm soát được cảm xúc của bản thân
.
Chiến thắng những ngày tháng nghèo khổ, đau buồn để trau dồi học vấn

Kang Jeongildang được biết đến là người phụ nữ đã vượt qua nhiều sự nghèo nàn, khốn khó từ lúc còn nhỏ. Năm 1791 bà đã lấy chồng tên là Yun Gwang-yeon và sinh con đẻ cái như một phụ nữ bình thường, song những nỗi buồn khổ, bất hạnh vẫn cứ dai dẳng đeo bám lấy bà. Tuy sinh được tận 9 người con, 5 trai 4 gái nhưng tất cả con bà đều đã qua đời khi chưa đầy 1 tuổi. Dù rằng thời buổi bấy giờ, vì lí do thiếu ăn, thiếu mặc và trang thiết bị y tế hiện đại mà tỉ lệ trẻ em tử vong cao cũng là điều dễ hiểu, song liên tục để mất đến 9 đứa con quả là nỗi buồn khó ai sánh nổi…
Giai đoạn sau đó, Kang Jeongildang đã khuyên chồng chuẩn bị tham gia kì thi khoa cử. Gia cảnh khó khăn nên bà thường ngồi may vá, lo kế sinh nhai ngay bên cạnh chồng, khi chồng bà dùi mài kinh sử. Nhờ nghe những câu chữ mà chồng bà ngâm nga đọc lên, bà cũng học được rất nhiều. Chỗ nào không hiểu bà lại hỏi, dần dần bà thuộc lòng được tất cả, dù là gì chỉ xem qua một lần là không bao giờ bà quên cả. Tài năng của bà còn vượt trội hơn chồng, tới mức có thể trao đổi, thảo luận mọi kiến thức học vấn. Tuy nhiên, con đường tiến thân ra làm quan của chồng bà gặp nhiều khó khăn, rốt cuộc bà đành bảo chồng ở nhà dạy trẻ, hai vợ chồng sống quãng đời còn lại với việc đọc sách và đàm đạo văn chương.
Kang Jeongildang đã trở thành tấm gương phụ nữ vươn lên học tập từ trong đau khổ và khó khăn, luôn cố gắng hết mình để trau dồi kiến thức. Bà đã viết ra và để lại cho đời sau tới hơn 10 cuốn sách. Việc bà cho ra đời được những cuốn sách này cũng là nhờ vào người chồng hết lòng yêu thương và biết đề cao tài năng của vợ. Chồng bà, Yun Gwang-yeon đã bảo quản cẩn thận tất cả thơ văn do bà để lại và 4 năm sau khi bà qua đời, cho dù khó khăn, ông vẫn bỏ hết tài sản ra để xuất bản chúng thành sách.
Kang Jeongildang là người phụ nữ có tài năng xuất chúng và có lòng nhiệt tình, ham học hỏi kiến thức. Tuy nhiên do bối cảnh xã hội của thời đại, bà đã không thể phát huy, bộc lộ hết tài năng của mình. Những tư tưởng, suy nghĩ của bà chỉ còn được chứa đựng trong các tác phẩm thơ, văn và được đưa vào trong tập "Di cảo của Jeongildang" (Tĩnh Nhất Đường Di cảo) để truyền lại cho đến ngày nay.

Lựa chọn của ban biên tập